Trong phút giao hoà khẽ khàng của đất trời lòng người như rộng lớn và yêu đời hơn, bất chợt khiến ta xao động là những cánh đào tươi thắm hay chỉ là những sắc xuân của những bông hoa dại ven đường mà ta tình cờ đi qua. Người ta thường so sánh tuổi trẻ với mùa xuân không phải là vô cớ bởi lẽ mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, tràn đầy hương sắc của đất trời, hứa hẹn cho những hương hoa và trái ngọt; tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời với bao ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp.

Trong bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sỹ Hoàng Hà có giai điệu nghe thật thúc giục và hào hùng: “Đi lên thanh niên chớ ngại ngần chi. Đi lên thanh niên làm theo lời Bác. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.” Chính vì vậy mà lực lượng thanh niên luôn tiên phong đi đầu trong mọi công tác:  tình nguyện, phát triển kinh tế lập thân lập nghiệp, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh...

Từ rất lâu công tác phát triển thanh niên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn được Ban lãnh đạo chú ý phát triển. Chính vì lẽ đó mà Ban thanh niên đã được thành lập từ nhiệm kỳ thứ hai của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội. Trong các Hội Người khuyết tật cấp huyện cũng đã hình thành các Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật để có thể hỗ trợ tốt hơn cho thanh niên trong các phong trào phát triển thanh niên của Hội. Tính đến nay đã có 19 Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật trên 30 quận huyện

Nhìn từ góc độ của người lãnh đạo, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, cho biết: “Thanh niên khuyết tật là những người rất giỏi, các bạn không vì khuyết tật của mình mà dừng lại đầu hàng số phận. Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn có các chương trình hướng nghiệp, đào tạo cán bộ trẻ kế cận cho Thành Hội. Hội luôn tâm huyết để tất cả các bạn trẻ vào Hội là thấy vui như đi hội, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên”.

Nhìn thấy vấn đề lớn nhất của thanh niên là vấn đề về việc làm và hoà nhập  nên hàng năm Ban thanh niên của Hội NKT thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” để các thanh niên có thể tiếp cận với các cơ hội  việc làm, qua đó các bạn có thể lựa chọn những việc làm hay học nghề phù hợp với khả năng và tình trạng khuyết tật của mình.

Qua những Ngày hội việc làm này các bạn thanh niên khuyết tật còn muốn Ban thanh niên tổ chức thêm những khoá học kỹ năng mềm trang bị khi đi xin việc, kỹ năng giữ việc và làm việc nhóm nhằm giúp cho các bạn không lúng túng và có kỹ năng xử lý những tình huống có thể xảy ra trong khi đi làm.

Mạnh dạn thực hiện khát vọng khởi nghiệp từ những ý tưởng nhân văn

Khởi nghiệp với rất nhiều những ý tưởng và mô hình có ý nghĩa  đối với người khuyết tật, trong đó có những mô hình tạo việc làm  do các bạn thanh niên khởi  xướng. Đầu tiên phải kể đến mô hình Hợp tác xã Trái tim hồng của chị Đinh Quỳnh Nga thuộc Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn. Ngành nghề kinh doanh của Hợp tác xã là photocopy, xâu hạt gỗ, may mặc, trồng nấm và kinh doanh nông sản sạch. Hàng năm chị đã tạo việc làm và dạy nghề cho 38  thành viên làm trực tiếp và 40  thành viên làm tại nhà  theo mùa vụ, người khuyết tật ở đây thu nhập bình quân  6.500.000 VNĐ với  nghề sản xuất than sạch không độc hại phục vụ cho người tiêu dùng. Còn những nghành nghề khác: xâu hạt gỗ, photo, trồng nấm...tùy theo công sức và dạng tật, số ngày công làm việc trên tháng, thì thu nhập từ 2.000.000 đến 4.000.000₫/ người. Với những đóng góp và cống hiến như vây chị Chủ nhiệm HTX Đinh Quỳnh Nga  đã được các cơ quan ban ngành khen thưởng, đặc biệt chị được Thủ tướng Chính phủ  tặng Bằng khen tại "Lễ tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" diễn ra vào cuối tháng 11/2020.  Trong những ngày xuân ấm áp, bên tách trà nóng chị tâm sự: “Mong muốn các mặt hàng sx ra tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường  để  thu nhập cho công nhân  khuyết tật được cao và ổn định hơn”.

