Từ những viên đá tưởng chừng như vô tri, vô giác, nữ họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh ở Đà Nẵng đã sáng tạo nên những bức tranh nghệ thuật độc đáo.

Người “thổi hồn” vào sỏi đá - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hoạ sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh bên tác phẩm của mình

Trong tiết hè nồng nàn hương vị nắng gió của miền Trung, PV Dân Trí đã xem chị Hạnh cùng chồng của mình đang chọn ra những hòn sỏi đá ưng ý nhất trong hàng trăm viên đã được làm sạch, tỉ mẩn vẽ, sơn lên những hòn đá với muôn màu sắc.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất núi rừng Hòa Bắc (Đà Nẵng), từ nhỏ vốn không được tiếp cận với những công nghệ hiện đại, người bạn của chị chỉ là những viên sỏi đá nhặt được dọc những con sông, suối nhỏ gần nhà trở thành món đồ chơi suốt những năm tháng ấu thơ. Thế nhưng chính chúng đã có ảnh hưởng lớn tới phong cách làm tranh của chị sau này.

Người “thổi hồn” vào sỏi đá - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Bức tranh sáng tạo với điểm nhấn là mái tóc với chất liệu sỏi đá, vỏ ốc…

Tìm được niềm đam mê nghệ thuật của mình là vẽ tranh, chị Hạnh quyết định theo đuổi ước mơ của mình. Chị trở thành sinh viên khoa Mỹ thuật công nghệ, ngành hoạt hình manga và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi trở về quê hương, thói quen sáng tạo vẫn còn đó, cuối tuần chị lại về quê nhà và thăm lại chốn xưa cũ. “Tại sao lại không kết hợp những viên sỏi đá này vào bức tranh của mình”, chị tự nhủ. Nghĩ là làm, chị được sự ủng hộ của chồng, chỉ chưa tới 1 năm, hơn 30 tác phẩm đã được chị cho ra lò trên chất liệu sỏi đá vô cùng tinh tế và đẹp mắt.     

Người “thổi hồn” vào sỏi đá - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Nữ hoạ sĩ đang phác hoạ tranh nền

Người “thổi hồn” vào sỏi đá - 4

Nhấn để phóng to ảnh

...và "thổi hồn" vào sỏi đá để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sắc màu

“Mới đầu mình còn chưa thành thạo, để một bức tranh hoàn thiện mình cần tới 6 tháng để lên ý tưởng và thực hiện. Nhưng sau khi đã quen rồi, một bức tranh sỏi đá mình có thể làm trong 2 đến 3 ngày. Mình sử dụng màu acrylic vì an toàn, không độc hại cho trẻ nhỏ và người sử dụng, có kết hợp thêm với lá, hạt cây thậm chí cả những vỏ ốc mình nhặt được để bức tranh thêm phần lạ mắt”, chị Hạnh bộc bạch.

“Đề tài chủ yếu khi vẽ tranh mình thường tập trung vào các đề tài như các em bé, cô gái có mái tóc dài. Mình sẽ lên ý tưởng, phác họa những nét cơ bản, vẽ và sắp xếp các họa tiết theo từng bức tranh. Có lúc dùng sỏi đá, có lúc dùng hạt cà phê, có lúc dùng ốc…Vì bức tranh của mình đa dạng về màu sắc, hợp với cá tính của một cô gái, đa sầu đa cảm, lúc nắng, lúc mưa vậy”, chị Hạnh cười nói.

Chị Hạnh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu làm tranh vì sở thích, đam mê chỉ treo tại nhà và chia sẻ lên những nhóm như tự làm đồ handmade, làm đồ bếp tại nhà thế nhưng có rất nhiều người quan tâm đến tranh của chị. Chị Hạnh cảm thấy rất vui vì nhận được phản ứng tích cực của mọi người.

Ngó quanh phòng tranh của gia đình chị, ngoài những bức tranh làm từ sỏi đá, những vật dụng tưởng chừng bỏ đi như hạt thông, cành gỗ khô, qua bàn tay khéo léo của người họa sĩ những nguyên liệu từ thiên nhiên ấy đã thành những vòng hoa trang trí, chuông gió với hình thù dễ thương mà lại thân thiện với môi trường.

Hiện công việc chính của chị Hạnh thường nhận vẽ tranh tường cho các trường mẫu giáo, mở thêm phòng tranh bán tranh sơn dầu nên công việc sáng tạo của chị chỉ được thực hiện bắt đầu sau khi lo xong cho gia đình. Khi mọi người đã ngon giấc chị mới có thời gian cho công việc sáng tác nghệ thuật, có khi ngọn đèn trong phòng tranh chị sáng tới tận 1-2 giờ vẫn chưa nghỉ. Chị Hạnh vui vẻ nói: “Cực thì có cực thật đấy, thế nhưng khi nhìn lại những đứa con tinh thần của mình ra đời được khách hàng đón nhận, bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến hết”.

Gần 15 năm theo đuổi nghề vẽ, xuất phát bằng trái tim, duy trì bằng giá trị ý nghĩa, chị Hạnh hy vọng tranh sỏi đá nghệ thuật sẽ ngày một khẳng định mình hơn nữa. Những ý tưởng sáng tạo của chị chưa bao giờ nguôi đi và nữ nghệ sĩ vẫn từng ngày toàn tâm toàn ý cho đam mê của mình.

Văn Tuấn

Theo dantri.com.vn

Tin liên quan