Nha nói dù mẹ không tròn vẹn những lời yêu thương bởi sự khiếm khuyết của số phận, nhưng cả đời mẹ tần tảo nuôi cả nhà.

Sinh ra trong khó khăn nhưng Hồ Thị Phương Nha (giữa) cùng em gái Quỳnh Như và em trai Chí Công đều học rất giỏi - Ảnh: TRẦN MAI

Mưa bất chợt đổ xuống Quảng Trị những ngày đầu tháng 8, con đường về thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) bì bõm trong nước. Rẽ vào con hẻm nhỏ sát nghĩa trang thôn là đến nhà tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) Hồ Thị Phương Nha.

Cha Nha bị mù, mẹ thiểu năng, cuộc sống gia đình dựa vào tiền trợ cấp xã hội và gánh ve chai của người mẹ thiểu năng ấy. Đó cũng là nghề "gia truyền" mà mấy chị em Nha thuần thục.

Nếu được giúp, tôi có thêm điều kiện lo cho ông bà, cha mẹ và các em, còn không sẽ vẫn "leo dốc". Tôi đã đến cổng đại học rồi và sẽ không dừng lại.

HỒ THỊ PHƯƠNG NHA

Gánh ve chai của người mẹ thiểu năng

Trước căn nhà chất đầy những đống ve chai. Ông Hồ Dần (54 tuổi) ngồi trên chiếc ghế bên hiên chờ vợ về. Nghe tiếng bước chân, ông liền hỏi: "Bà về rồi à, vô nhanh kẻo ướt". 

18 tuổi, ông mắc bệnh về mắt. Ánh sáng cứ yếu dần rồi tắt hẳn khi ông 20 tuổi. Cũng từ đó, ông cảm nhận cuộc đời bằng giác quan khác và gần như bó cuộc đời mình nơi xó nhà.

Nghe chúng tôi đến tìm Nha để hỗ trợ học bổng, ông Dần mừng lắm, gọi lớn: "Nha ơi, Nha ơi". Nhưng chẳng ai trả lời, ông dò dẫm bước vào nhà, suýt ngã. 

Mò mãi cũng tìm được chiếc điện thoại để trên bàn, đưa tôi nhờ bấm số "Để gọi con bé về, nó chăm ông bà nội từ tối qua, sáng nay về nhà nấu ăn rồi qua lại bên nội".

Câu chuyện trong lúc chờ con, ông Dần kể cha mẹ ông sinh bốn người con nhưng chẳng hiểu sao cả bốn người mắt cứ mờ dần rồi mù hẳn khi lên 18, đôi mươi. Ông từng đi khám, mong có chút hy vọng nhưng bác sĩ nói thoái hóa đáy mắt không chữa được. Ông chấp nhận số mệnh!

Qua mai mối, ông gặp cô Phạm Thị Thu khi đã ngoài 30. Mối tình hai mảnh đời khiếm khuyết nương tựa nhau. Rồi ông chép miệng: "Bác sĩ nói vợ tôi thiểu năng tâm thần, ốm đau kinh niên. Nghề lượm, mua ve chai của bả cũng gồng gánh được mấy miệng ăn". 

Lẫn trong cuộc trò chuyện, ông Dần nói may mắn khi mấy đứa con lần lượt ra đời, rồi lại tự trách mình làm chồng làm cha mà chẳng lo được cho vợ con. Nỗi bất lực như nghe được trong từng tiếng thở dài.

Bà Thu tất tả dắt chiếc xe đạp chất đầy giấy, lon bia về đến. Chiếc áo mưa, bà dùng phủ đống giấy, mặc kệ mình ướt. Hỏi gì bà cũng không nói, chỉ cười hoặc im lặng. Bệnh tật khiến bà sợ người lạ và khép mình lại. 

Nha cũng vừa về tới, đôi mắt rũ xuống. Từ đêm qua cô gái phải thức chăm ông bà nội ngoài 90 tuổi, sáng chạy về nấu bữa sáng cho cả nhà rồi lại qua trông chừng ông bà.

