“Không đi gửi tiền cũng được” và “Không phải đủ đầy mới sẻ chia” là thông điệp mà hơn mười năm nay hai chương trình “Chia sẻ nỗi đau” và “Khát Vọng Sống” đã thực hiện để trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thông qua hoạt động của hai chương trình, có nhiều người NKT, TMC, BNN đã có cơ hội thoát nghèo, vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; mở ra cánh cửa cuộc đời mới tươi sáng hơn.

 “Gieo” yêu thương mỗi ngày

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 12.745 người khuyết tật (NKT), trong đó có 2.368 người khuyết tật đặc biệt nặng, thuộc diện hộ nghèo, nhà có nhiều người khuyết tật…. Toàn tỉnh có 3.125 trẻ em mồ côi (TMC), trong đó 825 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Số người mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng đang có chiều hướng gia tăng. Những đối tượng này mặc dù có BHYT nhưng những loại thuốc đặc trị phần lớn ngoài danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế (BHYT), cùng với thời gian chữa trị lâu dài khiến họ rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng để họ có thể vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Cách đây 12 năm, năm 2007, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh Bình Phước cùng Hội bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước phối hợp thực hiện một Chương trình nhân đạo được phát sóng định kỳ và lấy tên chương trình là “Chia sẻ nỗi đau”. Định kỳ mỗi tháng, Chương trình sẽ phát sóng phóng sự kêu gọi trợ giúp cho một nhân vật có hoàn cảnh khó khăn đang cần sự trợ giúp. Sau thời gian 20 ngày kêu gọi, Chương trình sẽ tổ chức kết nối trao quà và phát song thông tin kết quả trợ giúp cho nhân vật.

Năm 2010, tỉnh Hội cùng Đài PT-TH Bình Phước tiếp tục phối hợp cùng Công ty Quảng cáo Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện thêm một chương trình mang tên “Khát Vọng Sống” để thực hiện trợ giúp đối tượng của Hội. Chương trình cũng trợ giúp định kỳ mỗi tháng một nhân vật, ngoài ra còn phối hợp với Hội thực hiện nhiều hoạt động khác như thăm lại và tặng quà nhân vật vào dịp tết; trao tặng học bổng; hỗ trợ trường nghèo… Mục tiêu của hai chương trình “Chia sẻ nỗi đau” và “Khát Vọng Sống” là “Kết nối cộng đồng trợ giúp bà con nghèo hồi sinh” với các tiêu chí: khám chữa bệnh; xây, sửa nhà; hỗ trợ trẻ đến trường; hỗ trợ và tư vấn sinh kế. 

Dựa trên mục tiêu tổng thể mà hai chương trình hướng đến, tỉnh Hội sẽ tiếp nhận hồ sơ xin trợ giúp theo nhiều hình thức như bằng phiếu thu thập thông tin hoặc điện thoại, tin nhắn của chính quyền, ban ngành, đoàn thể hoặc của bản thân người cần được trợ giúp. Tỉnh Hội sẽ phối hợp với địa phương hoặc tình nguyện viên tại các CLB, đội, nhóm khảo sát, kiểm tra, phỏng vấn, chọn nhân vật ưu tiên để đánh giá và xác định nhu cầu. Từ đó, Hội đề xuất thực hiện phóng sự, phát sóng phóng sự kêu gọi hỗ trợ đối tượng; Hội gửi văn bản thông tin Chương trình kết nối trợ giúp nhân vật cho địa phương huyện, thị, xã, phường để có sự phối hợp. Sau 15 – 20 ngày sau kêu gọi Chương trình sẽ tổ chức kết nối các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đến nhà nhân vật để trao tiền trợ giúp dưới sự phối hợp vận động, tham dự của chính quyền địa phương. Nhưng để có kết quả ngày càng cao vấn đề quan trọng là kêu gọi qua mạng xã hội (Facebook), vận động trực tiếp với phương châm “Không đi gửi tiền cũng được” và thông điệp “Không phải đủ đầy mới sẻ chia”. Sau khi kết nối, Ban Tổ chức mời cơ quan địa phương, đại diện gia đình bàn phương án phân bổ và sử dụng tiền các nhà hảo tâm trợ giúp theo đúng các tiêu chí của chương trình, những gia đình có nhu cầu chữa bệnh phải được ưu tiên gửi một khoản tiền vào tiết kiệm.

