Người tiên phong

Xưởng Nguyễn Văn Cừ là xưởng đầu tiên trong hệ thống triển khai dự án đưa người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Mọi thứ đều mới toanh. Nhân sự mới toanh. Chưa có ai từng tham gia dự án lớn như này để học hỏi. Kể về những ngày đầu, chị Thoa không khỏi bồi hồi, “Khi ấy chị đã tự hỏi vì sao mình lại là người được lựa chọn vào công việc này? Mình đã từng làm việc này đâu? Liệu mình làm được không? Đến giờ chị vẫn không hiểu điều kỳ diệu gì đã giúp mình vượt qua”.

55 Angels, 55 tính cách, 55 khiếm khuyết trên cơ thể khác nhau, nhưng điểm chung là đều tự ti và ngại giao tiếp. Giọng nói của chị lại khá to nên các bạn càng e ngại. Chị quyết tâm phải tập nói chậm rãi và nhỏ dần. Vừa “luyện giọng”, chị vừa học thêm ngôn ngữ ký hiệu để phá bỏ rào cản. Càng tiếp xúc với các bạn, chị nhận ra mình thật may mắn. Và rồi, tình yêu thương từ trái tim đã khiến chị gắn bó với các bạn, với ForLife đến tận bây giờ.

Ảnh chị Thoa và anh em trong Xưởng Nguyễn Văn Cừ

Những khó khăn ban đầu

Các bạn Angels từ nhỏ đã được gia đình bao bọc, lần đầu phải xa nhà nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt chung tại xưởng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nấu cơm, cách sử dụng bếp, sử dụng nồi cơm điện. Chị thấy thương quá nên đến từng phòng hướng dẫn từ cách chọn thức ăn, đến cách bật thiết bị, rồi rang thịt sao cho ngon. Niềm vui nho nhỏ của chị đôi khi chỉ là mọi người làm theo hướng dẫn nấu được bữa cơm ngon.

Chị sắp xếp các nhóm từ 4-5 bạn sẽ ăn chung, cùng chia sẻ công việc với nhau. Những xích mích xảy ra trong nhóm, chị luôn là người giảng hỏa. Hàng ngày, chị chia sẻ các câu chuyện về giá trị con người, cách sống để mọi người yêu thương nhau hơn.

Ảnh chị Nguyễn Thị Thoa

Đã có lúc muốn từ bỏ

Đêm hôm ấy, xưởng có bạn nhân viên lên cơn co giật động kinh. Chị vội vã liên hệ người nhà và tra trên mạng cách xử lý sao cho kịp thời và nhanh nhất. Lúc gia đình lên đến nơi, bạn đã qua tình trạng nguy hiểm và gia đình xin đón bạn về. 4 tháng sau thì cơn co giật lại tái phát, bạn đã ra đi mãi mãi. Đó là một nhân viên rất ngoan, ham học hỏi mà khiến chị nhớ nhất. Có lúc thương quá mà chị ngồi khóc một mình.

Rồi một lần khác, có bạn nhân viên trong xưởng bỏ đi. Bạn Angel không nói và không nghe được mà chị nhắn tin hay gọi điện liên tục mà bạn không nhấc máy. Gia đình bạn đã chuyển hết vào Sài Gòn sinh sống. Đêm lạnh, chị lang thang trên phố đi tìm người đến 2-3 giờ sáng không tài nào chợp mắt chỉ lo nhỡ bị làm sao thì biết ăn nói như nào với gia đình. Bốn hôm sau bạn trở về bình an thì chị mới dám thở phào một cái. Tỉ tê hỏi han mới biết bạn buồn chuyện gia đình nên đi chơi với bạn trai rồi ngại không dám quay lại xưởng. Chị lắng nghe rồi chia sẻ với bạn về tình yêu an toàn giống như một người mẹ.

Là người mẹ ở Xưởng nhưng lại khiến gia đình trở nên chút lục đục vì chị quá mải mê công việc. Bố mẹ chồng không thông cảm, nhà lại có ba cô con gái nhỏ đang tuổi cần nhiều sự quan tâm. Chị phải ngồi lại suy nghĩ và cân đong đo đếm lựa chọn giữa gia đình hay công việc. Nghĩ về tình cảm mọi người dành cho mình, trái tim chị lại trĩu nặng. Chị quyết định mình sẽ yêu thương nhiều hơn chứ không thể bớt đi bên nào. Chị thống nhất với chồng cho một khoảng thời gian để mọi người ở xưởng tạm thời ổn định rồi sẽ dành thêm thời gian cho tổ ấm. Rất may mắn là chồng chị hiểu. Thấy chị hết lòng vì anh em, tất cả tự bảo nhau cố gắng làm việc đừng để chị buồn nữa.

Ảnh chị Nguyễn Thị Thoa

Những niềm vui đọng lại

Chị say sưa kể cho tôi nghe niềm vui khi được anh chị em tâm sự, đặc biệt khi hạnh phúc của họ nảy sinh từ chính xưởng Nguyễn Văn Cừ. Xưởng có 5 đôi cặp đôi đang hẹn hò. Đôi nào đã cưới vẫn nhắn tin nhờ chị chia sẻ cách để giữ lửa hôn nhân. Tôi vui cùng niềm vui với chị, ngọn lửa tình yêu đã lan tỏa khắp xung quanh. Trong thời khắc Tết đoàn viên Canh Tý 2020, xin chúc ngọn lửa yêu thương của chị Thoa cùng gia đình lớn, gia đình nhỏ sẽ mãi ấm áp và đón nhận nhiều thành viên mới.

Ảnh chị Thoa chụp cùng anh em trong Xưởng Nguyễn Văn Cừ

Tin liên quan