Một mô hình tạo việc làm cũng tạo hiệu quả tốt đó là Hợp tác xã Tâm Ngọc do chị Thuần khởi nghiệp, chuyên kinh doanh trà sạch và trồng hoa. Tết Tân Sửu vừa qua Hợp tác xã của chị đã đưa ra thị trường mười tám nghìn cành hoa Ly  với giá bán dao động từ 40.000₫ đến 50.000₫/ một cành. Những hộp trà của hợp tác xã Tâm Ngọc được chế biến từ nguồn nguyên liệu sạch ngay từ đầu vào. Những nguyên liệu này do chính những thành viên trong hợp tác trồng và sản xuất, dịp  Tết vừa qua  HTX bán ra thị trường trên năm nghìn hộp trà. Mong muốn của chị Thuần là mang lại  việc làm ổn định cho mọi người và cùng mọi người khẳng định bản thân mình có ích. Thu nhập của các thành viên trong Hợp tác xã từ 2.500.000₫ đến 6.000.000₫.

Có một mô hình tạo việc làm cho các bạn điếc được khởi nghiệp từ ý tưởng của một bạn nữ thanh niên khuyết tật là Lương Kiều Thúy đã được rất nhiều các đơn vị tài trợ đánh giá  cao về mặt ý nghĩa cũng như giá trị thực tiễn. Tại khoá tập huấn "Khởi nghiệp dựa vào nội lực" do Quỹ Abilis tổ chức thầy Trần Lương Sơn đã cảm thấy rất thích thú với ý tưởng và dự án của bạn Thúy.

Thúy tâm sự: bản thân cô cũng đã từng đi làm giặt là tại các cửa hàng và cảm thấy người điếc hoàn toàn phù hợp với công việc giặt là, các bạn chỉ bị rào cản về ngôn ngữ, nhưng bù lại các bạn rất cẩn thận, khéo léo và chăm chỉ nên có thể làm tốt công việc này. Dự án của các bạn đã được Đại sứ quán Mỹ tài trợ. Tiệm giặt là của các bạn được đặt trên con phố Tân Mai, quận Hoàng Mai. Khởi đầu với diện tích chỉ hơn 10m2, 3 máy giặt sấy và một bàn là hơi, hai máy vệ sinh giày. Cửa hàng có một quản lý và hai nhân viên, dự án khởi nghiệp của các bạn được tổ chức Mạng lưới phát triển cộng đồng NICE hỗ trợ nên bước đầu đã có  những thành công nhất định và sự ủng hộ của khách hàng.

Ngoài ra, các mô hình tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội như Hợp tác xã "Sức sống xanh" của chị Lương Minh Nguyệt ở Sóc Sơn, mô hình chuỗi cửa hàng photocopy của các Hội Người khuyết tật Đông Anh, Phú Xuyên, Hoàng Mai, cửa hàng photocopy của bạn Lâm Xuân Hùng, cơ sở sửa chữa và kinh doanh xe máy điện của bạn Nguyễn Đức Thiện... cũng mang lại những khởi sắc về công việc và khởi nghiệp cho các bạn thanh niên khuyết tật

Khẳng định tiếng nói của thanh niên khuyết tật.

Với những sáng kiến và chỉ đạo của Ban thanh niên Hội NKT thành phố Hà Nội các Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận, huyện đưa được tiếng nói của mình đến với cộng đồng. Dự án về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và nilon, của Hội người khuyết tật Quận Hoàng Mai đã tạo ra những hiệu ứng tích cực với cộng đồng và xã hội.

