Tai nạn thương tích ở trẻ có thể để lại những hậu quả vô cùng nguy hại đối với sức khỏe, tính mạng của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó sự chủ quan, lơ là của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ là một trong những nguyên nhân phổ biến.

 

Tai nạn thương tích ở trẻ - chuyện chưa có hồi kết

 

Mới đây, tại BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị phỏng xăng cho 2 bệnh nhi là anh em ruột ngụ tại Bình Dương (bé lớn 9 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi). Nguyên nhân được xác định do cha mẹ của bé bất cẩn trong quá trình cất trữ xăng. Khi nhập viện, bé 9 tuổi bị phỏng nhiều nơi, chiếm khoảng 10% diện tích cơ thể. Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khoẻ của bé đã dần hồi phục được xuất viện. Riêng bé 3 tuổi, kém may mắn hơn. Bé bị phỏng ở vùng mặt, 2 tay, 2 chân và vùng bụng với diện tích khoảng 25% với mức độ phỏng sâu độ II gây đau đớn và nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc cắt mô da hoại tử của bé. Bác bác sĩ dự đoán bé còn phải tiếp tục cắt lọc và ghép da nếu vết phỏng tiến triển xấu hơn. Ngoài ra các di chứng để lại sau này cũng nặng nề, nhất là sẹo co rút vùng bàn tay, bàn chân sẽ là 1 thách thức đối với bản thân bé, gia đình cũng như đội ngũ y bác sĩ.

 

Trước đó, trong 2 tuần đầu tháng 5/2020, khoa Hô Hấp 1 - BV Nhi Đồng 2 cũng đã tiếp nhận 4 trường hợp đuối nước, các bé đều nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng cần hỗ trợ hô hấp, nhưng may mắn là chưa xảy ra tử vong. Điển hình là trường hợp bé J. (17 tháng tuổi), do gia đình không để ý, J. ra vườn nhà chơi và rơi xuống hồ bơi. Khi phát hiện bé đã bất tỉnh, người tím tái, gia đình sơ cứu và chuyển J. vào BV Nhi Đồng 2. Tại đây, bệnh nhi được cấp cứu, theo dõi, tiến hành thở máy 3 ngày tại khoa Hồi sức tích cực và đã qua cơn nguy kịch.

 

Đuối nước là một trong những dạng tai nạn thương tích (TNTT) phổ biến ở trẻ, nhất là vào dịp hè nếu không có biện pháp phòng ngừa, quản lý hiệu quả. BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1 cho biết, mới đây tại BV đã liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước, trong đó có trường hợp đã tử vong. Cụ thể, vào tối 24/5, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai 7 tuổi (ngụ Q. Bình Tân) trong tình trạng huyết áp không đo được. Người nhà cho biết, bé tự ý trốn gia đình xuống hồ bơi ở chung cư dưới nhà và không may bị đuối nước. Lúc được phát hiện, bé trai đã tím tái, ngưng thở, ngưng tim. Sau khi cấp cứu khoảng 15-20 phút, tim bé trai đập lại, được chuyển đến BV Nhi đồng 1 nhưng đã không qua khỏi. Trước đó, Khoa Cấp cứu bệnh viện cũng đã tiếp nhận bé gái 3 tuổi, (ngụ Q. Tân Phú) bị đuối nước do ngã vào xô nước lớn ở trong nhà. Khi gia đình phát hiện ra bé đã ngưng tim, ngưng thở.

Bên cạnh tai nạn phỏng, đuối nước, tai nạn uống nhầm hóa chất cũng khá phổ biến ở trẻ như: trẻ uống nhầm axit, giấm, nước tro tàu, cồn công nghiệp, dầu hỏa… để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Tại BV Nhi đồng TP.HCM hiện đang tiếp nhận và điều trị cho 1 trường hợp bé 3 tuổi uống nhầm hóa chất ăn mòn độc hại (axit sunfuric pha loãng được người dân chế vào các bình ắc quy). Khi phát hiện sự việc, do thiếu kiến thức về sơ cấp cứu đồng thời chủ quan nên gia đình chỉ cho bé uống nhiều nước để giảm nồng độ axit, thấy bé đỡ nên không đưa đến BV. Khoảng 2 tuần sau, sức khỏe của bé yếu dần, gia đình mới  chuyển bé đến BV Nhi đồng TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng của bé có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như: bị phỏng ở môn vị tá tràng, bé không ăn được cơm, cháo, chỉ uống được nước và sữa, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ trong tương lai. Bác sĩ hội chẩn và chỉ định thực hiện phương pháp nối một đoạn ruột bắc cầu qua vị tràng bị tổn thương để dẫn lưu thức ăn.

