10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật của thầy giáo Nguyễn Xuân Việt

2019-01-17 02:53:25

Đã 10 năm kể từ ngày thầy Nguyễn Xuân Việt về công tác tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng), chàng thanh niên trẻ ngày ấy đã làm được những điều khó có một thầy giáo dạy trẻ nào làm được. Đó là giáo viên chuyên dạy trẻ khuyết tật trí tuệ.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao ảnh Bác Hồ cho thầy Việt trong lễ vinh danh "Chia sẻ cùng thầy cô" 2018


Từ trăn trở…

Ngày còn sinh viên, nhiều lần tham gia tình nguyện dạy học cho trẻ tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, nhìn những đứa trẻ khuyết tật tôi đã rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó để giúp đỡ các em - thầy Việt tâm sự.

Là thầy giáo dạy trẻ bao năm, thầy Việt vẫn có một điều trăn trở về cái nhìn của xã hội đối với những đứa trẻ khiếm khuyết: "Bản thân các em không có lỗi gì cả, nhiều em khuyết tật có những tài năng đặc biệt mà chỉ khi thực sự đồng hành với trẻ ta mới nhận ra những khả năng đó. Tôi chỉ mong xã hội hãy nhìn các em bằng cái nhìn bình thường, để các em có thể trở thành người bình thường". 

Đến nay đã 10 năm trôi qua, dù vất vả nhưng chưa bao giờ thầy Việt có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. "Những đứa trẻ dạy tôi sự kiên trì, nhẫn nại, cho tôi niềm hạnh phúc từ sự tiến bộ nhỏ như lời chào hỏi, lễ phép hay những cái ôm cổ, quấn quanh chân mình... đó là cả nguồn động viên lớn. Tôi đã chọn công việc này và không bao giờ từ bỏ".

Mong mỏi duy nhất của thầy giáo Nguyễn Xuân Việt là phụ huynh cần phối hợp tốt hơn với giáo viên, chịu khó trao đổi thông tin về học sinh để hỗ trợ cho giáo viên tốt nhất trong can thiệp, trị liệu tật cho trẻ. Nếu phụ huynh phối hợp tốt, hỗ trợ rèn luyện thêm cho con khi ở nhà thì trẻ càng sớm có những tiến bộ, cải thiện rõ rệt. Thầy Việt bộc bạch: “Trẻ càng thiệt thòi thì mình càng phải yêu thương, chăm chút cho các em nhiều hơn. Trẻ em, lại là trẻ khuyết tật thì rất tinh ý, ai yêu thương, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả. Và khi bé biết mình được thầy cô giáo dành trọn sự yêu thương, chăm chút thì giáo viên dễ kích thích được sự phát triển của trẻ”.

… Đến hành động thực tế

Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên (năm 2008) của ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Nguyễn Xuân Việt học tiếp hai khóa học ngắn hạn về công tác xã hội ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và vào TP. Hồ Chí Minh xin thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật. Nhờ hai khóa học này, đã giúp Nguyễn Xuân Việt có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế để làm tốt công việc của một giáo viên trong môi trường giáo dục quá đặc biệt: dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ…
 

Thầy Việt luôn tạo hứng thú cho trẻ trước mỗi giờ học


Năm đầu tiên nhận công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt phải mất 2 tháng mới bắt đầu làm quen được với công việc thực tế. Thầy Việt kể: “Năm đó, tôi được phân công là giáo viên hỗ trợ của lớp 2 - đây là lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ nặng nhất của trường. Công việc của giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy mà còn kiêm đủ thứ việc không tên khác. Chuyện học sinh làm đau mình và đau thầy giáo là chuyện quá bình thường. Có đôi khi, một giờ học thành công chỉ là một giờ học mà học sinh không quậy phá. Học sinh lớn rồi nhưng không tự chủ được trong việc vệ sinh, có những em nước dãi lúc nào cũng chảy ướt hết cả áo… nên giáo viên phải giúp”.

Bằng sự cảm thương với những thiệt thòi của học sinh, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Việt đã vượt qua những thách thức của công việc để trụ lại với nghề suốt trong gần mười năm qua và luôn tìm tòi những phương pháp dạy học phù hợp với bệnh trạng của từng học sinh.
Lớp học của thầy Việt đa số trẻ từ 0-6 tuổi mắc các chứng tự kỷ, thiểu năng, tăng động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động… Mỗi trẻ một khuyết tật khác nhau, nhưng thầy Việt luôn biết cách chủ động điều chỉnh, sáng tạo bài giảng cho phù hợp với các em.

Ngoài công việc chuyên môn, thầy Việt còn chủ động đề xuất tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, múa hát, tìm hiểu kiến thức qua "vườn rau của em" hay lễ hội cho trẻ nhân các ngày kỷ niệm. Thầy còn kết nối các ban ngành, tạo công ăn việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ, kết nối các trung tâm lại với nhau, kết nối sinh viên hỗ trợ. Thầy Việt đến các doanh nghiệp để xin lốp xe cũ, dụng cụ làm khu vui chơi an toàn cho trẻ; kết nối nhà tài trợ, các công ty du lịch để đưa các em đi tham quan.

Những trái ngọt cho đời

Học sinh của thầy Việt đến nay đã có 15 em hòa nhập hoàn toàn, là học sinh khá ở các trường tiểu học, Trung học cơ sở. Nhiều em chọn học và làm nghề. Hàng chục em đã được cải thiện tình trạng khuyết tật từ nghiêm trọng sang nhẹ và đang tiến đến hòa nhập với xã hội. Em Hồng Đăng (13 tuổi) nay đã học cấp II, vẫn gọi điện về cho thầy giáo, kể về việc học tập, tâm sự những điều trong cuộc sống, nói về ước mơ và tương lai của mình. Sau nhiều năm, từ cậu bé thiểu năng nay trở thành một học sinh bình thường, có ước mơ, hoài bão, Đăng chia sẻ: "Thầy Việt là người thầy đặc biệt và là người cha thứ hai đã sinh ra em một lần nữa".
 

Một thầy - một trò 


Tận tụy với học sinh, tận tâm với nghề nghiệp, cho dù môi trường dạy học có không ít khó khăn, thử thách, thầy Nguyễn Xuân Việt là gương mặt đại diện cho giáo viên Đà Nẵng được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Chương trình do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức vinh danh 48 thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy học sinh khuyết tật.

Theo Hoanhap.vn


Tin liên quan