Chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng là công việc được Đồng Tháp đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Nhờ vậy, người khuyết tật đã có cuộc sống ổn định, không chỉ sống vui, sống khỏe mà còn có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng trên 20.871 người khuyết tật, trong đó, có 14.254 người thuộc diện nặng và 4.740 người đặc biệt nặng.

         Tặng xe lăn cho người khuyết tật

Thiết thực giúp đỡ, chăm sóc những người không may mắn trong cuộc sống, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cộng đồng xã hội cùng chung tay, góp sức vì người khuyết tật. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật.

          Từ sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, thời gian qua, cùng với việc được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như học văn hóa, học nghề, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, được trợ giúp pháp lý, được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng này đã không ngừng được cải thiện và nâng lên đáng kể. Điều đáng nói là họ đã có thêm cơ hộibình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống.

          Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, trong thời gian 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã vận động cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 60.000 người khuyết tật. Tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 100.000 lượt người và đã hỗ trợ xe lăn, xe lắc trên 3.500 chiếc... Về cơ bản, hiện nay, trên địa bàn đa số người khuyết tật đã được hỗ trợ động viên để tự tin trong hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ngày càng ổn định.

         Lớp dạy vi tính cho người khiếm thị ở Đồng Tháp

Để giúp đỡ người khuyết tật, Sở Lao động TB&XH đã tổ chức điều tra, tìm hiểu có biện pháp phù hợp để hỗ trợ. Trong đó có việc tổ chức dạy những nghề phù hợp như thêu, may, vẽ... cho người liệt chân, xoa bóp cho người khiếm thị, dạy tin học... Ngoài ra những người thuộc diện này còn được tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi, ưu tiên cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Với sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể, nhiều người khuyết tật ở Đồng Tháp không những đã tự tạo việc làm mà còn giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bằng tinh thần “tương thân tương ái” cùng chăm lo của cộng đồng, xã hội người khuyết tật đã được tiếp sức để có nghị lực vươn lên. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lòng nhân ái, bao dung, không phân biệt đối xử, chia sẻ, giúp đỡ nhiều hơn nữa người khuyết tật./.

 

Tin liên quan