Phần lớn độ tuổi trẻ bị TNTT thường gặp nhất là dưới 9 tuổi. Đối với những trường hợp trên, nguyên nhân thường gặp nhất là do sự bất cẩn, chủ quan và thiếu trách nhiệm từ người lớn.
 

Nguyên nhân từ sự chủ quan

 

Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, chỉ tính riêng trong năm 2019, BV đã tiếp nhận và điều trị 1.333 ca TNTT các loại ở trẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận 3.887 ca cấp cứu nhập viện trong đó có 168 ca TNTT ở trẻ gồm: 10 ca cấp cứu do tại nạn đuối nước; ngạt nước; 20 ca do bị chấn thương; 68 ca trẻ bị rắn cắn; và 70 ca trẻ bị ngộ độc các loại. Ngoài ra, tại các bệnh viện địa phương còn ghi nhận, hàng ngàn ca trẻ bị té, ngã; nhiều ca tai nạn trẻ bị bỏng, bị tai nạn do cháy nổ, giật điện; uống nhầm hóa chất, dầu hôi, do người lớn bất cẩn; phỏng do bình thuỷ, nồi lẩu, phỏng khi đang đun nước dưới nền nhà...

BS Nguyễn Minh Tiến,Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP cho biết, BV cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ bị TNTT được chuyển chủ yếu từ các tỉnh thành Tây Nam Bộ (Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau…), với đa dạng các loại TNTT  như té ngã, đuối nước, uống nhầm hóa chất, phỏng…

 

Tai nạn thương tích ở trẻ

Một ca cấp cứu tai nạn thương tích ở trẻ do bỏng thương tâm tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM trong tháng 5 vừa qua

 

Phần lớn độ tuổi trẻ bị TNTT thường gặp nhất là dưới 9 tuổi. Đối với những trường hợp trên, nguyên nhân thường gặp nhất là do sự bất cẩn, chủ quan và thiếu trách nhiệm từ người lớn như: Bố trí các vật dụng trong nhà không hợp lý, nhiều đồ cồng kềnh, vật nhọn có tính chất sát thương, hóa chất, thuốc me,… đặt ở tầm với của trẻ. Do đó, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần tối giản không gian sống, tránh sử dụng các đồ đạc có dạng nhọn mức sát thương cao; các đồ đạc màu sắc sặc sỡ, cồng kềnh; các vật dụng điện, đun nấu, chế tạo… cần đặt ở vị trí xa tầm tay và an toàn đối với trẻ; thiết kế lan can cần đảm bảo kích thước an toàn cho trẻ tránh các trường hợp té ngã. Ngoài ra, trẻ cũng thường uống nhầm thuốc của người lớn, do vậy các thuốc và sản phẩm liên quan đến sức khoẻ, phụ huynh nên trang bị tủ có khóa cẩn thận, tránh trường hợp trẻ tò mò dẫn đến uống nhầm…

 

BS Tiến đưa lời khuyên: Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức phòng ngừa cho người dân, nên cung cấp cho cộng đồng kiến thức sơ cấp cứu cơ bản. Thực tế, nhiều TNTT nếu không biết cách sơ cứu từ đầu sẽ dẫn đến quá trình điều trị về sau rất khó khăn, trẻ khó hồi phục. Do đó, vai trò của sơ cấp cứu, đặc biệt là sơ cấp cứu trong trường học đóng vai trò rất quan trọng. Nhân viên y tế trường học phải kịp thời nhận biết những dấu hiệu khi trẻ bị TNTT để kịp thời sơ cứu và chuyển đến BV tuyến trên nhanh chóng. Nhằm hạn chế sự nguy hiểm đến tính mạng cũng như những di chứng đối với sức khỏe của trẻ về sau.

Tin liên quan