Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không cần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động để đảm bảo các chính sách ưu tiên cho người khuyết tật được đi vào cuộc sống, để họ có cơ hội được thực hiện quyền bình đẳng.

Ngày 20/6 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (NKT) về “Quyền tiếp cận giao thông hàng không của người khuyết tật” năm 2019. Hội nghị do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức.

Nhiều đại diện các đơn vị, tổ chức tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đàm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội nêu ra vấn đề: Khuyết tật là sản phẩm của xã hội, tồn tại khách quan trong bất kỳ xã hội nào, thời điểm nào mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Khuyết tật khiến con người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, luôn phải đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự phân biệt đối xử và kỳ thị.

Trong không gian của Hội nghị tập trung vào việc tập hợp ý kiến, tiếng nói, nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng NKT đối với những thuận lợi, khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hàng không. Qua đó, góp thêm tiếng nói để các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến việc bảo đảm thực hiện quyền của NKT trong tiếp cận hàng không, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này và xử lý vi phạm (nếu có).

Anh Nguyễn Khánh Lâm chia sẻ về những trải nghiệm thực tế khi sử dụng dịch vụ của một số hãng hàng không trong nước

Hội nghị đã lắng nghe tiếng nói của một số đại biểu NKT như chị Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm ACDC, anh Nguyễn Khánh Lâm về những trải nghiệm thực tế của NKT khi sử dụng dịch vụ của một số hãng hàng không trong nước. Hầu hết hành khách NKT chưa hài lòng với chất lượng phục vụ của các hãng hàng không giá rẻ do những thiếu sót trong hỗ trợ NKT tiếp cận với các dịch vụ hàng không.

Anh Nguyễn Khánh Lâm (đại biểu Người khuyết tật) chia sẻ về những trải nghiệm thực tế khi sử dụng dịch vụ của một số hãng hàng không trong nước. Theo lời anh, trước giờ bay chỉ 3 tiếng, anh đã nhận được điện thoại của nhân viên hãng này thông báo từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển của vé đã mua và đề xuất hoàn vé cho khách với lý do không có nhân viên hỗ trợ trong trường hợp hành khách khuyết tật cần sử dụng dịch vụ xe lăn.

Tương tự, với nhiều hành khách khuyết tật sử dụng xe lăn như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vân (Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống), anh Lê Đức Hiền (Đồng Nai)…cũng bị một số hãng hàng không giá rẻ từ chối cung cấp dịch vụ.

Tại đây, đại diện của hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Vietnam Airlines là đơn vị rất nỗ lực trong hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không trợ giúp các hành khách NKT, bao gồm hành khách sử dụng xe lăn, hành khách khiếm thính và hành khách khiếm thị.

Bà Nguyễn Thanh Thúy – Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trình bày tham luận

Bà Nguyễn Thanh Thúy – Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng đã trình bày tham luận: Người dùng xe lăn không thể đứng lên “cao” bằng người lành lặn, nhưng người “lành” có thể ngồi xuống để “thấp” bằng người dùng xe lăn. Hành động “ngồi xuống” này không làm giảm giá trị của ai cả mà chỉ nâng tầm giá trị của cả hai người mà thôi.

Vì vậy, bà Thúy cho rằng, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần thay đổi nhận thức, tư duy và hành động để đảm bảo các chính sách ưu tiên cho NKT được đi vào cuộc sống, để họ có cơ hội được thực hiện quyền bình đẳng.

"Một xã hội công bằng, văn minh còn thể hiện ở thái độ, cách hành xử của Nhà nước, cộng đồng với NKT. Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa để NKT không bị bỏ quên hay tụt lại phía sau trong quá trình phát triển", bà Nguyễn Thanh Thúy nhấn mạnh.

Tin liên quan