Ngày 27/12, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã khai mạc triển lãm ảnh "Mảnh khuyết" tại TPHCM, qua đó đưa ra nhiều thông điệp của người khuyết tật với cộng đồng và xã hội.

Mỗi phiên tham quan, khách sẽ được trải nghiệm 10 khu vực để hiểu thêm về những nhận định trong xã hội về NKT, quy định xây dựng với thiết kế cho mọi đối tượng và thực trạng tại Việt Nam, dịch vụ xã hội cho NKT và câu chuyện khó khăn trong thực tế đời sống NKT, gương NKT vươn lên trong cuộc sống…

Mỗi khu vực là 1 giá treo đầy ảnh, và mỗi bức ảnh là 1 câu chuyện  của NKT khi cố gắng ra đường học tập, làm việc

Đông đảo NKT quan tâm đến chia sẻ tại buổi giao lưu

Đặc biệt, triển lãm có sự góp mặt giao lưu và chia sẻ của 4 khách mời là NKT ở các dạng tật khác nhau. Đó là chị Trần Thị Ngọc Hiếu bị liệt chân, anh Đặng Hoài Phúc bị khiếm thị, chị Nguyễn Trần Thủy Tiên bị điếc, anh Nguyễn Minh Luận bị khuyết tật tay chân…

Dù không thể tự đi trên đôi chân nhưng chị Ngọc Hiếu không chấp nhận một cuộc đời tẻ nhạt, không lấy khuyết tật làm cái cớ để sống an phận. Chị Ngọc Hiếu vượt qua nỗi sợ để lên Sài Gòn lập nghiệp. Hiện chị sở hữu một cửa hàng tranh đá quý và có cho mình một tổ ấm nhỏ. Hiếu không thể bước đi, nhưng tác phẩm của cô thì đã vươn ra khắp chốn.

Còn anh Hoài Phúc mất đi thị lực từ năm 9 tuổi nhưng anh chưa một lần khuất phục bóng tối mà còn thắp sáng hy vọng cho người khác. Hiện nay, bên cạnh vai trò Giám đốc Điều hành của Trung tâm Hướng nghiệp & Công nghệ Trợ giúp cho Người mù Sao Mai, anh còn tham gia nhiều hoạt động quốc tế hỗ trợ người khuyết tật. Với anh, tầm nhìn không chỉ giới hạn ở đôi mắt.

Còn với Thủy Tiên, cô là minh chứng cho thấy mỗi người đều có khả năng của riêng mình. Chính nỗ lực học hỏi không ngừng của Tiên đã giúp chị giành được học bổng sang Mỹ để tiếp tục đam mê nâng cao năng lực cho người điếc.

Nguyễn Minh Luận lại là 1 hình ảnh NKT rất khác. Anh bị khuyết tật tay chân nên khả năng vận động và thực hiện các thao tác chính xác khá hạn chế. Thế nhưng, Luận lại chọn con đường làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Với lý tưởng mỗi người đều có quyền chọn cho mình cách sống, Nguyễn Minh Luận đã quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật.

Khách tham quan có đầy đủ NKT với các dạng tật khác nhau như liệt chi, khiếm thính, khiếm thị... và được ban tổ chức bố trí người hướng dẫn phù hợp với dạng tật của mình để tham quan thuận tiện

Tham gia thảo luận các rào cản của mình tại buổi giao lưu​​​​​​​

Tại buổi giao lưu, mỗi nhân vật lại gửi gắm một câu chuyện riêng nhưng điểm chung là cả bốn anh chị đều từng gặp phải định kiến sai lầm như NKT thì không nên có con và không thể đi đây đi đó, người điếc thì không thể học cao, người mù thì không thể dùng điện thoại...

Những suy nghĩ tương tự như vậy đã ít nhiều cản trở NKT thể hiện khả năng của bản thân, thậm chí có thể gây tổn thương cho họ. 

Anh Đặng Hoài Phúc nhấn mạnh rằng: "Những định kiến này phần lớn không xuất phát từ ác ý hay sự kỳ thị mà bởi vì xã hội còn hiểu sai về NKT. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến kiến thức để các đối tượng khác hiểu đúng về NKT".

Lối đi có gờ định hướng giúp người khiếm thị có thể dễ dàng di chuyển trên đường phố

Nhưng ngay tại một nhà sách, lối đi hẹp đến mức xe lăn không thể di chuyển và mặc nhiên là NKT đi xe lăn không thể vào đây

Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Đào Thu Hương, Cán bộ quyền của NKT thuộc UNDP chia sẻ: "Không phải NKT nào cũng có thể thành công ở mức xuất chúng nhưng mỗi NKT đều có một khả năng riêng. Chúng ta không chỉ tôn vinh gương sáng về NKT mà còn cần tạo điều kiện công bằng để mọi NKT đều có thể phát huy hết năng lực của mình".

"Việc tạo điều kiện đó có thể xuất phát từ những việc nhỏ nhất như chuyển phòng học, phòng làm việc cho NKT từ tầng 2 xuống tầng 1. Chính NKT cũng không nên cho rằng việc này là làm phiền người khác để tự tin nói lên nhu cầu chính đáng của mình", bà Thu Hương chia sẻ thêm.

​​​​​​​

Định kiến xã hội cũng là một rào cản nặng nề khiến NKT tự ti, không dám ra đường học tập, làm việc

Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện của DRD, nhấn mạnh: "Điều quan trọng là tạo ra một môi trường tiếp cận để NKT có thể thể hiện đúng năng lực của mình và được xã hội nhìn nhận khách quan bằng chính năng lực đó".

Theo ông Thanh Tùng, đó là hành trình dài và cần đến sự chung tay của toàn xã hội. Mục tiêu cuối cùng của việc tạo môi trường tiếp cận cho NKT không phải là sự ưu tiên cho bất kỳ ai, mà là một môi trường để không ai cần đến sự ưu tiên mà vẫn có thể phát huy khả năng vốn có của họ.

Tin liên quan