Nguyễn Thị Vân thành lập Imagtor với tất cả gia tài 5.000 USD. Sau 3 năm, công ty bắt đầu có lãi, được một doanh nghiệp Singapore định giá 2,4 triệu USD.

Gia tài 5.000 USD thành lập công ty

Năm 12 tuổi, cô bé khuyết tật Nguyễn Thị Vân và anh trai được trao tặng một chiếc xe lăn. Lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội để nhận xe, cô nhìn thấy nhà từ thiện người Nhật Bản, cũng ngồi xe lăn, được đón tiếp sang trọng ở khách sạn, các phóng viên bao vây xung quanh để chụp hình phỏng vấn.

Hình ảnh đó khác hẳn so với những gì cô bé nhìn thấy ở quê mình: người khuyết tật ăn xin ở chùa, hoặc ngồi vạ vật tại các cổng chợ. Hình ảnh đầu đời đó hối thúc Vân tìm ra mục đích sống đời mình. Cô bé 12 tuổi năm đó nghĩ một ngày kia, mình cũng sẽ được như nhà từ thiện Nhật Bản, sẽ đi khắp nơi để hỗ trợ mọi người.

Năm 2016, khi vừa 29 tuổi, cô trở thành Chủ tịch, đồng sáng lập công ty Imagtor chuyên cung cấp dịch vụ xử lý hình ảnh cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử với số vốn ít ỏi 5.000 USD. Đây là toàn bộ gia tài của Vân, cô gái khuyết tật chỉ nặng hơn 20 kg gắn mình trên chiếc xe lăn. Cô tự hào chia sẻ chỉ sau 2 năm, đến 2018, Imagtor đã được một tổ chức tại Singapore định giá 2,4 triệu USD, gấp 480 lần giá trị ban đầu.

Nguyễn Thị Vân tại công ty. Ảnh: FBNV.


Imagtor có đội ngũ hơn 70 người, trong đó một nửa là người khuyết tật. Khách hàng của công ty gồm hơn 120 doanh nghiệp, cá nhân đến từ Mỹ và châu Âu dùng dịch vụ hàng ngày, được cam kết trả sản phẩm trong 24 giờ. Dịch vụ xử lý hình ảnh, theo Vân nhận định, đang cạnh tranh nhau bằng giá và không có rào cản thị trường. Tuy nhiên Vân tin rằng thị trường sẽ dần ưu tiên chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đó là cơ hội của Imagtor.

Vân cho biết năm 2018, công ty có doanh thu hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Imagtor chính thức bước vào kinh doanh, hai năm trước chỉ là hoàn thiện giấy tờ pháp lý, thành lập công ty, kiếm địa điểm văn phòng, xây dựng thương hiệu và tập quen cách làm.

Giao diện trang web của Imagtor.


Chủ tịch Imagtor tự hào khoe thu nhập trung bình mỗi nhân viên hiện tại khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, người cao nhất là 33 triệu đồng/tháng. Không ai có thể ngờ rằng, nhân viên đầu vào của Imagtor là những người khuyết tật chỉ cần biết đọc, biết viết, tư duy bình thường. Những người này mất 6 tháng học nghề ở trung tâm Nghị lực sống - tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin miến phí do Vân và anh trai lập ra. Sau đó, họ mất 8 tháng đến một năm để thành thục công việc, Vân nói.

Mong muốn những người khuyết tật trở thành nhà lãnh đạo

Vân sinh ra trong một gia đình ở Nghệ An, cô và anh trai là hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất) đều là người khuyết tật. “Bố mẹ tôi mong rằng cả nhà tôi sẽ chết cùng với nhau, hoặc họ phải chết sau chúng tôi. Bởi nếu họ chết trước chúng tôi, sẽ không ai chăm sóc chúng tôi nữa”, cô từng kể.

Vân thừa nhận mình tìm ra mục đích sống từ khi còn rất nhỏ và không chấp nhận hoàn cảnh. "Tôi luôn có hành động mạnh mẽ hơn so với các bạn khuyết tật cùng trang lứa. Tôi thích quan sát xung quanh, càng quan sát tôi càng thấy mình dễ đồng cảm, từ đó tìm ra giải pháp giúp cuộc sống tươi mới hơn".

Vượt lên số phận, cô lựa chọn thành lập Trung tâm Nghị lực sống hoạt động phi lợi nhuận để tạo việc làm cho người khuyết tật có sinh kế bền vững. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm lại phụ thuộc vào nguồn tiền từ thiện và không thường xuyên, nhiều ý tưởng vạch ra không thể thực hiện vì thiếu kinh phí. Vì thế, cô vận hành công ty Imagtor để kinh doanh, tạo thu nhập bền vững duy trì hoạt động Trung tâm. Tính đến nay, Trung tâm này đã đào tạo hơn 1.000 học viên khuyết tật.

Không chỉ dừng lại tạo việc làm, kiếm thu nhập, Vân còn mong muốn đào tạo họ trở thành người lãnh đạo, có khát vọng lớn, cùng nhau tạo ra những môi trường tốt cho cộng đồng người khuyết tật. Vì vậy, Vân đã bắt đầu bàn giao công việc cho các cộng sự, mỗi tuần chỉ đến công ty một lần để xem xét lại mọi thứ.

Anh Neil Bowden Laurence, chồng của Vân, luôn đồng hành cùng vợ trong các sự kiện. Ảnh: Khổng Chiêm.


Nhận thấy Imagtor có cơ hội phát triển và đủ tự tin bước ra khỏi vùng an toàn, Vân cho biết từ 2020 sẽ là thời kỳ phát triển sau khi có một bộ máy vững chắc. Cô đã tự tin chuyển văn phòng với diện tích gấp 3 lần, dự kiến nhân viên gấp đôi lên 140 người vào năm sau. Chậm mà chắc là điều cô gái trẻ tâm niệm, bởi bản thân “không được học hành bài bản về kinh doanh nên không muốn phát triển nóng, dễ đổ vỡ”.

Giữa hội trường cả nghìn người tham dự Women Summit 2019 do Forbes tổ chức, Vân tự nhận mình nổi bật nhất. "Một cô váy đỏ ngồi trên xe lăn" là những gì Vân nói về bản thân. Cô tự nhận xét đó là điểm mạnh được biến hóa từ điểm yếu mà dễ gây ấn tượng nhất của cô, khiến nhiều người không thể quên.

Cũng như việc cô hỏi chàng kỹ sư người Úc Neil Bowden Laurence khi được cầu hôn: “Em đẹp không? Em sexy không”, anh trả lời có. Cô bảo cô tự tin mình đẹp mỗi khi ngắm nhìn qua gương, vì cô là chính mình và không cần phải giống ai. Sự tự tin, với mỗi người, là bước đệm để thành công.

Tin liên quan