Gửi con đi trẻ được 2 buổi yên bình, buổi thứ 3, chị Giang bị cô giáo gọi về: "Con chị bị thần kinh rồi, đem đi viện chữa thôi".

Trong căn bếp thơm lừng mùi bơ, bánh của một trung tâm hướng nghiệp trẻ tự kỷ ở Hà Nội, Hoàng Thành An Tôn (20 tuổi) đang cắm cúi bơm bánh cookies. Từng động tác tạo hình uyển chuyển, chính xác được chàng trai làm thành thục, thỉnh thoảng cậu lại nghiêng đầu cười tít mắt khi được khen. Ở trung tâm này, An Tôn được thầy cô coi là một trợ giảng đắc lực, một nhân vật truyền cảm hứng cho những bạn cùng hoàn cảnh.

Là con đầu trong nhà có bố mẹ là công chức, lên 3 tuổi, An Tôn vẫn chưa biết nói, chỉ chạy trên đầu mũi chân và la hét khi không hài lòng. Bị chó nhà hàng xóm cắn, cậu cũng chỉ gào khóc mà không chịu nói.

Thấy con không bình thường, chị Phạm Hương Giang - mẹ An Tôn đưa con đi khám tại một bệnh viện đầu ngành. Đến viện, bác sĩ bày ra đồ bắt mắt, hỏi "Màu này là màu gì? Màu xanh ở đâu? Màu đỏ ở đâu?". Những câu hỏi dồn dập từ người lạ khiến cậu bé 3 tuổi sợ hãi. An Tôn hất tung đồ đạc trước mặt rồi la hét. Bệnh viện kết luận: Bé bị thần kinh.

Nhiều bệnh viện khác cũng chung kết luận ấy. Để chứng minh con không bị tâm thần, chị xin cho con đi học mẫu giáo. Sau 2 buổi yên bình, đến buổi thứ 3, giữa trưa chị bị triệu hồi: "Con chị bị thần kinh rồi, đem đi bệnh viện chữa thôi chứ không đi học được đâu!", cô giáo nói. Hóa ra An Tôn đã hất tung mâm cơm của cô khi được yêu cầu làm việc cậu không thích.

Không đầu hàng, chị Giang lên diễn đàn hỏi chuyên gia nước ngoài mới biết con mình thực ra bị "tự kỷ" - một hội chứng còn vô cùng xa lạ với người Việt vào năm 2002 đó. Chị đành chấp nhận sự thật: con mình thuộc nhóm trẻ cần hỗ trợ.

Kết hậu của cậu bé bị gắn mác thần kinh  - Ảnh 1.

20 năm đồng hành cùng con, chị Phạm Hương Giang rất hạnh phúc khi thấy con trưởng thành hơn và hòa đồng hơn với mọi người. Ảnh: Hải Hiền.

Để con nói được, vợ chồng chị Giang thu xếp lại công việc và lập kế hoạch học nói cùng con vào mọi lúc. Chị mua các thẻ học chữ và nhiều bộ xếp hình hướng dẫn con. Chị cũng gần gũi con, âu yếm con nhiều hơn, dù ban đầu cậu bé không hề tương tác.

Cần mẫn như vậy, đến năm 3 tuổi rưỡi, một lần đang chơi xếp hình, An Tôn bỗng bật lên "Chó". Khoảnh khắc đó khiến chị Giang bủn rủn, nước mắt ứa ra. "Chắc Tôn bị ám ảnh vì chó nhà hàng xóm cắn mà bật ra tiếng nói. Dù tiếng gọi đầu tiên không phải là 'Mẹ' nhưng ít ra An Tôn đã không còn là đứa trẻ vô cảm nữa. Đã biết sợ, biết nhớ", chị Giang hồi tưởng.

Ngay khi biết nói, An Tôn đã thể hiện năng khiếu tiếng Anh khi xem những thẻ chữ mẹ dạy, từ phim hoạt hình, ca nhạc. Cậu bé thường chỉ nghe, nhìn một lần là nói lại được.

Một lần An Tôn đi công viên, một cô giáo mầm non mới từ Đức về nhìn thấy cậu bé di chuyển bằng những ngón chân đã tới hỏi chuyện. "Em hiểu vấn đề, chị cứ giao cháu cho em", cô giáo gọi điện nói với chị.

Lần này An Tôn thực sự được đi học, có bạn, được chỉ bảo từng động tác như tự đi tất, xỏ giày. Cậu biết nói nhiều hơn, thuộc thơ dài... Lên lớp một, Tôn được học chung với các bạn bình thường. Một lần tè dầm trên lớp, cô quấn Tôn vào một chiếc chăn ấm. Về nhà Tôn nói với mẹ "Yêu cô".

