4 năm trước, Minh nhận được suất học bổng "Chắp cánh ước mơ" trị giá 900 triệu đồng từ trường quốc tế Úc. Chọn học ngành truyền thông chuyên nghiệp, Minh mong góp phần hỗ trợ cho trẻ em, nhất là những em bị thiệt thòi, khuyết tật như mình.

Sống chung với khiếm khuyết - Ảnh 1.

Hoàng Nhật Minh, cử nhân ngành truyền thông chuyên nghiệp, trong lễ tốt nghiệp - Ảnh: C.K.

Mắt mình còn nhìn được chút ánh sáng, đó là may mắn. Thêm nữa mình có sức khỏe và khối óc minh mẫn, nên mình dùng nó cho mục đích tốt đẹp. Khuyết tật không phải là chấm hết!

HOÀNG NHẬT MINH

Vừa tốt nghiệp trường đại học quốc tế của Úc tại Việt Nam, chàng trai khiếm thị Hoàng Nhật Minh đã được mời tham gia thực hiện dự án làm sách để giúp trẻ em có kỹ năng an toàn trên không gian mạng.

Không vì thương mà làm thay

Từ nhỏ, Minh mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, một căn bệnh hiếm gặp dù thị lực của bạn chỉ ở mức 3/10. Minh vào học tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Bắt đầu với cách học chữ nổi, sử dụng máy vi tính có phần mềm hỗ trợ người khiếm thị, Minh luôn vui vẻ "sống chung" với khiếm khuyết của đôi mắt. 

"Mẹ là người luôn nhắc mọi người trong gia đình và cả những người xung quanh hãy để mình tự làm mọi việc, đừng vì thương mà làm thay mình. Nhờ vậy mà mình không bao giờ có suy nghĩ rằng mình không làm được điều gì. Ngay cả việc đi lại, mình cũng tập dùng gậy rồi đi bằng xe buýt thuần thục" - Minh chia sẻ.

Khát vọng cải thiện cuộc sống bắt đầu từ khi Minh hoạch định sẽ "săn" học bổng vào ngôi trường quốc tế này. Hành trình học tiếng Anh của Minh là mỗi ngày bạn học nhiều hơn hôm trước số từ vựng. "Quan trọng nhất là tự học, điều đó giúp vốn liếng tiếng Anh của mình tăng lên từng ngày" - Minh nói.

Ngày học THPT, Minh còn tham gia CLB huấn luyện võ thuật mang tên Aikido - Thế giới yêu thương dành cho người khuyết tật rèn luyện thể thao và nâng cao khả năng tự lập trong cuộc sống. 

"Khi dạy cho các bạn bị hội chứng Down, phần lớn cha mẹ các em thường hay nói các em không làm được đâu, nhưng dù có phải dạy rất lâu các em mới có thể nhớ được động tác thì mình vẫn cố gắng. Chỉ cần các em đứng lên vận động, tập những động tác của bộ môn võ này cũng là một cách giúp các em dần hòa nhập với mọi người xung quanh" - Minh cho biết.

Giúp trẻ em sử dụng mạng an toàn

Sau thời gian thực tập tại Saigon Children, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, Minh được mời ở lại cùng tham gia dự án làm sách giúp trẻ em từ 6-8 tuổi có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

"Sách mong muốn giúp các em sẽ không click vào các đường link lạ bởi thực tế có những trẻ hiếu động làm theo những gì mà các em xem được trên mạng, nhiều clip chưa chuẩn làm ảnh hưởng đến hành vi của các em. Trong sách cũng sẽ nhấn mạnh vấn đề trẻ gặp người lạ trên mạng có nên làm quen hay cho họ thông tin về mình hay không. Qua bộ truyện tranh này mong các em nhỏ từ 6-8 tuổi sẽ được trang bị kỹ năng tốt hơn" - Nhật Minh cho hay.

Trong tương lai gần, Minh dự định sẽ ứng tuyển học bổng Chính phủ Úc chương trình thạc sĩ về giáo dục đặc biệt hoặc công tác xã hội, mong muốn nâng cao trình độ ngày càng sâu và rộng hơn. "Tôi muốn đóng góp sức mình để giúp những sinh viên có khiếm khuyết trở nên độc lập và tự tin hơn trong cuộc sống và công việc" - Minh cho biết.

Trong thời gian theo học chương trình cử nhân, Minh đã nhận được sự trợ giúp tận tình từ dịch vụ bình đẳng giáo dục của nhà trường và sau đó đã trở thành tình nguyện viên cho những dự án nhằm hỗ trợ người khiếm khuyết khác. 

Gần đây, Minh tham gia khóa huấn luyện kỹ năng cho trẻ tự kỷ và dự án hướng nghiệp cho các bạn trẻ tự kỷ lứa tuổi trên 15. Minh giúp các bạn lập kế hoạch, phát hiện khả năng bản thân, định hướng theo nghề nghiệp để tìm việc làm lo cho bản thân mình trong tương lai.

Kỳ vọng những dự án và sáng kiến tiếp theo

Minh cho biết: "Các thầy cô thường khuyến khích sử dụng các chất liệu và cảm hứng từ chính cuộc sống của mình để đưa vào bài tập, và mình rất biết ơn vì điều đó. Người để lại ấn tượng lớn nhất với mình là cố giảng viên, tiến sĩ Bennett McClellan.

Thầy đã tin rằng mình có thể sử dụng máy ảnh dù là người khiếm thị và mình có thể chỉnh sửa video thành thạo như những sinh viên có thị lực bình thường" - Minh xúc động nhớ lại.

Sau thời gian thực tập, Minh đã nhận được công việc tại phòng truyền thông và gây quỹ của Tổ chức từ thiện Saigon Children, chuyên phụ trách mảng nội dung trang web. Đồng thời, Minh là điều phối viên cho dự án truyện tranh về an toàn mạng của tổ chức này.

Cô Carol Witney, quản lý dịch vụ bình đẳng giáo dục tại ngôi trường Minh nhận được học bổng, chia sẻ thêm: "Không chỉ chăm sóc về tinh thần hay hỗ trợ kỹ thuật, bạn còn tư vấn để trường đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy và học tốt nhất bao gồm thiết kế phổ quát cho học tập. Tôi rất mong được chứng kiến những dự án và sáng kiến tuyệt vời tiếp theo mà Minh sẽ tham gia".

Theo tuoitre.vn

Tin liên quan