Nhiều năm qua, tỉnh Phú Yên đã có nhiều cố gắng triển khai nghề công tác xã hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Là tỉnh có địa hình phức tạp, kinh tế - xã hội khó khăn, Phú Yên còn nhiều đối tượng cần trợ giúp xã hội. Do đó, thời gian qua, chính quyền tỉnh Phú Yên đã và đang nỗ lực phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) nhằm làm dày hơn “tấm lưới” an sinh xã hội.
Thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ, nhiều năm qua, tỉnh Phú Yên đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tỉnh Phú Yên hiện có các cơ sở bảo trợ công lập như: Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm CTXH Phú Yên. Ngoài ra còn có các cơ sở ngoài công lập như Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - Mái ấm chùa Hải Sơn (thị xã Sông Cầu), Cơ sở bảo trợ xã hội Mằng Lăng và Trung tâm Cứu trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu). Các cơ sở này đã và đang cung cấp dịch vụ xã hội cho hơn 1.000 đối tượng với các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, tham vấn, tư vấn, dạy văn hóa, điều trị nghiện ma túy…
Hội thi tìm hiểu kiến thức về nghề công tác xã hội ở Phú Yên
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết: Qua gần 10 năm thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và hoạt động hiệu quả. 112/112 xã, phường, thị trấn đã có CTV, số lượng nhân viên CTXH hơn 800 người.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Phú Yên cho biết, hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn CTXH với hoạt động từ thiện - xã hội, xem CTXH là công tác từ thiện. Thực chất CTXH là một nghề chuyên nghiệp được công nhận, đào tạo bài bản ở các trường đại học với ngành nghề cụ thể. Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) tự vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2017, tỉnh Phú Yên đã chủ trương phát triển Đề án nghề CTXH theo chiều sâu. Theo đó, Phú Yên phấn đấu đến hết năm 2020, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng hỗ trợ đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước đang sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội; 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu.
Ngoài ra, Phú Yên cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan