Bước sang tuổi 30, hành trang của Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin đồng thời là chủ nhiệm của nhiều dự án hỗ trợ trẻ em khó khăn miền núi đã có tới 12 năm gắn bó với công việc tình nguyện. Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực này, Hoàng Hoa Trung đã đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2017; được vinh danh 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 và được Forbes Vietnam bình chọn là 30 Under 30 năm 2020; nhóm Tình nguyện Niềm Tin hai năm đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

Hoàng Hoa Trung 1

Hoàng Hoa Trung từng là một học sinh giỏi thuộc tốp đầu của ngôi trường PTTH nơi anh theo học. Một biến cố xảy ra vào năm học lớp 11 khiến Trung ra quyết định táo bạo là không thi đại học công lập giống như bao bạn bè cùng trang lứa mà ghi danh theo học hệ thống giáo dục Aptech của Ấn Độ tại Việt Nam trong 3 năm để trở thành một lập trình viên quốc tế, sau đó là 3 năm theo học Arena Multimedia về thiết kế đồ họa đa phương tiện. Anh chọn làm công việc tự do để dành thời gian cho đam mê tình nguyện. Trung bén duyên với hoạt động tình nguyện từ những năm học cấp 3, với dự án đầu tiên là “Thiệp nhân ái” cho trẻ em nghèo. Dự án nhằm giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm các tấm thiệp bán để có thêm thu nhập.

Từ dự án “Thiệp nhân ái”, Hoàng Hoa Trung gia nhập nhóm Tình nguyện Niềm Tin rồi trở thành thủ lĩnh của nhóm cho ra đời hàng loạt chương trình, dự án hoạt động thiện nguyện độc đáo, tạo dấu ấn trong cộng đồng. Ban đầu khi gia nhập Nhóm thiện nguyện Niềm Tin, Trung cùng nhiều thành viên khác chủ yếu hoạt động ở thành phố. Sau này địa bàn hoạt động của nhóm ngày được mở rộng ra và họ tìm đường lên miền núi. Địa điểm khảo sát đầu tiên của nhóm là tỉnh Yên Bái. Với quan điểm, chủ động gây quỹ thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung được bạn bè biết đến nhiều hơn với biệt danh “Trung đồng nát”- không phải do anh là người làm nghề đồng nát, mà đây là hoạt động gắn với CLB Niềm tin. Từ năm 2003 Trung cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách và biến những “phế phẩm” thành tiền gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao. Sau hơn một năm, nhóm Tình nguyện Niềm tin đã vận động được gần 400 triệu đồng, trong đó có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cùng chung tay vào thực hiện Dự án Ánh Sáng Núi Rừng với mục tiêu xoá 20 điểm trường tranh tre nứa lá.

Hoang Hoa trung2

Bên cạnh xây dựng các điểm trường, CLB còn bắt tay vào việc hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh nghèo với dự án Nuôi cơm trẻ bản cao (hay còn gọi là dự án Nuôi Em) được phát động vào năm 2014 nhằm kêu gọi các mạnh thường quân nuôi ăn trưa cho học sinh vùng cao với 8,5 nghìn đồng/bữa/em. Tuy nhiên, 4 năm đầu dự án rất chật vật, ít người quan tâm. Từ năm 2018, Trung thay đổi tư duy cách làm theo hướng minh bạch nhất có thể. Mỗi người sẽ nhận nuôi 1 em nhỏ. Người đó nắm được toàn bộ thông tin cá nhân, hình ảnh, số điện thoại của bố mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô giáo, hiệu trưởng và cả phòng giáo dục để kiểm tra, kiểm soát tính minh bạch. Thông tin hình ảnh, clip ăn uống của các em được thầy cô giáo quay, chụp theo tuần và cập nhật lên group (nhóm) của điểm bản cùng anh chị nuôi của bé đó. Mỗi năm, người nuôi có thể lên thăm các bé hoặc đi cùng dự án đến thăm, kiểm tra các em.

Nhờ đó, từ năm 2018, Dự án Nuôi Em có sự thay đổi vượt bậc. Năm 2018, có hơn 6.000 người tham gia nuôi hơn 6.000 trẻ em bản cao thuộc các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, trị giá hơn 7 tỷ đồng. Năm 2019, có gần 12.000 người nhận nuôi cơm cho gần 12.000 em nhỏ tại 7 địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Cao Bằng, trị giá hơn 15 tỷ đồng, đồng thời hoạt động này đã góp phần giảm tỉ lệ bỏ học buổi chiều của các em học sinh vùng cao là người dân tộc từ 80% xuống chỉ còn 5% tại nơi thực hiện dự án

Hoang Hoa Trung6

Dự án Ánh sáng Núi Rừng được triển khai từ năm 2009 nhằm xây trường học, nhà vệ sinh, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh, bà con dân bản. Từ năm 2012, Dự án xây dựng thành công điểm trường đầu tiên tại Lai Châu. Đến thời điểm này đã xây được 25 điểm trường. Mỗi ngôi trường có giá trị từ 120 - 600 triệu đồng, được xây bằng gạch, khung sắt, thép, có đầy đủ thiết bị từ lớp học, bếp ăn, nhà công vụ, nhà vệ sinh đến sân chơi… Những điểm trường mang tên Dự án Ánh sáng núi rừng đã ra đời tại xã Chế Tạo (Mù Cang Chải, Yên Bái), bản Sòn Thầu I (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu), bản Nậm Vì (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên)…

Tiếp đó là dự án Dũng sỹ bạt (xin bạt cũ, banner backdrop đã qua sử dụng đưa lên vùng cao, miễn phí hoàn toàn vận chuyển) để che chắn các điểm trường còn đang được dựng lên từ tranh, vách nứa. Hoạt động từ tháng 2 – tháng 5/2018, dự án đã tiến hành gửi lên gần 2000 m2 bạt che phủ 10 điểm trường tránh nắng mưa, dột. Cứ thế, hàng loạt các dự án ý nghĩa cho trẻ em vùng cao đã ra đời. Những năm qua, các bạn trẻ ấy bằng niềm tin và tình yêu thương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích về một nhóm tình nguyện có thể xây dựng những ngôi trường.

Cùng với các Dự án kể trên, Hoàng Hoa Trung đang thực hiện hàng loạt dự án khác: Năng lượng gió mặt trời, Đi Ra Từ Rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao..., tất cả đều hướng đến thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng dân trí, cuộc sống cho đồng bào vùng cao.

12 năm làm tình nguyện, chàng trai trẻ Hoàng Hoa Trung, Trưởng nhóm Tình nguyện Niềm Tin cùng các cộng sự đã xây dựng được 25 điểm trường, kêu gọi 12 nghìn người nuôi cơm 12 nghìn em nhỏ vùng cao. Mục tiêu của Trung là trong năm 2020 sẽ xây dựng thành công 30 điểm trường và nuôi cơm cho 20.000 em nhỏ người dân tộc thiểu số trên toàn quốc.

Tin liên quan