Với 3/4 diện tích là đồi núi và bị chia cắt bởi hệ thống sông suối là một trong những nguyên nhân khiến huyện Bá Thước vẫn là một huyện nghèo của tỉnh. Nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân bằng cách “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, cũng như triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và chủ trương của tỉnh, UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hoá) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua việc mở các lớp đào tạo nghề, phần nào đã mang lại cuộc sống ổn định hơn cho lao động nông thôn, tuy nhiên huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này.

Hiệu quả từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, có 4 dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Tày, Mường, Dao. Với địa hình đa dạng, phức tạp, đất nông nghiệp ít và không có nghề phụ nên đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Để tạo việc làm cho người dân, UBND huyện, trực tiếp là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và các tổ chức hội đoàn thể đã rất chú trọng đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Theo ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện, từ năm 2011 huyện mới nhận được nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Sau khi có vốn, huyện đã giao cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội khảo sát 225 thôn, bản thuộc 23 xã với gần 24.000 hộ, trong đó có trên 54.000 người trong độ tuổi lao động và hơn 41.000 người có nhu cầu học nghề. Từ thực tế đó, huyện đã xây dựng kế hoạch dạy nghề cho khoảng 4.000 lao động được học nghề mỗi năm. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên nên trong năm đầu tiên triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện chỉ mở được 5 lớp dạy nghề nông nghiệp với 200 học viên và 7 lớp phi nông nghiệp với 210 học viên tham gia học nghề.

1. Bá Thước Thanh Hóa

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn sau học nghề

Nhằm thu hút thêm nguồn vốn đào tạo nghề, huyện đã phối hợp với các ban ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi trong tỉnh. Cùng với đó là gắn việc rà soát trên cơ sở nhu cầu thực tế, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: đan mũ bẹ ngô, dệt thổ cẩm, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, thêu ren đính cườm...

Cũng theo ông Thắng, sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có hơn 20.000 lao động trên địa bàn đã được đào tạo nghề, trong đó gần 10.000 lao động có việc làm, hơn 2.000 người đi xuất khẩu lao động. Riêng năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020 huyện Bá Thước đã đào tạo được hơn 2.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 300 người, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46,09% trong năm 2010 xuống còn 7,26% năm 2019.

Anh Trần Văn Thìn (xã Điền Trung), một trong những người được đào tạo nghề chăn nuôi cho biết: "Trước khi học nghề, tôi chỉ nuôi một con trâu để cày kéo và vài con lợn. Sau khi được học nghề, có thêm kinh nghiệm chăn nuôi nên tôi đã mua 20 lợn thịt và vài con trâu, bò gầy về vỗ béo rồi bán. Trung bình mỗi con sau khi bán, gia đình tôi thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng".

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù các ban ngành trong huyện đã rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều chỉ tiêu đặt ra hàng năm, tuy nhiên do thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, học viên đa số trình độ thấp... đã trở thành những “chướng ngại vật” trong quá trình thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện miền núi Bá Thước. Những khó khăn đó chính là phải nhờ địa điểm nhà văn hóa của các thôn, bản, hoặc UBND xã khiến cho việc dạy và học gặp nhiều khó khăn và thiếu chủ động.

2. Bá Thước Thanh Hóa

Nghề thêu ren đính cườm của Bá Thước hiện được nhiều lao động trẻ lựa chọn theo học

Hiện huyện Bá Thước có gần 42.000 lao động có nhu cầu học nghề, song việc dạy nghề mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Huyện đã có kế hoạch hỗ trợ xây mới trung tâm dạy sửa chữa điện thoại với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Trong khi chờ trung tâm mới, các lớp dạy nghề vẫn phải học tạm ở các nhà văn hóa ở thôn, bản, huyện cũng chưa có nguồn kinh phí nào khác để dạy nghề ngoài vốn của Đề án 1956, do đó sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho 4.000 lao động/năm vì không đủ lớp, giáo viên... Bên cạnh đó, giáo viên dạy nghề lương rất thấp, điều kiện đi lại khó khăn, xa xôi nên rất khó thu hút giáo viên giỏi.

Thiết nghĩ với các huyện miền núi nghèo, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ đặc biệt cho giáo viên dạy nghề, hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất hợp lý để việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Bá Thước đạt hiệu quả cao, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Phạm Hương




Tin liên quan