Nha nói dù mẹ không tròn vẹn những lời yêu thương bởi sự khiếm khuyết của số phận, nhưng cả đời mẹ tần tảo nuôi cả nhà. Nhiều hôm trời nhá nhem tối không thấy mẹ về, hai chị em mỗi đứa một chiếc xe đạp đi tìm. Nha hiểu bệnh tình của mẹ, thần trí đôi lúc lẫn lộn và quên cả đường về nhà.

Có hôm mẹ về đến nhà không nuốt nổi cơm, nằm liệt mấy ngày và chỉ húp cháo. "Mỗi lần mẹ chở xe ve chai về trước ngõ, lòng tôi đau lắm. Tôi ước mình đủ mạnh mẽ, làm thật nhiều tiền để mẹ không phải vất vả nữa", Nha nói.

Sẽ không dừng lại

Nhà chỉ có sào ruộng, nước lên, hạn xuống mất mùa triền miên. Ông bà đành để cho người khác làm, cả nhà tập trung nhặt ve chai. Bữa nào làng có đám tiệc là hôm đó khá khẩm nhất. Bà Thu sẽ đến xin gia chủ trước, và ai cũng đồng ý. Mỗi vỏ lon nhặt về là thêm niềm hy vọng.

Mưa trút xuống ngày một nặng hạt hơn. Mấy cánh cửa lâu ngày mục nát tạo thành những lỗ thủng lớn "dắt gió" thổi tung khắp nhà. Phía hiên nhà, tấm tôn cũ cũng lỗ chỗ giọt mưa rơi lộp bộp, chỗ nào không bị mưa dột thành nơi bỏ giấy phế liệu.

Căn nhà ấy được xây hai lần mà lần nào cũng nhờ vào những tấm lòng hảo tâm. Đó là căn nhà tình thương được tặng hồi năm 2006, sau mấy trận bão hỏng nặng, mỗi lần mưa chị em mang thau đi hứng khắp nơi. Năm ngoái Nhà nước hỗ trợ xây nhà tránh bão, căn nhà được cơi nới thêm, mái nhà cũ được lợp mới, cảnh "chạy mưa" khép lại. Nhưng mái hiên mãi vẫn không có tiền thay.

Ông Dần vẫn hay tự trách bản thân vì lo cho chính mình còn không xong, nói chi chăm vợ con. Nỗi lòng ông càng nặng trĩu khi không chỉ Nha mà hai đứa em của Nha cũng đều học giỏi, xuất sắc. Nghĩ về các con, nỗi lo trong ông càng trĩu nặng.

Nha hiểu lòng cha mẹ, chưa bao giờ trách đời mình nghèo. Cô gái muốn cha mẹ tự hào, các em nhìn vào mình mà cố gắng. Bao nhiêu tiền học bổng có được, Nha đều mang về đưa mẹ vun vén tổ ấm. "Tôi phải có trách nhiệm với cuộc đời mình, gia đình mình, với những cô chú đã trao học bổng cho tôi suốt những năm qua và có thể là các năm tới. Tôi cùng các em sẽ nỗ lực hết sức thay đổi cuộc sống khó nghèo hiện tại của gia đình", Nha nói.

Chặng đường sắp tới với Nha chỉ có từ "chinh phục", như cách cô đã quen với những đoạn khúc khuỷu của đời mình. Thích học marketing, Nha chủ động nộp học bạ xét vào ngành này và đã đậu. Cô nói sẽ đi đến cùng với lựa chọn của mình, giống hệt như cách cô trò chuyện và kiên định với hành trình sắp đến.

Tin vào học trò

Cô Hồ Vân An - giáo viên chủ nhiệm 3 năm học THPT của Nha - nhận xét cô học trò của mình năng động và sống hòa đồng. Nha nhận được nhiều học bổng suốt 3 năm qua vì có học lực rất tốt, năm lớp 12 đạt giải nhì cấp tỉnh môn văn.

Theo cô An, những học bổng được trao đều xứng đáng với nỗ lực của Nha. Tới đây khi vào đại học, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhưng cô chủ nhiệm tin rằng chỉ cần đứng được trên giảng đường, Nha sẽ hoàn thành việc học.

"Tôi hay nói với Nha rằng nỗ lực của bản thân quyết định số phận của mình. Tôi dành niềm tin lớn cho cô học trò này", cô An tâm tình.

Theo Tuoitre.vn

Tin liên quan