Theo thống kê của Unicef năm 2019, có hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật.

Theo kết quả điều tra, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật  cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Ảnh minh họa

Theo thống kê năm 2019, cả nước có 44.391 người tàn tật tham gia học nghề trong đó có khoảng 50% ở độ tuổi  từ 19 đến 35. Số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật khoảng 3.359 giáo viên trong đó biên chế 824 giáo viên, có 1.130 cơ sở tham gia dạy nghề đầy đủ cho người khuyết tật, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục, 225 cơ sở chuyên biệt, có 15.581 người khuyết tật được tạo việc làm.

Thách thức trong đào tạo nghề

Số người trong độ tuổi lao động đi học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ tính trên tổng số người khuyết tật. Nguyên nhân chủ yếu là do đa phần người khuyết tật thuộc hộ gia đình khó khăn, phần lớn ở nông thôn; tuy được miễn học phí nhưng chi phí ăn ở, đi lại đối với họ cũng là phần kinh phí tương đối lớn,.; vì vậy tâm lý phần lớn là chọn học một nghề thủ công trong thời gian ngắn tại địa phương, theo kinh nghiệm người nọ truyền cho người kia  (may vá, đan lát, thêu thùa…) chưa có điều kiện đi học tập trung.

Một số học sinh có điều kiện học những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao nhưng ra trường rất khó khăn trong việc xin việc làm ờ các doanh nghiệp lớn, do có rất ít doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng người khuyết tật (do tâm lý e ngại lao động khuyết tật hiệu suất làm việc thấp, có nhiều ràng buộc trong sử dụng lao động là người khuyết tật); phần lớn học chỉ làm ở những cơ sở sản xuất nhỏ, cơ sở từ thiện hoặc tự tạo việc làm, do vậy thu nhập không ổn định và chưa theer nuôi sống được bản thân.

Theo thông tư 09/2016 của liên Bộ Giáo dục Đào tạo – Lao động TBXH – Tài chính hướng dẫn nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn đối tượng học sinh khuyết tật được miễn học phí (học sinh khuyết tật phải thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo mới được miễn học phí). Trong khi thực tế ở một số địa phương việc xét duyệt cấp chứng nhận cho người khuyết tật, hộ nghèo – cận nghèo chưa được nhìn nhận đầy đủ và thực hiện chưa kịp thời; còn bỏ sót nhiều đối tượng.

Chế độ học bổng chính sách cho học sinh khuyết tật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế so với chỉ số giá tiêu dùng hiện nay.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên có chuyên môn dạy nghề nhưng về mặt giảng dạy cho người khuyết tật hầu như chưa được đào tạo chuẩn mà chỉ dựa trên kinh nghiệm và theo những khóa bồi dưỡng ngắn hạn

Chưa có chương trình đào tạo chuẩn về dạy nghề cho người khuyết tật; hầu hết đều do các trường tự biên soạn; trong khi trình độ của người khuyết tật lại không đồng đều, nhận thức hạn chế, độ tuổi khác nhau vì vậy ảnh hướng không ít đến chất lượng dạy nghề

Một số giải pháp khắc phục khó khăn

- Cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật, nhất là việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật.

- Hội đồng giám định y khoa cần có kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đầy đủ, rõ ràng (theo đúng quy định tại Thông tư số 34) tạo điều kiện cho các địa phương có đủ cơ sở thực hiện chính sách đối với người khuyết tật được kịp thời chính xác, tránh gây hiểu nhầm thắc mắc trong quần chúng nhân dân.

- Đề nghị Bộ Lao động - TBXH phối hợp với Bộ Y tế xác định rõ trường hợp suy thận, suy tim, ung thư ... có phải là khuyết tật hay không, để các địa phương thực hiện đồng bộ (vì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã cho rằng đó là bệnh, nhưng Hội đồng Giám định y khoa kết luật dạng tật).

- Đề nghị Chính phủ cho triển khai thực hiện đồng loạt việc trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP;

- Đề nghị ưu tiên, giảm thủ tục hành chính khi người khuyết tật khám chữa bệnh như người khuyết tật tâm thần, người khuyết tật vận động không có chứng minh thư nhân dân khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

- Kinh phí hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề thực hiện theo Thông tư liên tịch số 48 còn vướng mắc, đề nghị Chính phủ, Bộ ban ngành liên quan có chính sách, tháo gỡ để việc dạy nghề đối với người khuyết tật được triển khai thuận lợi.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho người khuyết tật cần thực hiện được một số nội dung sau:

- Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành và sự quan tâm của cả cộng đồng, đặc biệt chính quyền địa phương nơi cư trú, cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp địa phương để phối hợp giải quyết đầu ra sau khi học nghề cho người khuyết tật.

- Hoàn thiện chính sách và có quy định linh hoạt đối với dạy nghề cho người khuyết tật (ví dụ về thời gian đào tạo – cùng hệ đào tạo, nghề đào tạo nhưng người khuyết tật không thể học trong thời gian quy định chung của người không khuyết tật mà cần phải đào tạo dài hơn)

- Ban hành chương trình dạy nghề phù hợp đối với đối tượng học sinh khuyết tật

- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo: từ dạy tập trung, dạy ở cộng đồng       

- Tăng mức kinh phí hỗ trợ cho học sinh khuyết tật học nghề để giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình học sinh trong thời gian các em theo học.

- Có hỗ trợ kinh phí khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh khuyết tật.

Theo hoanhap.vn

Tin liên quan