Hơn 8 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, cô Sơn càng thêm yêu quý các em và muốn làm thật nhiều điều để các em đỡ thiệt thòi, sống lạc quan, có ích.

Đó là cô Linh Thị Sơn giáo viên trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, người luôn hết lòng kề vai, sát cánh vì học sinh câm điếc không quản ngại khó khăn.

Tôi đến thăm ngôi trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội vào một ngày mùa Đông lạnh giá. Đón tôi là cô giáo Linh Thị Sơn cùng các em học sinh của trường, ấn tượng đầu tiên khi gặp cô Sơn là cô có đôi mắt sáng, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành.

Khi gặp cô Sơn cùng các em học sinh trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội tôi thấy ở ngôi trường này không giống các ngôi trường khác, sân trường là các em học sinh tung tăng chơi đùa, nhưng điều đặc biệt ở ngôi trường này là không ồn ào được như các ngôi trường khác vì các em đều là trẻ câm điếc, ở các em vẫn luôn ánh lên đôi mắt sáng long lanh đầy thân thương.

Cô giáo Linh Thị Sơn chia sẻ, cô sinh năm 1985, dân tộc Nùng, trong một gia đình có bố mẹ là nông dân, ở huyện miền núi Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, có 5 anh chị em.

Bản thân cô Sơn cũng là một người khuyết tật từ nhỏ, vì vậy cô luôn có những sự thấu hiểu và đồng cảm nhất định đối với những người khuyết tật trong xã hội.

Cô giáo Linh Thị Sơn đang truyền đạt kiến thức cho học sinh trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.  

Luôn cố gắng theo đuổi ước mơ

Cô Sơn chia sẻ, sau khi học hết cấp 3 bản thân cô mơ ước tới một ngày nào đó được làm cô giáo để truyền đạt những kiến thức đến các em học sinh khuyết tật.

Từ ước mơ, sự thấu hiểu những thiệt thòi của bản thân cô Sơn và những người khuyết tật trong xã hội, cô đã hiện thực ước mơ của mình bằng sự miệt mài học tập. Năm 2006 cô thi đậu vào khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Cô sơn chia sẻ: “Kể từ khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội tới nay, như là một nhân duyên tôi đã gắn bó với các em học sinh khuyết tật được hơn 8 năm, càng gắn bó với các em tôi càng thêm yêu quý các em hơn và muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ bị thiệt thòi so với các em học sinh bình thường khác”.

Cô Sơn kể: “Học sinh ở đây đều là trẻ câm điếc dẫn đến có nhiều em học sinh tiếp thu chậm, không được như trẻ bình thường, vì vậy tôi cũng phải luôn kiên trì, tìm hiểu các phương pháp giảng dạy phù hợp, như ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy”.

Cô giáo Linh Thị Sơn tổ chức sinh nhật tập thể thường niên cho học sinh. 

Tạo sân chơi mới cho học sinh khuyết tật

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, chủ nhiệm lớp, cô Sơn còn được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội của trường.

Xuất phát từ tình yêu đối với các em học sinh câm điếc nơi đây mà cô Tổng phụ trách đội của trường luôn cần mẫn cùng học sinh xây dựng và tập luyện các tiết mục văn nghệ không quản sớm tối hay ngày nghỉ.

Cô Sơn cùng với Đội văn nghệ của nhà trường xây dựng tập luyện các tiết mục văn nghệ tham gia Liên hoan văn nghệ trẻ em thiệt thòi toàn thành phố và cũng đạt danh hiệu tiết mục xuất sắc tiêu biểu; góp phần thúc đẩy các phong trào của nhà trường đi lên.

Với tư cách là Tổng phụ trách đội của trường cô đã kết hợp cùng nhóm Dự án Kid+ tổ chức buổi chia sẻ về nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho toàn bộ học sinh trong trường, giúp các em nâng cao hiểu biết và phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục.

Đặc biệt, cô thường xuyên cùng với học sinh tổ chức các chương trình sinh nhật tập thể, giao lưu với các hội nhóm, trường bình thường nhằm góp phần nâng cao hiểu biết của xã hội đối với người khiếm thính nói riêng, người khuyết tật nói chung, giúp các em tự tin, hòa nhập với cộng đồng.

Cô cũng tổ chức các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho học sinh để các em luôn cảm thấy tự tin và hòa nhập với các bạn trong và ngoài nhà trường.

Nhận xét về cô Linh Thị Sơn, cô Đặng Minh Nguyệt - Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, chia sẻ:

“Cô Sơn tuy là người khuyết tật, nhưng trong công việc của nhà trường cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cô rất nhanh nhạy và sáng tạo trong công việc. Cô sống một mình xa gia đình, bản thân còn nhiều khó khăn, nhưng cô Sơn luôn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Thầy giáo khuyết tật Phạm Văn Sơn đầy nghị lực, tâm huyết với nghề

Về trường được thời gian không lâu, nhưng tới nay cô Sơn có nhiều tiến bộ rõ rệt, cô đã đạt thành tích giáo viên dạy giỏi trong đợt Hội giảng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3”.

Được biết ngoài thời gian ở trên lớp, cô Sơn còn tranh thủ tới tận nhà để gặp và hướng dẫn học bài cho những học sinh có nhận thức, tiếp thu chậm hay các em bị câm điếc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Cô Sơn chia sẻ: “Trong cuộc sống tôi luôn tâm niệm tuy sức khỏe yếu, đời sống bản thân vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề, sự đồng cảm và yêu quý học sinh khuyết tật mình cần phải cố gắng và cống hiến nhiều hơn nữa để sau này các em có cuộc sống tốt hơn”.

Ghi nhận sự không ngừng rèn luyện, phấn đấu và cống hiến của cá nhân cô Sơn đối với ngành giáo dục nói chung và các em học sinh khuyết tật nói riêng, năm 2018 cô vinh dự là một trong số 48 giáo viên tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật trên cả nước được nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin liên quan