Tại TP Hồ Chí Minh, cơ sở khuyết tật An Phúc là một địa chỉ đặc biệt nuôi dạy các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật. Tại đó, các thành viên không chỉ tự lao động để nuôi sống bản thân mà qua nhiều năm chung sống bên nhau, nhiêu đôi trẻ đã nên duyên vợ chồng. 

Mái ấm nhân lên hạnh phúc

Lê Văn Ở, chàng trai sinh năm 1993, quê Hòn Đất, Kiên Giang. Từ khi lọt lòng, di chứng của chất độc da cam đã khiến Ở không có hai mắt. Ông trời lấy đi nhiều thứ nhưng đã bù lại cho Ở một nghị lực tuyệt vời và những năng khiếu âm nhạc. 

Về với gia đình An Phúc năm 2009, Ở được ông Trần Hữu Quang, người được các thành viên ở đây trìu mến gọi bằng “bố Quang” đưa đi học đàn guitare, oóc-gan. Vượt lên hoàn cảnh, Ở đã chơi thành thạo các nhạc cụ và hiện là đội trưởng văn nghệ của cơ sở khuyết tật này. Vào những ngày cuối năm 2012, gia đình An Phúc đón thêm một thành viên mới. Đó là Huỳnh Thị Hồng Châu, người mà sau đó gần một năm đã nên duyên vợ chồng với Lê Văn Ở. Châu sinh năm 1985, quê ở Bến Tre, bị khiếm thị từ bé. Hành trang mà Châu có được khi đến với An Phúc là nghề làm cườm, công việc có thể giúp Châu kiếm được thu nhập đủ nuôi sống bản thân. 

Sống cùng nhau trong một mái nhà. Người thấy mờ mờ, người mù hẳn đem lòng mến nhau. Nhờ bố Quang se duyên, họ đã nên duyên vợ chồng với một đám cưới viên mãn tại Bảo tàng Quân khu 7. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ nhân lên khi họ đón một đứa con lành lặn vào năm 2013. Đó cũng là niềm vui chung của các thành viên trong mái ấm An Phúc. Cùng chung một mái nhà nhưng Ở vẫn chưa một lần được tận mắt thấy khuôn mặt vợ con mình. Ở thường đưa đôi bàn tay lên khuôn mặt, lên bàn tay Châu để cảm nhận. 

Anh Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1976, quê Cần Giuộc, Long An, bị khiếm thính, không nói được, là một trong những thành viên gắn bó với An Phúc từ những ngày đầu mới thành lập. Phong quen và nên duyên với Vũ Thị Nga, sinh năm 1985, quê Hải Dương khi Nga đến với An Phúc từ năm 2009. Họ cũng đã có một đám cưới trọn vẹn vào năm 2012 qua sự giúp đỡ của bố Quang và các mạnh thường quân. Lúc bé, một trận ốm kéo dài khiến Nga bị liệt một tay, các chi khác cũng không còn khỏe như trước. Cuộc sống hằng ngày, Nga là đôi mắt và đôi tai cho chồng, còn Phong đỡ đần vợ trong những công việc cần đến đôi tay khỏe mạnh. Cuối năm 2013, cậu con trai mang họ cha Nguyễn Thanh Phước ra đời trong niềm vui vô bờ bến của cặp vợ chồng khuyết tật này. Cậu bé hạnh phúc ấy bây giờ đã là một học sinh lớp 2 ở mái ấm mồ côi Ánh sáng. 

Những số phận được hồi sinh

Năm 2007, cơ sở khuyết tật An Phúc được thành lập sau nhiều trăn trở của ông Trần Hữu Quang khi nhìn thấy nhiều mảnh đời bất hạnh. Ðến nay An Phúc có khoảng hơn 50 thành viên. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, người là nạn nhân chất độc da cam, người là khuyết tật bẩm sinh, người mắc bệnh nan y. Thế nhưng, tình yêu trong căn nhà đó vẫn luôn nảy nở khi có sáu cặp vợ chồng đã nên duyên. Trong không gian nhỏ hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, những người khuyết tật, những cặp vợ chồng khuyết tật đó vẫn luôn vui sống mỗi ngày dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Ở mái ấm An Phúc, chị Hà Thị Hồng Hiệp, sinh năm 1976, quê Bình Thuận, là nạn nhân chất độc da cam được mọi người xem như chị ruột của mình. Trong gia đình đó, chị là “tổng quản” quán xuyến mọi việc, chỉ bảo cho các em từng việc nhỏ mà theo chị là “để cho mấy đứa luôn quên đi thiệt thòi của cơ thể để vươn lên sống nghị lực, sống trách nhiệm với bản thân, để xứng đáng với xã hội “tàn nhưng không phế”. Bản thân chị cũng từng trải qua sáu lần phẫu thuật để chữa chứng cong xương và biến dạng chi dưới. Năm 2017, chị được bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư giáp, phải nhập viện và điều trị tại bệnh viện Ung bướu. Về với mái nhà An Phúc từ những ngày thành lập, chị Hiệp tâm sự: “Trách nhiệm với các chị em trong cơ sở còn lớn lắm! Hạnh phúc của chúng cũng là hạnh phúc của bản thân nên bây giờ chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho mấy chị em trong nhà thôi”. 

Thời gian qua, dịch Covid-19 đang diễn ra, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống của các thành viên thêm phần khó khăn nhưng trong mọi hoàn cảnh, ông Trần Hữu Quang vẫn luôn động viên “các con” mình rằng: “Đó là những khó khăn trước mắt nhưng chúng ta sẽ cùng đồng lòng vượt qua. Những năm qua, các con dù thiệt thòi hơn so người khác nhưng chưa bao giờ các con ngừng nỗ lực. Đó là niềm tin, hạnh phúc để bố con mình tin rằng, chúng ta sẽ vượt qua”. 

Tại một góc nhỏ của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh, một gian hàng bày bán những sản phẩm lưu niệm như: túi xách, các loại hoa, hàng mỹ nghệ… được thiết kế bắt mắt, tinh xảo. Đó là sản phẩm từ những đôi tay khiếm khuyết của các thành viên ở mái ấm An Phúc.

Theo nhandan.com.vn

Tin liên quan