Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chương trình nghị sự của Liên hợp quốc tầm nhìn đến năm 2030, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật, Luật người khuyết tật, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát. Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải; bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng, đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường bộ Việt Nam, cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện Sở Giao thông vận tải các tỉnh Quảng Nam, Bắc Ninh, Hải Dương… đã tới dự.

Hiện nay, người khuyết tật ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, tăng cường giao lưu, học hỏi, tìm kiếm việc làm… Tuy nhiên, còn những rào cản hữu hình và vô hình làm hạn chế cơ hội học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội của người khuyết tật, hầu như các không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật. Trong đó, vấn đề hạn chế về tiếp cận giao thông là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của người khuyết tật.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cho biết, để tạo điều kiện bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công trình công cộng, Luật Người khuyết tật 2010 quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận. Luật Người khuyết tật hiện nay cũng quy định lộ trình cải tạo đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật như đến ngày 01/01/2020, các công trình công cộng phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật như: Trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; Nhà ga, bến xe, bến tàu; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở giáo dục, dạy nghề; Công trình văn hóa, thể dục, thể thao. Đến ngày 01/01/2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội còn lại phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Bộ xây dựng cũng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2013 về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về Nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam Nguyễn Văn Toàn đã đề cập đến thực trạng tiếp cận vận tải khách công cộng của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh Quảng Nam có 106 xe buýt và 103 phương tiện khai thác trên các tuyến cố định, vận chuyển trung bình hơn 20 nghìn lượt khách/ngày, tuy nhiên tất cả các xe không có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật mà chỉ bố trí ghế ngồi ưu tiên (ghế trước), chưa thực hiện miễn, giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên, chưa có hình thức trợ giá vé từ Ngân sách Nhà nước, hầu hết các điểm đầu cuối, điểm dừng, nhà chờ đều chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp cận cho người khuyết tật, hạ tầng giao thông và các phương tiện vận chuyển chưa được đầu tư đồng bộ đảm bảo phục vụ tốt cho người khuyết tật…

ThS. Phạm Anh Tuấn đề xuất: “Cần có Quy định xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng lộ trình cải tạo, nâng cấp cảng, bến hành khách đường thủy để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận

Theo ThS. Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), người khuyết tật ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội và tham gia giao thông là nhu cầu tất yếu. Ông Tuấn cho biết, mức độ giao thông tiếp cận được xem xét bởi 3 yếu tố chính, đó là tiếp cận kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không); Tiếp cận phương tiện giao thông; Tiếp cận dịch vụ giao thông, gồm các dịch vụ về vận tải hành khách.

Ở Việt Nam hiện nay, chất lượng đường hè phố nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu của giao thông tiếp cận và chưa phù hợp với khả năng đi lại của người khuyết tật. Vỉa hè hầu như chưa lắp tấm lát dẫn đường, lề đường quá cao, chưa có đường dốc cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, hầu hết không có hệ thống thang nâng, không có sàn thấp. Hiện mới chỉ có tuyến buýt số 03 Bến xe Giáp Bát - Gia Lâm đưa vào hoạt động từ tháng 11/2017 với 15 phương tiện có thiết kế có thể nâng, hạ sàn xe, có cầu trượt, dây đai cố định dành cho xe lăn.

Hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có khoảng 4,8% phương tiện xe buýt đủ tiêu chuẩn và đáp ứng cho người khuyết tật tiếp cận, ở các địa phương khác còn thấp hơn. Các thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh và hình ảnh có phụ đề cho người khiếm thị và khiếm thính mới được chú ý đầu tư ở một số tuyến buýt tại các thành phố lớn.

Đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức Hội đưa ra đề xuất một số giải pháp như Ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ phục vụ trên phương tiện và tại công trình đầu mối vận tải; Ưu đãi lãi suất vay tại các tổ chức tín dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông; Cần có Quy định xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng lộ trình cải tạo, nâng cấp cảng, bến hành khách đường thủy để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận, không giảm giá vé cho người khuyết tật; Rà soát đánh giá toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển… và xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp theo định kỳ…

Tin liên quan