Sáng 24/12, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khẳng định quyền của NKT trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục, y tế, lao động, việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiến hành các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thực thi chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đối với NKT còn hết sức khó khăn. Nhiều NKT chưa được đảm bảo quyền và thụ hưởng đầy đủ các chính sách của nhà nước. Với mong muốn góp phần giải quyết những vấn đề này, năm 2020, Hội Người mù Việt Nam xây dựng dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lí về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật”. Đến nay, các hoạt động của dự án đều đã hoàn thành và đạt những kết quả đáng khích lệ.

Trong khuôn khổ của Dự án, Hội Người mù Việt Nam đã tiến hành khảo sát 200 người, trong đó có 160 NKT tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, nhận thức của NKT về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực lao động, việc làm, y tế và giáo dục nhìn chung đều rất thấp. Số NKT có nhận thức đầy đủ, chính xác về chính sách, pháp luật cao nhất là về lĩnh vực y tế cũng chỉ chiếm 34,37%, tiếp đến là lao động, việc làm với 26,25% và về lĩnh vực giáo dục là 24,37%. Không có sự chênh lệch lớn về mức độ nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực này giữa NKT nam và nữ; NKT trong các quận và các huyện; NKT thuộc các mức độ khuyết tật khác nhau.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Trên cơ sở kết quả khảo sát, dự án đã tổ chức các chương trình tập huấn giới thiệu luật và các chính sách liên quan cho NKT cũng như người sử dụng lao động khuyết tật; cán bộ/nhân viên y tế, giáo dục; gia đình NKT, cộng đồng … về các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm; y tế và giáo dục. Chuyển đổi, in 600 bộ tài liệu chữ Braille và 250 bộ bằng đĩa CD Luật và các văn bản luật về các lĩnh vực liên quan, luân chuyển đến NKT và chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử của Hội. Đến nay, thông qua các kênh tư vấn, hỗ trợ pháp lí lưu động, kết nối với luật sư, các nhà quản lí và các bên liên quan.. dự án đã trợ giúp, tư vấn cho gần 300 người có nhu cầu. Nhiều NKT sau khi được tư vấn đã nắm rõ các quy định, chính sách, nhiều trường hợp vướng mắc được giải quyết. Dự án cũng đã thành lập 5 CLB là nơi tiếp nhận yêu cầu, tư vấn, kết nối giữa NKT với luật sư và những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên nòng cốt của CLB về các kỹ năng như kỹ năng trình bày, thuyết phục, tổ chức sinh hoạt CLB, viết đề xuất dự án, vận động tài trợ…

Tại hội thảo các đại biểu đại diện cho Ban thư ký Quỹ Jiff, Trung tâm PHCN người mù, Hội NKT Chương Mỹ, Hội Người mù huyện Gia Lâm (Hà Nội), Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi hội Người Điếc Hà Nội đã đóng góp ý kiến hoàn thiện báo cáo tổng kết dự án.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thuỵ - Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam khẳng định: Dự án đã khẳng định nội dung, cách thức làm mới, phù hợp với điều kiện hiện nay của Hội người mù và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ, Công ước quốc tế và các chương trình trợ giúp NKT. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án còn ngắn, phạm vị hẹp, ngân sách hạn chế nên chưa khẳng định được tính bền vững. Để dự án đi vào thực tiễn được tốt hơn, theo bà Thuỵ, nhà tài trợ và Hội người mù Việt Nam cần làm sao mở rộng, kéo dài hoặc có dự án mới với thời gian dài hơn (từ 3 năm trở lên), mở rộng phạm vi (từ 5 tỉnh, thành trở lên), phát huy hiệu quả hoạt động, tăng nguồn ngân sách, tăng cường phối kết hợp với các cơ quan ban ngành để xác định chính sách ưu tiên, tạo “đường đi” cho các hoạt động hỗ trợ NKT trong thời gian tới.

Luật sư Nguyễn Thị Thuý - Chánh văn phòng Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Theo nhận định của Luật sư Nguyễn Thị Thuý – Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam thì đây là một dự án mang nhiều ý nghĩa cho NKT. Bà Nguyễn Thị Thuý nhấn mạnh: Dự án thành công trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp là một kết quả ngoài mong đợi. Hội Người mù Việt Nam và các đối tác đã hoàn thành tốt hơn những gì đã dự định. Đồng hành cùng dự án, tôi có thêm nhiều trải nhiệm và kinh nghiệm. Nhận thức rõ rằng khi thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật, thiệt thòi lớn nhất thuộc về NKT. Vì vậy, mình càng phải có trách nhiệm lớn hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức cho NKT liên tục và không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, bản thân NKT cũng cần chủ động duy trì và nâng cao kỹ năng cho chính mình. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, hoạt động của dự án bị hạn chế nhiều nhưng cũng đã mở ra những cơ hội cho NKT khi tiện ích công nghệ thông tin được khai thác tối đa, đối tượng thụ hưởng vượt ra ngoài phạm vi dự án và lan toả ra khắp cả nước. Ngoài nâng cao kiến thức, NKT tham gia dự án còn được nâng cao kỹ năng, khả năng nhận diện, giải quyết vấn đề, khả năng tương tác. Dù dự án đã kết thúc theo thời gian thoả thuận với nhà tài trợ, nhưng các hoạt động tư vấn của dự án vẫn sẽ tiếp tục, lan toả và bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Bế mạc hội thảo, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc Liên minh Châu Âu đã tài trợ thông qua tổ chức Oxfam để Hội thực hiện dự án này, cảm ơn các Luật sư, chuyên gia, các đối tác cùng các tổ chức Hội thành viên, NKT đã đồng hành cùng Hội trong các hoạt động của dự án. Trên cơ sở những kết quả dự án mang lại, Hội Người mù Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo lên các cơ quan chức năng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả công tác y tế, giáo dục, việc làm cho NKT trong thời gian tới. 
Hoàng Dung

Tin liên quan