Chân không thể tới lớp, tay không thể chép bài nhưng với nghị lực phi thường cùng niềm đam mê con chữ, Nguyễn Thuỳ Chi đã lần lượt vượt qua cấp 1, cấp 2 rồi cả đại học. Cái duyên nghệ thuật lại cuốn Chi vào với pales, toan, cọ và giá vẽ. Để rồi, sau 7 tháng miệt mài học tập, Chi đã có hơn 30 tác phẩm nhiều kích cỡ, chất liệu trong đó đa số là thuộc trường phái trừu tượng biểu hiện và lược giản. Nhiều tác phẩm của Chi đã được tham gia triển lãm chuyên nghiệp một cách bình đẳng mà không cần đến bất kỳ sự ưu ái nào.

Bước vào giảng đường theo cách đặc biệt

Nguyễn Thùy Chi sinh ra tại Lào Cai, bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến gần 10 tháng tuổi Chi vẫn không biết lẫy, biết ngồi. Bố mẹ Chi đưa con xuống Bệnh viện Nhi Thụy Điển (Hà Nội) khám mới biết Chi bị cứng cơ dây thần kinh số 7 (dây thần kinh hoạt động). Điều này có nghĩa là Thùy Chi hoàn toàn không có khả năng vận động từ cái nhỏ nhất chưa nói đến chuyện đi lại.

Lên 1 tuổi khi những đứa trẻ hàng xóm đã lẫm chẫm biết đi, thì Chi ngồi xe lăn, đến 3 tuổi em không thể cất tiếng gọi "Mẹ". Rồi những bất hạnh liên tiếp đổ xuống, mẹ bỏ Chi đi tìm hạnh phúc mới, bố thì ốm yếu không thể chăm sóc con. Ông bà nội thay nhau hàng ngày cõng Chi trên đôi vai gầy đến lớp học con chữ. Dù nhà nghèo, cái ăn đã khó nhưng ông bà vẫn không thể để đứa cháu đã chịu khiếm khuyết về cơ thể lại khiếm khuyết nốt con chữ.

Kỳ lạ thay, chân không thể tới lớp, tay không thể chép bài nhưng Thùy Chi lại có niềm đam mê học đến ghê gớm, các bạn cùng lớp vừa thương, vừa khâm phục Chi nên thay nhau chép bài hộ, chỗ nào Chi chưa hiểu thì nhiệt tình giải thích. Cứ thế, cô gái bé nhỏ rúm ró trên chiếc xe lăn - Nguyễn Thùy Chi đã tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 rồi đỗ Đại học bằng tình yêu của bố, ông bà và sự quan tâm của bè bạn. Mọi cố gắng và nỗ lực của Chi chưa bao giờ là hoài phí cho những tháng năm trưởng thành nhiều gian khó.

Nguyễn Thùy Chi là thí sinh khuyết tật đầu tiên được tổ chức 1 phòng thi riêng, với 3 giám thị, một máy quay. Do không thể viết được nên Thùy Chi đọc bài cho giám thị 1 chép, giám thị 2 quay và ghi âm, giám thị 3 quan sát chung. Cuối cùng, cô học trò đặc biệt đã làm nhiều người "phục sát đất" khi đỗ vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền với 17 điểm. Sự khởi đầu ấy chỉ là bước đầu cho chuỗi ngày gian nan khi xa nhà hơn 300km, Thùy Chi vẫn tiếp tục phải nhờ bạn bè đưa đến trường, tiếp tục phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 người khác để hoàn thành chương trình học.

Không thể cầm bút, nhà trường đã tạo điều kiện để Chi thi vấn đáp qua mọi kỳ thi. Sau 4 năm, Thùy Chi có kết quả học tập nằm trong top đầu của lớp. Các bạn sinh viên học cùng Thùy Chi đã không khỏi khâm phục khi thấy Chi chưa bao giờ than phiền về bệnh tật hay khó khăn, bên cạnh học văn hóa, Chi học cầm bát ăn cơm, đánh răng, dùng chuột máy tính, tập phát âm... và học cả cách sống tự lập xa nhà.

