Sinh ra với căn bệnh xương thủy tinh nên Huỳnh Thị Kim Thuận không thể đi lại. Cuộc đời càng oái oăm khi năm Thuận 15 tuổi, mẹ mất vì ung thư, ba bỏ theo người khác. Từ đó, Thuận đến trường trên lưng người anh và hành trình đến giảng đường càng gian nan hơn.

Bao nhiêu năm Thuận đến trường trên lưng của người anh trai. Nữ Vương


Cuộc đời sóng gió

Thuận sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận, chào đời trong sự chào đón của cả gia đình, nhưng thật không may khi đôi chân không lành lặn. Lên 2 tuổi, Thuận mới chập chững những bước đi đầu đời nhưng rất yếu, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm em ngã, mà mỗi lần ngã lại gãy xương và phải bó bột. Cứ thế, một năm việc đó xảy ra gần chục lần, bó bột rồi tháo rồi lại bó bột.

“Năm lớp 3, ba mẹ quyết định đưa em đi phẫu thuật vì chân em có 2 khối u, nếu không phẫu thuật, khối u càng lớn thì em không thể ngồi mà phải nằm một chỗ, nhưng cũng từ lúc phẫu thuật thì em không còn đi được nữa”, Thuận kể.

Năm Thuận 9 tuổi, mẹ sinh thêm em trai, nhưng em trai vừa chào đời đã bị sốt cao dẫn đến bại não, đến giờ cũng không thể đi học. Vài năm sau, mẹ bị ung thư và qua đời. Nỗi đau quá lớn, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được với anh em Thuận. Mẹ mới mất được 3 tháng, ba đã có ý định đi thêm bước nữa.

“Vì không chấp nhận được sự nhanh vội này, anh hai bảo ba đợi mẹ được 1 năm rồi hãy đi thêm bước nữa, nhưng ba đánh và đuổi 2 anh em ra khỏi nhà. Từ đó ba không liên lạc và từ mặt 2 anh em. Không áo quần, không một đồng bạc trong người, anh hai cõng em và cứ đi mà không biết sẽ đi về đâu. Dì thương nên cho 2 anh em về ở được 3 tháng thì chuyển qua ở với ngoại, nhưng được 1 năm ngoại cũng mất, 2 anh em chuyển về ở nhờ nhà mợ”, Thuận rơi nước mắt kể lại.

Người anh trai tuyệt vời của cô em giàu nghị lực

Vượt lên tất cả, nhiều năm liền Thuận là học sinh giỏi, từ nhỏ đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi kể chuyện của trường, huyện và tỉnh. 3 năm trở lại đây, chứng kiến sự tần tảo của anh trai, hy sinh tất cả để lo cho em gái, Thuận lại càng quyết tâm hơn nữa.

Nhớ lại những tháng ngày Thuận phải tự tập cho mình thói quen không đi vệ sinh suốt một buổi đến trường, để không làm phiền đến người thân. Những hôm học bình thường thì không nói, hôm nào có những môn thực hành phải chuyển phòng là anh trai hay chị họ (những lúc anh trai đi làm xa) phải canh giờ chạy lên trường cõng Thuận chuyển lớp.

Em gái ham học nên anh Huỳnh Đinh (anh trai Thuận) chưa một lần có ý định bỏ rơi em, dù khó khăn thế nào vẫn một mình bươn chải vừa lo kinh tế vừa lo sức khỏe cho em mỗi ngày.

Hiện tại, anh Đinh làm phụ xe hàng, mỗi tháng tiền lương từ 4 - 5 triệu đồng. Với khoản tiền này, chỉ vừa đủ lo thuốc thang rồi chi phí sinh hoạt hằng ngày khi Thuận còn ở quê. Nay vào thành phố, chi phí ăn học của Thuận nhân lên gấp nhiều lần, cuộc sống phía trước của 2 anh em lại thêm trắc trở.

Chính vì thế, dù trúng tuyển đại học nhưng do sợ thời gian học lâu sẽ làm khổ anh trai, Thuận quyết định học cao đẳng (chỉ mất 2 năm rưỡi) để nhanh ra trường kiếm tiền phụ anh.

Quyết không bỏ cuộc

Hôm chúng tôi gặp anh em Thuận khi vừa đáp chuyến xe khuya từ Ninh Thuận vào TP.HCM, anh trai vội cõng Thuận đến trường làm thủ tục nhập học.

“Nhiều đêm em ngủ không được vì lo lắng, nhưng không dám nói với anh, sợ anh lo rồi lại bỏ việc theo em vào thành phố. Công việc ở quê đang ổn định, em không muốn anh nhọc nhằn vì em mà phải bỏ tất cả vào đây. Hơn nữa ngoài quê còn có em trai đang bị bệnh của em nữa, em muốn anh ở quê để còn lo cho em trai”, Thuận nghẹn ngào chia sẻ.

“Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” là câu nói cả Thuận và người anh trai đều dùng để kết lại sau mỗi vấn đề. Có lẽ, vừa “làm mẹ” vừa “làm cha”, khiến anh Đinh bản lĩnh hơn. Và có lẽ, vừa thiếu tình thương của mẹ lẫn ba, cô gái với đôi chân không lành lặn càng kiên cường và nỗ lực nhiều hơn.

Tin liên quan