Năm 9 tuổi, một lần Tôn không chịu nghe lời rồi la hét, đập phá, chị Giang đánh con. Buông gậy, chị khóc nấc, ôm con vào lòng hỏi: "Con nghe trái tim mẹ đập không? Nó đang đau lắm đấy". An Tôn ghé vào ngực mẹ nghe rồi gật đầu. "Thế để mẹ không đau nữa thì con đừng la hét nữa nhé. Con là một cậu bé ngoan, mà ngoan thì biết nghe lời người lớn". Từ lần đó, An Tôn kiểm soát hành vi tốt hơn, ít khi la hét vô cớ.

Kết hậu của cậu bé bị gắn mác thần kinh  - Ảnh 2.

An Tôn thường viết cho mẹ "Con là tim mẹ, mẹ là tim con", cậu cũng không ngại thể hiện tình yêu với mẹ trước chỗ đông người. Ảnh: NVCC.

Lên cấp 2, mẹ con An Tôn nộp đơn xin học khắp nơi, cuối cùng một trường nội trú quân đội ở Cầu Giấy, Hà Nội đồng ý nhận. "Nhìn giường tầng thô sơ ở ký túc xá, nước mắt tôi trào ra. Tôi nghĩ An Tôn sẽ thích nghi thế nào bởi trước nay mọi sinh hoạt đều do bố mẹ lo". Rồi chị hiểu đây là cơ hội để con vượt lên.

Những ngày đầu ở nội trú, nắng hay mưa An Tôn vẫn ra cổng chờ. Ai hỏi cậu cũng nói "Mẹ sẽ đón con về", tối muộn mới lủi thủi vào trong. Thương con, chị Giang mua cho Tôn một bộ cá ngựa để rủ bạn bè chơi. Sau một tuần, Tôn đã hòa nhập được với các bạn, tự làm mọi sinh hoạt cá nhân.

Từ năm lớp 7, tại phòng sinh hoạt cộng đồng, An Tôn trở thành "thần đồng" trong mắt bạn bè khi thường xuyên ngồi dịch phim tiếng Anh cho các bạn nghe. Cũng năm này, cậu được giải nhất tiếng Anh toàn khối và được giải 3 ở trường.

Lên cấp 3, do công việc nên gia đình chị Giang chuyển sang Mỹ sống, An Tôn đi học ở trường nói tiếng Anh hoàn toàn. Để đến được trường, cậu phải di chuyển 45 phút qua vài bến xe bus và chặng tàu điện ngầm. Thế nhưng sang ngày thứ 2, Tôn đã nhớ và tự đến trường một mình.

Tại Mỹ, Tôn tuân thủ rất nghiêm ngặt mọi quy tắc như không bao giờ vứt rác ra đường, lên xe nhường chỗ cho người già và luôn đi theo bảo vệ em gái mỗi khi trời tối.

Kết hậu của cậu bé bị gắn mác thần kinh  - Ảnh 3.

An Tôn chụp ảnh với cô chủ nhiệm trong ngày tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ. Ảnh: NVCC.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, An Tôn trở về Việt Nam cuối năm 2018, theo học trường hướng nghiệp. Đến nay, cậu đã có thể cho ra những mẻ bánh quy thơm ngon bằng đôi tay còn vụng.

Không còn nhiều hành động tự làm tổn thương mình, không cáu giận mỗi khi không vừa ý, giờ đây An Tôn đã chững chạc hơn, yêu thương và cởi mở với mọi người. Cậu luôn khẳng định: "Con là người bình thường".

Cô giáo Đào Thủy - người hướng dẫn trực tiếp An Tôn tại trung tâm hướng nghiệp cho hay: "An Tôn rất giỏi tiếng Anh, viết chữ đẹp như in nên thường được thầy cô nhờ hướng dẫn cho các em khác tại trung tâm".

Những lúc ở nhà, An Tôn giúp bà ngoại bán hàng tạp hóa để được giao lưu. "Của bác hết 79.000 đồng. Đây là 100.000 đồng, cháu trả lại 21.000 đồng", An Tôn tính nhẩm rồi nhanh chóng trả lại tiền thừa cho khách.

Nhận được lời cảm ơn, chàng trai trẻ có ước mơ làm đầu bếp nổi tiếng lại cười tít mắt, quay sang nói với bà "Hôm nay rất là vui".

Theo VnExpress

Tin liên quan