Hay những sáng kiến của Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Phú Xuyên trong vấn đề bảo vệ môi trường biển và hạn chế rác thải đã được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản tặng Giấy khen và chứng nhận về những ý tưởng đóng góp cho môi trường biển xanh sạch đẹp.

CLB Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân do anh Nguyễn Xuân Khánh làm chủ nhiệm cũng có rất nhiều chương trình ý nghĩa cho thanh niên phát triển Những lớp học tiếng Anh, những lớp học nghề cắt tóc thời trang, nấu ăn, cắm tỉa hoa đã giúp cho các bạn thanh niên học nghề và tìm được việc làm. Những buổi sinh nhật và sinh hoạt hàng tháng là nơi để các bạn thanh niên chia sẻ những nguyện vọng, tâm tư của riêng mình. Những dự án truyền thông nâng cao nhận thức về  người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật đã được câu lạc bộ thực hiện theo hình thức sân khấu hoá và các trò chơi, nhờ  vậy những kiến thức các bạn chia sẻ hoàn toàn dễ tiếp cận đến số đông mọi người. Người giữ lửa trong câu lạc bộ là anh Nguyễn Xuân Khánh đã thật sự nêu  tấm gương để thu hút các bạn thanh niên khuyết tật tham gia các hoạt động của câu lạc bộ.

Những vấn đề trong lĩnh vực khuyết tật có rất nhiều, trong đó vấn đề giáo dục cho trẻ khuyết tật đã  được các bạn thanh niên khuyết tật huyện Phú Xuyên đồng nghiên cứu cùng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường iSEE. Những vấn đề về giáo dục hoà nhập đối với trẻ khuyết tật trí tuệ khu vực nông thôn đã được nghiên cứu cùng các thầy cô giáo, cha mẹ trẻ khuyết tật và cộng đồng đánh giá. Thực tế vấn đề giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ vẫn còn những tồn tại riêng, đó là ở nhiều trường các thầy cô chưa có kinh nghiệm để dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, môi trường học hoà nhập còn thiếu và còn chưa phù hợp.

Bên cạnh những hoạt động tham gia học nghề tạo việc làm, những dự án bảo vệ môi trường thì hoạt động văn nghệ và thể dục thể thao của thanh niên khuyết tật Hà Nội cũng mang những màu sắc rất riêng và độc nhất.  Trong chương trình Tiếng hát văn nghệ của thanh niên thủ đô thì Ban thanh niên thuộc Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã giành giải nhì, đây là những tín hiệu vui khẳng định đời sống tinh thần của thanh niên khuyết tật đang được nâng cao.Ban Thanh niên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hàng năm luôn nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS HCM.

Các Câu lạc bộ thanh niên các quận huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ba Đình, Ba Vì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thanh Oai... hàng năm cũng nhận được Bằng khen từ Thành đoàn Hà Nội về những việc làm có ý nghĩa cho phong trào thanh niên cơ sở. Các cá nhân tiêu biểu như anh Nguyễn Hồng Hà, anh Nguyễn Xuân Khánh, chị Nguyễn Minh Châu, anh Phạm Quang Khoát luôn là những tấm gương sáng về ý chí,  nghị lực, cũng như những việc làm có ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật.

Trong những ngày xuân mới giai điệu của ca khúc: “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” lại vang vọng trong lồng ngực những trái tim trẻ: “Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong. Là công sức ta xây lên đất trời Tổ quốc thêm xanh tươi thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Rất mong trong năm mới mỗi bạn thanh niên khuyết tật có nhu cầu sẽ tìm được một nghề nghiệp phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật của mình. Ai trong chúng ta đều có những tháng ngày thanh xuân đáng quý và hãy luôn luôn xây dựng những ước mơ cho riêng mình từ những kế hoạch và mục tiêu cụ thể để “Ngày mai được bắt đầu từ ngày hôm nay”./.

Theo dphanoi.org.vn

Tin liên quan