Nhiều năm qua, các thành viên trong Nhóm khuyết tật Tình bạn (TT.Long Thành) và Đoàn kết (xã Bàu Cạn) cùng ở H.Long Thành đã đồng hành, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Các thành viên Nhóm khuyết tật Tình bạn, Đoàn kết sắp xếp những phần cơm từ thiện để chuyển đến các thành viên. Ảnh: V.Truyên
Các thành viên Nhóm khuyết tật Tình bạn, Đoàn kết sắp xếp những phần cơm từ thiện để chuyển đến các thành viên. Ảnh: V.Truyên

Người góp sức kết nối, đưa niềm vui đến với những người khuyết tật này là ông Nguyễn Văn Thình, một người khuyết tật chân đang sinh sống ở TT.Long Thành.

* Kết nối người khuyết tật

Năm 2012, trong một lần tham gia lớp tập huấn dành cho người khuyết tật, ông Nguyễn Văn Thình được gặp gỡ, kết thân với nhiều người đồng cảnh ngộ trong huyện. Sau khi lớp tập huấn kết thúc, ông Nguyễn Văn Thình đã cùng những người bạn này thành lập Nhóm khuyết tật Tình bạn kết nối người khuyết tật ở huyện. Thời gian sau, do nhận thấy người khuyết tật ở các xã Bàu Cạn, Bình Sơn di chuyển ra TT.Long Thành để sinh hoạt gặp khó khăn nên ông Thình tiếp tục thành lập thêm Nhóm khuyết tật Đoàn kết.

Đến nay, 2 nhóm khuyết tật này đã trở thành nơi kết nối 165 hoàn cảnh khuyết tật, trong đó có 30 người khuyết tật nằm một chỗ. Số còn lại vẫn di chuyển được, song đều bị tật về vận động. Có đến hơn một nửa thành viên là người từ nhiều tỉnh, thành khác đến thuê nhà trọ tại Long Thành để bán vé số. Phương châm hoạt động của cả 2 CLB này là: người còn khỏe giúp người yếu hơn, từng thành viên đã giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Từ sự vận động của ông Thình cùng một số thành viên mà nhiều người khuyết tật được nhận thêm trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ chi phí phẫu thuật, được cấp miễn phí dụng cụ trợ giúp sinh hoạt… bên cạnh các chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (ở trọ tại TT.Long Thành) cho hay: “Tôi tham gia vào Nhóm khuyết tật Tình bạn được gần 2 năm. Từ khi tham gia vào nhóm, tôi và chồng được hỗ trợ xe lăn, được tham gia hội thi văn nghệ. Điều này giúp cho gia đình tôi tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống thay vì chỉ nằm dài trong phòng trọ sau một ngày bán vé số dạo”.

* Giúp nhau vươn lên

Vừa nhận 20 phần cơm từ thiện và buộc lên xe máy 3 bánh, ông Phạm Công Đăng (thành viên Nhóm khuyết tật Đoàn kết) vừa cho hay, ngày 2 lần ông lại chạy xe từ xã Bàu Cạn ra KP.Cầu Xéo, TT.Long Thành để nhận cơm từ thiện về phát lại cho người khuyết tật. “Tuy liệt 2 chân song tôi có thể tự túc di chuyển được. Vậy nên tôi đảm nhận việc đi nhận và đưa cơm cho những người khuyết tật không đi lại được ở xã Bình Sơn và Bàu Cạn. Tính ra mỗi ngày tôi phải di chuyển hơn 50km để nhận và phát cơm. Mất thời gian, tốn tiền xăng và khó nhọc nhất là khi gặp trời mưa nhưng tôi vui vì đã giúp đỡ được cho những người khuyết tật còn kém may mắn hơn mình” - ông Phạm Công Đăng nói.

Bà Trần Thị Rằm nhận cơm từ thiện và di chuyển trên chiếc xe lăn để đưa cơm về cho người khuyết tật không di chuyển được
Bà Trần Thị Rằm nhận cơm từ thiện và di chuyển trên chiếc xe lăn để đưa cơm về cho người khuyết tật không di chuyển được

Ngoài ra, do biết nghề sửa chữa điện cơ, sửa chữa điện nên khi biết thiết bị điện ở phòng trọ của những thành viên trong 2 nhóm khuyết tật gặp hư hỏng là ông Phạm Công Đăng lại đến sửa chữa, thay mới miễn phí. Ông Đoàn Mộng Điệp ngụ TT.Long Thành, bị khuyết tật cột sống cho biết, những lần thiết bị điện trong nhà hư hỏng là ông Phạm Công Đăng lại xắn tay vào giúp để gia đình ông đỡ tốn tiền sửa chữa.

Cũng có những việc làm hỗ trợ người khuyết tật tương tự như ông Phạm Công Đăng là bà Trần Thị Rằm, thành viên Nhóm khuyết tật Tình bạn. Hằng ngày, sau giờ bán vé số dạo, bà Trần Thị Rằm lại di chuyển trên chiếc xe lăn đến điểm nhận cơm từ thiện rồi đưa về tận nhà cho những người khuyết tật khác trong khu phố.

Còn bà Nguyễn Hồng Cẩm (thành viên Nhóm khuyết tật Tình bạn) thì cho biết, quê vợ chồng bà ở tận Cà Mau, do khó khăn nên đến Đồng Nai thuê nhà trọ ở để đi bán vé số dạo. Bà Nguyễn Hồng Cẩm kể: “Có lần tôi bị lừa lấy hết vé số. Khi biết chuyện, từng thành viên trong Nhóm khuyết tật Tình bạn động viên, rồi mỗi người góp một chút tiền, có người đi vận động tiền để giúp vốn lại cho tôi. Con trai tôi đang học lớp 3 cũng được mọi người trong nhóm khuyết tật quan tâm nhiều. Đó là nguồn an ủi đối với người khuyết tật xa quê như chúng tôi”.    

Theo baodongnai.com.vn

Tin liên quan