Là người khuyết tật bẩm sinh, cuộc sống sinh hoạt, học tập từng gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Lê Quang Toán (Quảng Bình) đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống. Đồng cảm với những người khó khăn trong xã hội, đam mê với công tác thiện nguyện, anh quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với những người yếu thế. Dù là một thanh niên tình nguyện hay với vai trò cán bộ Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, anh vẫn dành trọn nhiệt huyết, say mê mong góp phần nhỏ bé từng bước cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trên quê hương mình.

Chim Én nhỏ tình nguyện vì cộng đồng

Khi sinh ra trên đời, ai cũng mong muốn có được một hình hài trọn vẹn, khôi ngô, một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Nhưng Lê Quang Toán ngay từ khi lọt lòng mẹ đã mang trên mình khiếm khuyết. Khuyết tật bẩm sinh không chỉ gây cho anh nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập mà còn kéo theo gánh nặng mưu sinh cho cả gia đình. Chứng kiến nỗi vất vả của bố mẹ, đúc rút từ cuộc sống khó khăn của gia đình, anh Toán luôn tâm niệm bản thân cần phải có một tình cảm, tình thương yêu, chia sẻ đùm bọc sâu sắc đến những người khó khăn tại quê hương và cộng đồng. Để từ đó, anh cống hiến hết mình cho công tác xã hội.

Lê Quang Toán (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn trẻ khuyết tật yêu quê hương Quảng Bình

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh Toán đã khởi xướng và tham gia vào nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa. Khi thì cùng các bạn trong nhóm những người con yêu quê hương Quảng Bình (quangbinhonline) làm chương trình sách cho miền Cát Trắng, tặng 100% sách vở mới cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn các trường vùng đệm Phong Nha Kẻ Bàng và một số xã khó khăn trên địa bàn. Lúc lại làm chương trình áo ấm mùa đông cho các xã vùng cao của huyện Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá trong ba năm liền...

Năm 2010 - năm thiên tai khắc nghiệt nhất ập đến với đồng bào Quảng Bình, anh cùng các bạn trong nhóm quangbinhonline (QBO) viết thư ngỏ kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt tại Quảng Bình hàng chục tấn hàng, hàng trăm triệu đồng. Chương trình đã đưa đến cho các em học sinh vùng lũ lụt sách vở, quần áo mới, mang lương thực, thực phẩm giải quyết phần nào khó khăn cho đồng bào vùng lũ.

Anh Toán trong các hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình

Không chỉ trực tiếp kết nối với các tổ chức về làm chương trình từ thiện và hổ trợ tại các Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, anh Toán còn là nhân vật quay phóng sự trong tiểu mục Công dân toàn cầu VTV3, kêu gọi tài trợ làm cầu treo giúp cho các em học sinh hai thôn Trằm, Mé xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đi học. Trước đó, để đến trường, các em phải đi qua 2 lần đò ngang rất vất vả và nguy hiểm.

Ghi nhận những đóng góp của anh Toán, tháng 12 năm 2012 anh được tổ chức tình nguyện LHQ tại Việt Nam trao tặng Giấy chứng nhận tình nguyện viên Quốc tế và được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và được bình chọn là một trong 05 cá nhân xuất sắc của giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2012 do Trung ương đoàn bình chọn.

Một cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm

Sau nhiều năm rong ruổi trên những nẻo đường thiện nguyện, trực tiếp chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của những gia đình sinh con ra đã mang khuyết tật bại não, vận động, khiếm thị, khiếm thính…. Với mong muốn có nhiều cơ hội giúp đỡ san sẻ khó khăn với các gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hỗ trợ họ vươn lên bền vững, anh xin vào làm việc tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình. “Tháng 6 năm 2013 là một bước ngoặt lịch sử trong đời của tôi. Tôi vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định đặc cách vào làm việc tại Hội bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình. Hiện tại tôi làm truyền thông, khảo sát tìm kiếm đối tượng cần trợ giúp và tìm nhà tài trợ cho các chương trình dự án của Hội, hỗ trợ các đối tượng khuyết tật làm chính sách xã hội của nhà nước” – anh Toán chia sẻ.

Anh Toán trong các hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình

Khi bản thân là người khuyết tật, ai đó có thể tự ti, e dè khi dang tay giúp đỡ người khác. Còn với Lê Quang Toán, anh lại coi đó là một “lợi thế”. “Mang khiếm khuyết từ khi mới lọt lòng nên tôi thấu hiểu được những khó khăn của người khuyết tật gặp phải trong cuộc sống là như thế nào. Tôi cũng rất hiểu tâm lý của những người khuyết tật, họ tự ti mặc cảm ra sao nên tôi dễ dàng tiếp xúc, tiếp cận chia sẻ với họ” anh Toán cho biết.

Gắn bó hơn chục năm với những người yếu thế, anh Toán còn có thuận lợi nữa là đã có dịp đi hết 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nơi nào có nhiều hoàn cảnh khó khăn anh đều thuộc nằm lòng, nơi nào đường sá đi lại hiểm trở anh đều thông thạo. Thậm chí, vùng đất nào thích hợp với loại cây trồng vật nuôi nào anh cũng khá am hiểu để “phòng khi” bà con cần anh có thể giúp đỡ, chia sẻ thông tin.

Nhờ tâm huyết và những hiểu biết sâu sắc của mình, cùng với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình, anh Lê Quang Toán đã góp phần tích cực trong vận động tài trợ, xây dựng các chương trình trợ giúp thiết thực, hiệu quả cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến sau trận bão lũ lịch sử số 10 và số 11 mang đến tang thương và thiệt hại về tài sản của nhân dân vùng lũ. Anh cùng với Hội huy động được gần 3 tỷ đồng cứu trợ đồng bạo trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Dù sức khỏe không được bằng nhiều người khác, điều kiện kinh tế cũng không khá hơn gì, nhưng với trái tim hướng về người yếu thế, anh luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường mình đã chọn để vượt qua những khó khăn khi địa bàn hoạt động rộng, hiểm trở nguy hiểm, đối tượng đông, dàn trải khắp trong tỉnh để mang đến cho họ niềm vui, niềm hạnh phúc khi được hỗ trợ, được sống bình đẳng và hòa nhập.

Với những đóng góp tích cực của một nhân viên công tác xã hội, tháng 6 năm 2014 anh Lê Quang Toán vinh dự được Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam tặng Bằng khen. Ngoài ra, anh còn nhận được rất nhiều sự ghi nhận, khen thưởng của cá Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Bình.

Hoàng Dung

Tin liên quan