Không may mắn như những người bình thường khác khi bị khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng bằng nghị lực phi thường và niềm tin đối với cuộc sống, chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân đã vẽ lên ước mơ của cuộc đời mình bằng những hạt gạo mộc mạc, gần gũi gắn liền với người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương.

Anh đang là chủ cửa hàng tranh gạo nổi tiếng trên địa bàn thị trấn Quảng Xương và các huyện khu vực lân cận tỉnh Thanh Hóa.

Cao Văn Tuân đang hoàn thiện tác phẩm tranh gạo.

Tốt nghiệp Khoa Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Huế, Cao Văn Tuân cũng như bao bạn trẻ khác có nhiều dự định, ước mơ để tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, đối với người lành lặn tìm việc làm đã khó, với Tuân lại càng khó gấp nhiều lần. Mang tấm bằng đi xin việc ở khắp nơi, Tuân đều không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, ngoại hình.

Với niềm đam mê đặc biệt với hội họa, thư pháp, thời gian chưa tìm được việc làm, Tuân thường vào mạng tìm các bức tranh đẹp, tham khảo chữ thư pháp rồi ngồi vẽ lại. Rồi một ngày, một người bạn tặng Tuân một bức tranh bằng cát, Tuân rất thích thú và chợt nghĩ, tại sao mình không nghĩ ra một nguyên liệu khác, không phải là cát để làm sinh động thêm những bức tranh, những nét chữ mình đã viết ra? Nghĩ là làm, Tuân bắt đầu thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau để gắn lên những bức tranh của mình, cuối cùng cậu đã chọn hạt gạo làm nguyên liệu chính cho dòng tranh của mình.

Theo lý giải của Tuân: Gạo là một vật liệu sẵn có, rất mộc mạc, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân. Hơn nữa anh cũng đã nghiên cứu và phát hiện được khả năng lên màu của gạo sau khi được rang, giúp thỏa sức sáng tạo trong quá trình lao động nghệ thuật.

Để thổi hồn vào những bức tranh gạo, Cao Văn Tuân rất coi trọng khâu chọn nguyên liệu. Gạo dùng để làm tranh phải là những hạt to dài, đủ ngày, không phải loại gạo chín ép. Nếu không được lựa kỹ, khi rang hạt gạo sẽ không lên màu đẹp. Bên cạnh đó, nếu gạo không đảm bảo, chất lượng và độ bền của bức tranh sẽ bị giảm đi rất nhiều, do gạo bị ẩm, mốc...

Cao Văn Tuân tư vấn cho khách hàng mua tranh gạo.

Sau khi chọn được nguyên liệu, khâu rang gạo được xem là quan trọng nhất. Tranh gạo đặt tính chất tự nhiên lên hàng đầu nên không được sử dụng màu nhuộm, vì vậy để tạo ra màu sắc tự nhiên, người thợ phải rang gạo hoàn toàn thủ công để tạo ra những mẻ gạo với màu sắc đậm, nhạt khác nhau. Để hạt gạo rang được đều màu, người thợ phải xử lý nhiệt độ hết sức khéo léo để từ một hạt gạo màu trắng dần chuyển sang trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen và đen…Cao Văn Tuân đã sáng tạo cho mình được 14 màu gạo rang: đen, trắng, trắng sữa, trắng ngà, vàng sẫm, vàng nhạt, màu đỏ, đỏ nhạt, đỏ sẫm, màu nâu, nâu nhạt, nâu sẫm…

Khâu gắn gạo lên tranh cũng không kém phần quan trọng, tuy không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mẫn của người thợ. Để tạo nên những bức tranh sinh động, có hồn, người thợ phải biết lựa chọn lúc nào “đi” gạo đứng, lúc nào “đi” gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào sẽ dùng gạo tấm… Chỉ cần sơ suất một chi tiết nhỏ thôi là sẽ thay đổi hoàn toàn cái “hồn” của bức tranh. Là một người khá kỹ tính và làm việc nghiêm túc, mặc dù phải mất vài tiếng để hoàn thành xong bức tranh, nhưng khi xem lại có những đường nét chưa chuẩn, Tuân sẵn sàng làm lại từ đầu, khi nào cảm thấy ưng ý mới thôi. Sau khi gắn gạo lên tranh, để bức tranh được bền, đẹp, có độ bóng, Tuân dùng keo bóng phết lên bề mặt của bức tranh. Vì thế, các bức tranh gạo của Tuân có độ bền khá lâu, có những bức đã treo 6 năm nhưng màu sắc vẫn còn như mới…

Đam mê có thừa nhưng để xem đó là một nghề để mưu sinh không hề đơn giản. Ban đầu, Cao Văn Tuân dành tặng những bức tranh của mình cho người thân, bạn bè, sau khi nhận được phản hồi tích cực từ người xem, Cao Văn Tuân mang tranh đến các hiệu sách, các phòng tranh lớn gửi bán. Khi có những đơn hàng đầu tiên, chàng trai khuyết tật bắt đầu giao bán trên mạng. Tiếng lành đồn xa, dần dần, nhiều người đã biết đến tranh gạo mang thương hiệu “Cao Tuân”. Ban đầu, những khách hàng thân thiết của Tuân chủ yếu là các em học sinh, vào những dịp lễ tết, tranh làm ra không đủ bán, Tuân phải tranh thủ làm ngày, làm đêm. Dần dần các cơ quan, công sở đã liên lạc để đặt tranh biếu tặng.

Khi cảm thấy đủ đam mê và có thể coi đây là một nghề kiếm sống, Cao Văn Tuân đã mạnh dạn lên thị trấn Quảng Xương thuê một căn phòng chưa đầy 15m2 để vẽ và bày bán tranh. Tại đây, chỉ bằng những công cụ rất thô sơ như: bút chì, giá vẽ, thước,  Cao Văn Tuân đã cho ra đời hàng trăm bức tranh đẹp được khách hàng đón nhận… Qua bàn tay khéo léo của Tuân, những hạt gạo như được “thổi hồn” để trở thành những bức tranh mang đậm chất nghệ thuật với chủ đề thiên nhiên, phong cảnh, con người, tranh thư pháp… Bức tranh cầu Hàm Rồng, cũng là dòng sông, ngọn núi, cây cầu nhưng trên nền gạo trắng ngà, những mảng mầu nâu, đen, vàng tạo cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc, khó tả. Bức tranh phổ cổ Hà Nội được bàn tay tài hoa của Tuân tạo nên những nét uyển chuyển, mềm mại, giúp người xem cảm nhận được chiều sâu văn hóa của vùng đất, con người được vun đắp từ hạt gạo ngàn năm…

Với sự lạ mắt của những bức tranh gạo và ý chí vượt lên số phận, cửa hàng đã mang lại cho Tuân nguồn thu nhập trung bình từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng, giúp Tuân phần nào vơi khó khăn. Không những thế, Tuân còn phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Xương mở được hai lớp dạy nghề làm tranh gạo cho những đối tượng khuyết tật trên địa bàn. Những lúc hàng nhiều, Tuân đã dành một phần đơn hàng cho những số phận không may mắn như mình, để tạo thêm việc làm cho họ.

Chia sẻ về những dự định của bản thân thời gian tới, Cao Văn Tuân cho biết: Do đơn hàng hiện nay ngày càng nhiều, nhất là vào các dịp lễ, tết, anh đang đi tìm địa điểm rộng hơn để mở cửa hàng tranh. Từ đó, Tuân sẽ đào tạo thêm và nhận một số bạn khuyết tật có chung niềm đam mê đến làm việc tại cửa hàng để có thêm thu nhập, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Theo baotintuc.vn

Tin liên quan