Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác NKT năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 với sự chủ trì của ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch Uỷ ban. Theo đánh giá, trong năm 2019, các mặt hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, công trình công cộng, tiếp cận các dịch vụ cơ bản…

Công tác NKT được triển khai đồng bộ, toàn diện

Theo đánh giá của Uỷ ban Quốc gia về NKT, năm 2019, công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các thành viên Ủy ban đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ lồng ghép thực hiện chính sách NKT. Đặc biệt ngày 01/11/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ chính là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT… Cùng với đó, các hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho NKT như dạy nghề, tạo việc làm, trợ cấp, tặng quà…

Báo cáo chưa đầy đủ của Bộ, ngành, địa phương, năm 2019, cả nước tuyển sinh khoảng  20.000 NKT trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng... ; giải quyết việc làm cho khoảng 1,508 triệu lao động, trong đó khoảng 10% là NKT. Năm 2019 đã hỗ trợ cho 2.277 NKT vay vốn để tạo việc làm, duy trì việc làm và mở rộng việc làm… Riêng Hội Người mù Việt Nam năm 2019 được giao gần 51 tỷ đồng triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT.

Cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa PHCN tiếp tục được củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương. Năm 2019 đã thực hiện giảm giá vé cho 41.236 hành khách là NKT. Để phục vụ NKT, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam đã trang bị xe nâng chuyên dụng tại 06 cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Liên Khương; Lĩnh vực giao thông đường sắt đã thực hiện giảm giá vé cho 8.194 hành khách là NKT. Dự án Xe ô tô thư viện đa phương tiện lưu động tiếp tục được thực hiện, đã trao tặng 31 xe tô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho 31 tỉnh, thành. Mỗi xe có hơn 4.000 cuốn sách, 06 máy vi tính, 01 máy chủ, phần mềm, máy chiếu, ti vi… Trong đó có máy đọc và sách nói cho người khiếm thị, máy phóng to cho người lòa, tài liệu điện tử.

Trong lĩnh vực thể thao, giải vô địch môn điền kinh và môn bơi NKT toàn quốc năm 2019 được tổ chức tại Cần Thơ với sự tham gia của 30 đơn vị và khoảng 800 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ; Giải vô địch các môn thể thao NKT toàn quốc năm 2019 tại Thái Nguyên với sự tham gia của 17 đoàn của 17 tỉnh/ thành, với gần 300 vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ; Tổ chức tuyển chọn, tập huấn các vận động viên có thành tích xuất sắc các môn, cử các đội tuyển tham dự các giải thể thao cho NKT quốc tế; chuẩn bị tham gia Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á tại Philippines.

Năm 2019 có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách TGPL cho NKT có khó khăn về tài chính. Các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL cho 1.265 lượt NKT thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng (tăng 50,3% so với năm 2018), đại diện ngoài tố tụng. Đến cuối năm 2019 đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 3 triệu NKT trong cả nước.

Vẫn còn tồn tại nhiều bất cập

Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch UBQG về NKT: Trong năm 2019, các mặt hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn như: Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm. Còn một số Bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm, coi công tác NKT là trách nhiệm của riêng ngành LĐTB&XH nên chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT hàng năm và cả giai đoạn, không có giải pháp để tổ chức thực hiện mục tiêu về trợ giúp NKT thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình; Một số địa phương chưa thành lập Ban công tác NKT, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động mang tính hình thức.

Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tiếp cận các dịch vụ cơ bản vẫn còn khoảng cách so với Công ước Quốc tế về quyền của NKT. Hệ thống dịch vụ trợ giúp NKT vẫn còn nhiều bất cập. Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Năng lực của cán bộ nhân viên làm việc với NKT trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng còn hạn chế…

Khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới định hướng của UBQG về NKT Việt Nam sẽ tập trung quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác NKT; Tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT và công tác trợ giúp NKT; tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với NKT trên mọi lĩnh vực bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho NKT; Văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với NKT.

Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của NKT, chính sách, pháp luật về NKT bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với những đối tượng khác nhau; nghiên cứu, triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của NKT; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thu hút sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi trong xã hội nhân kỷ niệm ngày NKT Việt Nam (18/4) và ngày quốc tế NKT (3/12). Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình PHCN dựa vào cộng đồng; Tổ chức kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số Bộ, ngành và địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng của NKT.

Trong năm 2020, cần tổ chức tổng kết Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, nghiên cứu xây dựng Đề án giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Phong Châu

 

Tin liên quan