Từ một chàng trai khỏe mạnh, do căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh mà đôi mắt của anh Nguyễn Năng Bính (thôn Chi Long, xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cứ mờ dần rồi mù hẳn. Anh phải học cách làm quen và vượt qua bóng tối để thích nghi với cuộc sống mới. Hành trình đó của anh thực sự gian nan, nhưng anh luôn hạnh phúc vì có sự đồng hành của tổ chức Hội người mù và những người đồng cảnh, để từ đó anh có thêm niềm tin và nghị lực để vươn lên, học tập, làm việc như những người bình thường.

Luôn phải học cách thích nghi

Sinh ra tại một vùng quê thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Năng Bính được chuẩn đoán mắc căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh, bác sĩ kết luận thị lực sẽ mất hẳn vào một ngày nào đó. Những năm tháng tiểu học, trung học thị lực của anh giảm sút dần. Đến năm lớp 9, anh không nhìn rõ chữ trên bảng dù luôn ngồi bàn đầu. Khi thầy cô viết trên bảng, các bạn phải đọc giúp anh. Nếu các bạn viết chữ trong khuôn khổ một dòng, anh phải viết hai ba dòng, cỡ chữ to như thế mới có thể đọc được._MG_9378

Nguyễn Năng Bính (thứ hai từ phải sang) nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, anh may mắn thi đỗ vào Trường THPT Yên Phong I với một số điểm khá cao và được học lớp chọn của trường. Thời gian theo học THPT, thị lực của anh Bính suy giảm nghiêm trọng, anh phải chuyển từ bút bi sang bút dạ bởi nét chữ to dễ đọc, những quyển sách giấy A3 cũng bắt đầu đồng hành với anh, ngày tốt nghiệp THPT cũng là ngày anh nhận ra mình mất hoàn toàn thị lực.

Cuộc sống thiếu đi ánh sáng, gặp nhiều xáo trộn, anh phải học lại tất cả mọi thứ: Cách di chuyển với cây gậy trắng, làm quen sinh hoạt trong bóng tối... nhưng tất cả không khủng khiếp bằng việc mất định hướng, chơi vơi trong suy nghĩ về hiện tại, tương lai…. Tất cả chỉ thực sự thay đổi khi chị gái anh tìm hiểu và giới thiệu anh đến với một tổ chức quy tụ những người khiếm thị: Hội người mù.

Được tiếp thêm nghị lực từ những người đồng cảnh

Tháng 5/2005, anh Bính tham gia Hội Người mù huyện Yên Phong và được nghe câu chuyện “Tàn nhưng không phế” của nhiều người. Anh những tưởng mất ánh sáng là điểm kết của cuộc đời nhưng không, đó là khởi đầu của sự hy vọng. “Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong khi đó đã thức tỉnh tôi khi nói “Khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải lý do để tàn phế cuộc đời. Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra” - anh Bính chia sẻ. Sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Yên Phong, anh được học chữ nổi, học đánh máy vi tính với các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị. Quyết tâm học Đại học một lần nữa thắp sáng trong anh.

Vốn yêu thích học theo khối A (Toán - Lý - Hóa) nhưng để phù hợp với hoàn cảnh của người khiếm thị (không thể vẽ hình học), anh chuyển sang ôn tập khối C (Văn - Sử - Địa) và đăng ký thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Năm 2007, anh đã thi đỗ và trở thành sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng của trường.

Ra Hà Nội ở trọ với cậu em họ, anh tự rèn cho mình phải tự lập mọi việc. Không phụ thuộc em đưa đón, anh dùng gậy dò đường đi bộ tới trường và tập sử dụng phương tiện xe bus. Ở nhà trọ, anh tự nấu ăn, dọn dẹp, vệ sinh cá nhân. Dần dần hầu như mọi sinh hoạt thường ngày anh đều có thể làm được như người bình thường. Ở trường, bên cạnh học tập, anh còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và sự tự tin trước đám đông…

Năm 2011, anh Bính tốt nghiệp Cử nhân loại Giỏi trở về quê hương và được tiếp tục làm việc tại Hội Người mù huyện Yên Phong, được các hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Năm 2014, tôi đạt giải nhất cuộc thi “Liên hoan công nghệ thông tin toàn quốc” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Viết được 08 bài dự thi cuộc thi ONKYO “Chữ nổi làm thay đổi cuộc đời tôi” do tỉnh hội phát động, trong đó có 02 bài được gửi tham dự tại trung ương hội.

Cùng với các thành viên của Hội, anh tham gia các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người khiếm thị, trong và ngoài tỉnh. Với vai trò của mình, anh chịu trách nhiệm quản lý hiệu quả hoạt động của 02 phòng xoa bóp, bấm huyệt, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo hội các nội dung liên quan tới nhiệm vụ được giao như: tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ nhằm tuyên truyền về Hội và xây dựng quỹ hội, thay đổi cách thức quản lý, mua sắm trang thiết bị cho tổ dịch vụ xoa bóp.

Với những nỗ lực, cố gắng của mình, anh Bính đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng đáng quý, trong đó, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tặng anh Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất từ năm 2017 - 2019”.

Nguyen Nang Binh 

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Bính

“Tôi luôn mong muốn được giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn nữa, đặc biệt là những người khiếm thị để họ được tiếp cận tri thức và trang bị những kỹ năng cần thiết - đó là cánh cửa để người khuyết tật được xã hội tôn trọng và hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng” - Anh Bính cho biết.

Hoàng Dung

 

Tin liên quan