Mang trên mình di chứng dai dẳng của chiến tranh, không được đến trường, nhưng bằng tinh thần ham học hỏi và khối óc sáng tạo, anh Lê Bá Thành - Giám đốc Công ty TNHH máy công - nông nghiệp Thành Vinh (Nghệ An) đã chinh phục công nghệ khi sản xuất thành công hàng chục loại máy móc máy thủ công được ưa chuộng trên thị trường…

Lê Bá Thành là con trai cả trong gia đình có 3 anh em ở miền quê nghèo Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng năm Thành lên 4 tuổi, sau cơn sốt ác tính đã để lại di chứng nặng nề, đôi chân của Thành teo cơ dần dần rồi dẫn đến bị liệt. Mồ côi mẹ từ sớm, bố lại thường xuyên vắng nhà, Thành phải ở nhà với bà nội, cộng với đường sá khó khăn, sức khỏe yếu nên Thành  không thể tự vượt hàng cây số để đến trường theo học như chúng bạn. Càng lớn Lê Bá Thành càng tự ti và lờ mờ nhận ra nỗi bất hạnh của mình. Thành cứ thế lớn lên bằng sự chỉ bảo, giảng dạy của bố vốn là người lính trở về từ chiến trường Quảng Trị và cũng biết mình nhiễm chất độc da cam di chứng của chiến tranh để rồi di truyền sang con mình. Và rồi qua sự tận tình của người cha, Thành cũng biết chữ, biết đọc.

 Khi vừa tròn 16 tuổi, Lê Bá Thành đến xin học nghề ở tiệm sửa chữa điện dân dụng. Không ngờ, Thành phát hiện mình có khả năng học tập nhanh và trở nên yêu thích nghề này rồi anh trở thành một thợ giỏi. Ngoài thời gian làm thuê tại cửa hàng, Thành còn học thêm nghề ở các ki ốt sửa chữa điện, tham khảo thêm kiến thức trong sách vở để nắm rõ về nguyên lý. Thành tự vẽ sơ đồ, tự mắc các mạch điện mô tơ theo hướng dẫn trong sách cơ bản, sau đó nâng cấp dần lên bằng cách dựa vào sự vận hành thực tiễn. Lâu dần Thành đã có được một vài sản phẩm ra lò sau hàng trăm máy cơ khí được chính tay anh sửa thành công. Năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, anh đã mở cửa hàng nhỏ chuyên sửa chữa điện dân dụng tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Dù  vậy anh vẫn trăn trở tìm cho mình một hướng đi để vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa phù hợp có hướng đi cho riêng mình. Thời điểm đó nhận thấy thị trường máy hàn điện tại thị trường Nghệ An và một vài tỉnh thành lân cận đều phải nhập từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội về giá thành lại khá cao, trong khi kỹ thuật sản xuất và linh kiện có sẵn nên Thành  bắt tay vào dự án khá táo bạo sản xuất máy hàn và tự thiết kế một số mẫu mã mới.

 Vốn có tay nghề cao và chịu khó tìm tòi, học hỏi nên các sản phẩm Thành chế tạo đều nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Điều này càng khiến anh có quyết tâm cao hơn để chuyên tâm phát triển theo hướng đi của mình. Với số tiền tích góp cộng với khoản tiền vay thêm, năm 2007, anh mở được xưởng sản xuất máy hàn tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Để phát triển sản xuất lâu dài, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Chỉ  sau 3 năm hoạt động, anh đã trả được nợ và tăng thu nhập cửa xưởng lên hơn 500 triệu đồng/năm. Nhờ chăm chỉ nghiên cứu, sáng tạo, Lê Bá Thành đã chế tạo thành công máy hàn điện mang tên chính cơ sở sản xuất của mình - Thành Vinh rồi mở rộng thành Công ty TNHH máy công - nông nghiệp Thành Vinh. Nhờ giá thành vừa phải, kiểu dáng đẹp, chế độ bảo hành hợp lý nên nhiều loại máy móc của cơ sở anh đã tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, anh còn cùng nhân viên nghiên cứu và sản xuất nhiều loại máy móc được ưa chuộng trên thị trường như máy thái rau, chuối, máy xay thịt, chế biến thức ăn chăn nuôi… 

Không những vậy,  anh còn nhận thường xuyên thợ là khuyết tật, trẻ mồ côi vào xưởng làm việc. Tất cả lao động nhận vào đều được người chủ xưởng Lê Bá Thành dạy nghề và chỉ bảo tận tình hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, xưởng sản xuất của anh luôn có từ 5 – 10 lao động là người khuyết tật làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

 Tuy đã có những thành công bước đầu, nhưng ước mơ lớn nhất của người giám đốc chịu di chứng da cam lúc này là đưa thương hiệu của cơ sở ngày càng tiến xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thương trường tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn khác. Đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phục vụ cuộc sống của người dân.

 

Tin liên quan