 

Mang lại “Hi vọng hồi sinh”

 

Bằng hình thức đa dạng, lấy đối tượng yếu thế làm trung tâm; các chương trình nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay trợ giúp người yếu thế. Qua 12 năm với chương trình “Chia sẻ nỗi đau” và và 9 năm với chương trình “Khát Vọng Sống”, tỉnh Hội Bình Phước đã huy động được gần 27 tỷ đồng và qua đó  trợ giúp trực tiếp 222 gia đình. Từ năm 2017, hai chương trình đều có bước tiến vượt bậc giúp Bình Phước đã đạt “kỷ lục” tỉnh dẫn đầu phong trào thiện nguyện trong các tỉnh có Chương trình Khát vọng sống.

Chương trình Khát vọng sống từ chỗ được hỗ trợ 30 - 40 triệu đồng/một chương trình, đến nay có nhân vật được trợ giúp đến 500 triệu đồng; Chương trình Chia sẻ nỗi đau từ 15 – 20 triệu đồng cho một nhân vật, đến nay nhiều nhân vật lên đến hơn 200 triệu đồng. Từ năm 2018, chương trình Chia sẻ nỗi đau đã thực hiện kết nối trợ giúp 2 nhân vật trên tháng, đồng nghĩa với việc tăng kết quả trợ giúp và tăng đối tượng được trợ giúp.

Thông qua hoạt động của 2 chương trình, có nhiều người NKT, TMC, BNN được trợ giúp nay đã thoát nghèo, vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; mở ra cánh cửa cuộc đời cho nhiều hoàn cảnh éo le. Trong đó có 3 chị em mồ côi Trần Bảo Ngọc 16 tuổi ở thôn 5A, xã Long Hà, huyện Phú Riềng đã được tiếp sức. Cha các em có dấu hiệu bị bệnh tâm thần và bỏ nhà đi, mẹ bị ung thư di căn đã qua đời. Cuộc sống của 3 chị em rất khó khăn, không nguồn nuôi dưỡng, nhà ở xập xệ. “Khát vọng sống” đến cùng với rất nhiều sự yêu thương của các nhà hảo tâm, đã trợ giúp các em 337 triệu đồng và nhiều hiện vật giá trị. Nhờ đó, căn nhà đã được sửa lại khang trang, cùng với nhà vệ sinh, giếng nước và mua sắm các thiết bị sinh hoạt trong gia đình. Nay Ngọc đã có việc làm ổn định với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, 2 em tiếp tục được đến trường. Sau khi sửa nhà, mua sắm vật dụng, hiện 3 chị em Ngọc còn hơn 200 triệu đồng gửi tiết kiệm để tích lũy cho tương lai.

Hay như chương trình đã đến với hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Mai 36 tuổi ngụ tại Ấp Thuận An, xã Thuận Lợi, Đồng Phú, bị bệnh phình mạch máu não dọa vỡ, nhà nghèo không tiền chữa tri. Qua chương trình tỉnh Hội đã hỗ trợ đóng viện phí mổ 120 triệu, đồng thời hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trường hợp của anh Hoàng Văn Nam 25 tuổi tại Ấp 5, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp cũng là một ví dụ sinh động về hiệu quả của chương trình. Nam bị tai nạn lao động cụt 1 chân; nuôi mẹ bại liệt đã được chương trình hỗ trợ làm chân giả, xây nhà ở, nhà vệ sinh; hỗ trợ vốn trồng rau, nuôi bò…một số gửi tiết kiệm cho gia đình.

Đó chỉ là những thống kê ít ỏi mà hiệu quả thực tế của hai chương trình Khát vọng sống và Chia sẻ nỗi đau mang lại. Hơn 222 trường hợp được tỉnh Hội Bình Phước trợ giúp qua hai chương trình có hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đã may mắn có cơ hội thay đổi cuộc sống từ những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng, của xã hội mà Khát vọng sống và Chia sẻ nỗi đau là cầu nối, là sợi dây mang con người xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, thông qua hai Chương trình, tỉnh Hội Bình Phước đã huy động được đông đảo các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, hiệu quả ngày càng cao nhờ cách làm trực tiếp, cách tính hiệu quả, minh bạch, rõ ràng… Đồng thời phát triển mạnh mẽ phong trào thiện nguyện khi hình thành được 12 CLB, Đội, Nhóm Thiện nguyện với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều chung tay cho mục tiêu trợ giúp NKT, TMC và BNN. Nhưng thành công nhất mà hai chương trình mang lại đó là những người được thụ hưởng có khả năng vượt qua nghịch cảnh được chữa bệnh, nhiều trường hợp được cứu sống, có nhà cửa khang trang, con em được đến trường; được hỗ trợ sinh kế như chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ, phát triển nghề, việc làm; nhiều gia đình đã vượt qua cơn nguy kịch và hồi sinh.

 

 

Tin liên quan