Vẽ bằng 1% tài năng

Tháng 9 năm 2019 tại VICAS Art Studio một triển lãm có tên “CHƠI” tập hợp các tác phẩm của 15 họa sỹ do CUCA VietNam (Mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập) đào tạo được diễn ra. Theo Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương - nhà sáng lập và điều hành CUCA VietNam thì “Triển lãm trưng bày thành quả của những cá nhân đã chọn Hội Họa như một phương tiện biểu đạt các giá trị tự thân. Dù nhập cuộc tự phát hay lề luật hơn, tựu trung đều có ý chí, tự nguyện, liều lĩnh và dấn thân thực hành, với nhu cầu khám phá và tận hưởng nghệ thuật. Cùng với đó là những chất chứa, ẩn ức, khổ ải cho đến những cảm hứng, thống khoái, giải tỏa trên cả khía cạnh tinh thần lẫn vật lý. Nên tên “CHƠI” này với nghệ thuật có thể hiểu một cách đơn giản là đặt tác giả ở một tâm thế chân thật, tự nguyên nhất, giống như một đứa trẻ cầm cây cọ vẽ bằng tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên, không sợ hãi, với tất cả những gì mình có.

Thùy Chi có 5 tác phẩm được triển lãm tại “CHƠI”. Trong sổ lưu bút viết về các tác phẩm của Chi, nhà phê bình mỹ thuật Anh Quân viết “Các tác phẩm của tác giả Thùy Chi có tố chất của một người thoát tục, khi cuộc sống có quá nhiều trói buộc cảm xúc khiến người vẽ chần chừ với cây bút của mình. Tôi cho rằng, thiên tài là người có thể cầm bút vẽ như một đứa trẻ. Nhưng khác với trẻ con, tác phẩm của họ là những tinh tuý đúc kết từ quá trình trải nghiệm và chiêm nghiệm của cuộc đời họ”. Một người xem khác viết “Tranh của Chi rất lạ”.

Tất cả những người viết nên cảm xúc ấy, không ai biết trước khi đến với CUCA, thì Thùy Chi chưa biết đến cây cọ vẽ, tuýp mầu là cái gì... Chi chỉ đăng ký tham gia để khám phá bản thân với mục đích để... học múa! Thế rồi cái duyên nghệ thuật cuốn Chi vào với pales, toan, cọ và giá vẽ. Sau 7 tháng miệt mài học tập, Chi đã có hơn 30 tác phẩm nhiều kích cỡ, chất liệu trong đó đa số là thuộc trường phái trừu tượng biểu hiện và lược giản. Với ai am hiểu về nghệ thuật đều biết đây là 2 loại hình mỹ thuật rất khó, bởi một “thợ vẽ” có thể vẽ một bức tranh có đồ vật, có con người, có một khung cảnh thật đẹp nhưng chưa hẳn đã có sức thuyết phục, sức truyền cảm với người xem. Hội hoạ không dừng ở việc tả thực bởi máy ảnh đã làm quá tốt điều này. Sự khác biệt của hội hoạ là người cầm cọ vẽ có thể truyền tải được góc nhìn và cảm nhận riêng thông qua tác phẩm của mình, người cầm cọ vẽ phải thoát được việc “làm hộ cái máy ảnh” để ra một tác phẩm nịnh nọt người xem. Có thể nói Thùy Chi đến với hội hoa để “chơi” nhưng thật sự Chi không “rong chơi” với nghệ thuật.

Nhà bác học vĩ đại Thomas Edison đã nói “Thiên tài là do 1% bẩm sinh và 99% do nỗ lực mà có” câu nói ấy đúng với Thùy Chi. Nhiều người cho rằng, cái mình đang có là hiển nhiên nên coi thường nó, nhưng với Chi để có những điều bình thường ấy, em đã phải nỗ lực gom góp từng chút một. Khi còn là sinh viên Chi đã truyền cảm hứng cho bạn bè bằng câu nói “Cách vượt qua khó khăn nhanh nhất, dễ nhất, đơn giản nhất là đi xuyên qua nó– Giống như chiếc xe đạp, để giữ thăng bằng, chỉ có cách là đi về phía trước” Và giờ đây từng chút một chiến thắng chính mình, Chi đang đi về phía trước, đến với thành công.

Nhật Nam

 

 

Tin liên quan