Được sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET), Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam với chủ đề “Hoà nhập và Thích ứng – Định hình tương lai”.

Đại diện Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng nhận hoa chúc mừng từ các Bộ ngành, tổ chức

Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của trên 150 đại biểu. Trong đó có sự tham dự trực tiếp của TS. Trần Đức Hùng - Phó TGĐ NACCET, Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam; Ông Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải; Bà Lê Hà Vân - Trưởng Bộ phận hỗ trợ người khuyết tật, Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập (USAID); Bà Vũ Thị Tuyết Mai - Trưởng đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia; Ông Đặng Văn Thanh, PCTTT và bà Dương Thị Vân – PCT Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC; đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật và các cơ quan thông tấn báo chí.

Bà Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình trên nền tảng Zoom, NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo cả nước thực hiện các giải pháp để thích ứng với đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hưởng ứng tinh thần này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chọn chủ đề “Hòa nhập và Thích ứng – Định hình Tương lai”. Hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, người khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ từ cộng đồng và xã hội. Từ đó, người khuyết tật cũng sẽ tích cực chủ động tham gia, tìm kiếm các giải pháp và xây dựng kế hoạch để thích ứng và hòa nhập với mọi sự thay đổi cho bản thân cũng tức là góp phần cùng xã hội.”

Tinh thần đoàn kết, chung tay vì sự phát triển và hoà nhập của người khuyết tật Việt Nam

Bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) qua nền tảng Zoon cũng đã chúc mừng và đề cao sự hòa nhập, nghị lực, sự kiên cường và khả năng vượt khó vươn lên của người khuyết tật Việt Nam. Bà kêu gọi “Tất cả mọi người hãy ngừng tập trung vào những khiếm khuyết, thay vào đó, hãy tập trung vào khả năng của từng cá nhân người khuyết tật. Đây cũng là định hướng cho chương trình khuyết tật của USAID. Tại USAID, chúng tôi thúc đẩy một tầm nhìn về phát triển quốc tế, trong đó tập trung vào đảm bảo nguyên tắc viện trợ công bằng. Các chương trình của USAID trên toàn cầu đều hướng đến việc thúc đẩy một tiến trình phát triển trở nên minh bạch và bao trùm hơn, đồng thời tăng cường khả năng lãnh đạo của chính các chủ thể địa phương - những người hiểu rõ bối cảnh và nhu cầu của địa phương hơn ai hết”.

Trong khuôn khổ chương trình Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã tổ chức trao giải Cuộc thi sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”. Phát động từ dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12/2021, cuộc thi hướng đến việc tìm kiếm những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo với giải pháp tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế và giao thông tiếp cận để thúc đẩy hòa nhập và sự tham gia hiệu quả, bình đẳng của người khuyết tật trong cộng đồng. Sau hơn 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 15 hồ sơ sáng kiến gửi đến từ các tổ chức trên mọi miền đất nước. Các ý tưởng dự thi rất phong phú, đa dạng, thể hiện tâm huyết và khát vọng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người khuyết tật. Trải qua 3 vòng sơ loại, sơ khảo và chung khảo, dưới sự làm việc nghiêm túc và công tâm của Ban Giám khảo, 8 sáng kiến ấn tượng, đột phá và khả thi nhất đã được lựa chọn để trao giải. Trong đó, có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, 1 giải do cộng đồng bình chọn.

Sáng kiến “Người Điếc cùng Tiếng Việt” của nhóm Nghe bằng mắt đạt giải Nhất cuộc thi

Giải Nhất cuộc thi được trao cho sáng kiến “Người Điếc cùng Tiếng Việt” của nhóm Nghe bằng mắt. Giải Nhì đã thuộc về sáng kiến “Hỗ trợ Phục hồi chức năng cho trẻ bại não bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh Covid-19” do Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam thực hiện. Giải ba thuộc về 02 sáng kiến “Bánh xe vỗ vai” của nhóm “Sáng” và sáng kiến “Tập huấn Giảng viên nguồn về sức khỏe tâm thần cho người Điếc khu vực miền Bắc và miền Trung” của Công ty TNHH Kết nối, hỗ trợ Người điếc và cộng đồng (SC Deaf).

Đại diện các đơn vị nhận giải 2 của cuộc thi Sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”

Bốn giải khuyến khích đã được trao cho sáng kiến “Tăng cường năng lực về quản lý stress và rối loạn tâm lý hậu Covid-19” của Hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ; sáng kiến “Hành trình âm thanh” của Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam; sáng kiến “Tăng cường vận hành hoạt động có hiệu quả Nhà trung chuyển, góp phần chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật trong đại dịch” của Hội người khuyết tật, Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế”; sáng kiến “Lắng nghe bàn tay con” của Trung tâm Đào tạo Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội. Ngoài ra, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam cũng là đơn vị chiến thắng ở hạng mục Giải Cộng đồng bình chọn.
Hoàng Dung

Tin liên quan