Tại bảy tỉnh triển khai dự án bị phun rải chất độc da cam/dioxin rất nặng nề trong chiến tranh, có hơn 163.000 người bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.


Ngày 19/8, tại Đồng Nai, Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo về Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại bảy tỉnh của Việt Nam bị phun rải chất độc da cam/dioxin.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, các tỉnh nằm trong dự án gồm Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.

Theo ông Christopher Abrams - Trưởng Văn phòng Môi trường và Phát triển xã hội USAID tại Việt Nam, thời gian qua, Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan của Việt Nam thực hiện nhiều dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân nhiễm dioxin.

Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại bảy tỉnh trên là hoạt động tiếp nối những thành công của các dự án hợp tác giữa hai nước.

USAID có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế, sinh kế cho người khuyết tật, cơ quan này sẽ hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt để dự án triển khai thuận lợi, thành công.

Ông Nhân Thành Công, Chánh Văn phòng 701, phát biểu tại hội thảo. 


Tại hội thảo, ông Nhân Thành Công - Chánh Văn phòng 701, cho rằng Dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam nhằm hiện thực hóa Bản ghi nhận ý định hợp tác được ký kết giữa Văn phòng 701 và USAID vào tháng 4/2019. Theo đó, USAID tài trợ 50 triệu USD cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động chăm sóc, điều trị y tế, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo đảm hòa nhập xã hội cho người khuyết tật tại bảy tỉnh nêu trên.

Hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật (chiến gần 8% dân số). Riêng tại bảy tỉnh triển khai dự án, trong chiến tranh bị phun rải chất độc da cam/dioxin rất nặng nề, có hơn 163.000 người bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Phần lớn họ là nạn nhân chiến tranh, thuộc diện hộ nghèo, đang gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận sinh kế và nghề nghiệp.


Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, người khuyết tật vì nhiễm chất độc da cam/dioxin rất cần được chăm sóc y tế, phục hồi chức năng. Nhiều người khuyết tật vẫn còn khả năng lao động, tuy nhiên, họ vẫn chưa loại bỏ được mặc cảm, ít có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp. Dự án hỗ trợ người khuyết tật vì thế cần đưa ra cách thức chăm sóc y tế phù hợp./.

Tin liên quan