Theo thống kê của Chính phủ, hiện nay có 3 triệu người khiếm thị trên toàn quốc trong đó có 1 triệu người mù lòa. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo đời sống cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng nhưng cuộc sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ có 8% người khiếm thị được đến trường, 15% được đào tạo dạy nghề và 20% có công việc ổn định. Vậy đâu là rào cản tiếp cận giáo dục và việc làm của người khiếm thị? Có nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến công tác hướng nghiệp cho đối tượng người khiếm thị bị xem nhẹ.

Đường học gian nan

Ở độ tuổi 23 nhiều sinh viên đã tìm được công việc ổn định sau khi tốt nghiệp nhưng Hoàng Văn Phú (SN 1996) hiện mới đang theo học chương trình cử nhân ngành Công tác xã hội - Đại học Khoa học Cã hội và Nhân văn năm nhất.

Sinh ra nơi bản Tày xã Hưng Đạo - TP. Cao Bằng - tỉnh Cao Bằng, cái nghèo cái đói đã cướp đi ánh sáng nơi Phú. Năm Phú lên 5 tuổi do thiếu chất dinh dưỡng mắt cậu có dấu hiệu thoái hóa, từ đó con đường học tập với Phú thật gian nan. Phú chia sẻ: “Khi hoàn toàn bị mù, mình đinh ninh mình chắc sẽ chẳng thể đến trường được nữa. Trường học địa phương lúc đó không đủ điều kiện để tiếp nhận giáo dục học sinh khuyết tật thêm nữa thiếu cơ hội tiếp cận thông tin mình không biết đến các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật. Mãi đến năm 2015, Hội người mù tỉnh Cao Bằng mới tìm đến và giới thiệu mình đến lớp học chữ nổi của tỉnh hội, 2 năm sau mình bắt đầu học lớp 1 tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Cao Bằng”.

Khó khăn trong tiếp cận giáo dục với Phú là thiếu thông tin, thiếu các cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho người khuyết tật. Đối với một người khuyết tật như Phú được đi học cũng là cả một sự đánh đổi: Là con đường đến trường cứ xa dần từ Cao Bằng - Thái Nguyên - Hà Nội; là phải xa nhà tự lập khi tuổi còn quá nhỏ.

Sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở tại Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên, Phú tiếp tục theo học phổ thông tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đến lúc này Phú mới nhận ra khó khăn lớn nhất cậu phải đối mặt. Không phải là thiếu thốn tài liệu, sống tự lập hay trở ngại trong việc di chuyển mà là Phú mơ hồ về tương lai của mình. Cậu không biết thế mạnh của mình là gì? Với một người khuyết tật cơ hội việc làm như thế nào? Đứng trước ngã ba cuộc đời lựa chọn ngành học đại học Phú thật sự bối rối. Hoàng Văn Phú nhớ lại: “Khi đó mình không có khái niệm gì về việc làm cho người khuyết tật. Xung quanh mình có bạn giỏi tiếng Anh, có bạn giỏi âm nhạc nhưng mình không nổi trộn về bất kì một mảng nào. Mình không biết tương lai của mình sẽ làm gì? Thời điểm đó mình mất phương hướng. Cho đến khi mình tham gia lớp học định hướng nghề nghiệp cho học sinh khiếm thị do tổ chức cứu trợ quốc tế Samaritan’s Purse tổ chức. Chị Hương là điều phối viên dự án đồng thời cũng là giáo viên đứng lớp chia sẻ. Có lẽ  bởi chị là người khuyết tật nên hơn ai hết chị hiểu những khó khăn của nguồn nhân lực người khuyết tật, nhu cầu việc làm của thị trường lao động trong thời đại mới và người khuyết tật cần  những hành trang gì để tự tin bước chân vào môi  trường làm việc hòa nhập. Chị từng nói với lớp, ai cũng có những thế mạnh riêng biệt quan trọng là ta tìm ra được  thế mạnh đó hay không? Qua mỗi buổi học mình tự khám phá được những tiềm năng của bản thân, mình dần ấp ủ một ước mơ trở thành một nhân viên Công tác xã hội để đi đến nhiều nơi giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật gặp khó khăn như mình. Đó là lý do mình trở thành một sinh viên ngành Công tác Xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”.

Hoàng Văn Phú (thứ 3 tính từ phía bên phải) trong buổi lễ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có đích đến thuyền sẽ tiến

Đã có ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên khuyết tật, chị Đào Thu  Hương - Nhân viên UNDP, Liên hợp quốc Việt Nam chia sẻ: “Việc hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tiếp cận giáo dục và việc làm cho người khuyết tật. Không chỉ là người khuyết tật mà cả các bạn học sinh không khuyết tật mục đích cuối cùng sau khi đi học là tìm được một công việc. Nhiều bạn học sinh khuyết tật không hiểu rõ được thế mạnh của bản  thân, mơ hồ về thị trường lao động thậm chí đóng đinh mình vào những công việc mà xã hội, gia đình cho rằng người khuyết tật sẽ làm được như xoa bóp, tăm tre,... Hướng nghiệp sẽ giải quyết tất cả những vấn đề đó.

Dự án hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên khiếm thị Đào Thu Hương từng làm trong 3 năm đã có những kết quả ban đầu. Nhiều bạn học sinh, sinh viên khiếm thị đã tìm ra đam mê, thế mạnh của bản thân. Bên cạnh đó các em đã có những hình dung cơ bản về thị trường lao động, những cơ hội thách thức của nguồn lực lượng lao động là người khuyết tật. “Như một con thuyền, nếu có định hướng con thuyền đó sẽ đến đích” Đào Thu Hương tâm niệm.

Đào Thu Hương đứng lớp chia sẻ trong buổi học hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên khiếm thị.

Cùng quan điểm với Thu Hương, Nguyễn Năng Bính - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong nói: “Khi chọn trường đại học nhiều hội viên trẻ không biết mình mạnh ở đâu? Mình thích cái gì? Các bạn đổ xô đi học theo các ngành học mà nhiều sinh viên khuyết tật đang theo học. Tôi biết có một người bạn, bạn ấy biết khả năng của mình là tiếng Anh. Sau 4 năm rèn luyện trong môi trường đại học, hiện nay bạn đang mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà với thu nhập không hề thấp”.

Con đường hòa nhập với người khuyết tật để tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ giáo dục, việc làm còn nhiều trở ngại nhưng vẫn có những chiếc chìa khóa để mở  được cánh cửa hòa nhập một trong số đó là công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Theo hoanhap.vn

Tin liên quan