Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội vừa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2022-2027). Đại hội vinh dự được đón tiếp bà Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Bà Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội; ông Lương Phan Cừ - nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng đại diện các Sở, ban ngành, người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố.

Van nghe

Tiết mục văn nghệ của các em học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chào mừng Đại hội

Nhiệm kỳ VI (2016-2021) Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn, đặc biệt là nửa cuối nhiệm kỳ diễn ra Dịch Covid-19. Thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhiều hoạt động phải tạm dừng để đảm bảo các quy định phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian thực hiện kế hoạch năm của Hội. Bên cạnh đó là sự xáo trộn trong tổ chức Hội khi một số Uỷ viên BCH do tuổi cao, sức khoẻ không đảm bảo xin thôi công tác, Hội phải bổ sung một số Uỷ viên thay thế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, tập thể Ban chấp hành Hội với sự cố gắng cao nhất, đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt trong hoạt động, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VI (2016-2021) của toàn Hội.

Trong 5 năm, Hội đã vận động nguồn quỹ đạt 36,5 tỷ đồng gồm tiền và hiện vật quy tiền (vượt 243,3% so với mục tiêu Đại hội V đề ra), trợ giúp cho 17.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trong đó, Hội đã trao tặng 3.780 xe lăn (trị giá 12,3 tỷ đồng), hỗ trợ phương tiện đi lại cho 900 trẻ khuyết tật, mồ côi (trị giá trên 1,5 tỷ đồng), thăm hỏi tặng quà cho trên 3.000 lượt người (trị giá 3,8 tỷ đồng); hỗ trợ quà, học bổng, nuôi dưỡng cho 5.300 trẻ khuyết tật, mồ côi trên địa bàn thành phố (trị giá 8,5 tỷ đồng) và thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa khác tại các đị phương còn nhiều khó khăn khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu… trị giá 200 triệu đồng.

Bang khen cua UBND thanh pho

Bà Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen của UBND thành phố cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Nội

Công tác hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng được thành Hội đặc biệt quan tâm trong đó xác định trọng tâm là dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Các đơn vị thành viên của hội như Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã dạy nghề cho hơn 200 cháu, kinh phí 1,5 tỷ đồng; Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng đã dạy nghề, tạo việc làm cho 60 cháu với mức lương ổn định 5 triệu đồng/cháu/tháng. Hội đã phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức phẫu thuật mắt, thay thuỷ tinh thể cho 261 người, số tiền 313,2 triệu đồng; hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho 550 người khuyết tật cao tuổi với kinh phí 580 triệu đồng. Ngoài ra, Hội cũng đã giúp đỡ các vật dụng thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho hơn 100 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 200 triệu đồng. Tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ số tiền 500 triệu đồng bằng tiền và hiện vật. Nhằm giúp các đối tượng nắm bắt và thụ hưởng đầy đủ các chính sách, luật pháp, dịch vụ xã hội… hàng năm, Hội đã tổ chức từ 2-3 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật người khuyết tật và các văn bản thi hành Luật, tổ chức các Hội nghị tập huấn, tư vấn chính sách… mỗi lớp thu hút từ 200 – 300 người khuyết tật, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Từ những kết quả đã đạt được, trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu vận động nguồn quỹ Hội đạt ít nhất 30 tỷ đồng trở lên; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 200-300 người trở lên; tặng 2.000 xe lăn, 500 xe đạp, 1.000 suất học bổng; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho 1.000 cán bộ, Hội viên, người khuyết tật.

BCH ra mat DH

Ban chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội khoá VII (nhiệm kỳ 2022-2027) ra mắt Đại hội

Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII, bầu ra Ban chấp hành Hội khoá VII gồm 23 uỷ viên, Ban thường vụ gồm 5 uỷ viên và Ban Kiểm tra gồm 3 uỷ viên. Ông Phan Tiến Bình tái cử chức Chủ tịch Hội. Nhân dịp này, thành Hội vinh dự đón nhận Bằng khen của Trung ương Hội, UBND thành phố Hà Nội đồng thời tặng Giấy khen cho 12 tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội nhiệm kỳ VI.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả mà cán bộ, hội viên Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Để hoạt động Hội tiếp tục đạt được kết quả, phù hợp với tình hình phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu của đối tượng, yêu cầu của Hội được Nhà nước giao nhiệm vụ, là cầu nối, địa chỉ tin cậy của các nhà tài trợ, chỗ dựa tinh thần của người khuyết tật, trẻ mồ côi, người kém may mắn trong xã hội, Chủ tịch Trung ương Hội đề nghị Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội khoá mới cần tập trung: Đổi mới phương thức hoạt động (bao gồm cả phương thức vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng). Hội cần tích cực vận động nguồn lực để tương xứng với một tổ chức Hội của Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Từ đó làm tốt vai trò kết nối, vai trò trung gian giữa nhà tài trợ, mạnh thường quân với đối tượng cần trợ giúp; Cần phối hợp chặt chẽ với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội người khuyết tật, Hội người cao tuổi và các tổ chức có liên quan để nắm chắc tình hình, tình trạng khuyết tật, hoàn cảnh sống, nhu cầu cần trợ giúp để chia sẻ thông tin phục vụ công tác vận động nguồn lực cũng như trợ giúp đối tượng; Cần thực hiện nguyên tắc kêu gọi vận động tài trợ có đối tượng, hoàn cảnh, địa chỉ cụ thể, không kêu gọi chung chung, kết nối và phối hợp với các Hội có nhiệm vụ tương đồng để lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn trợ giúp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cũng như người khuyết tật; Cần chuyển phương thức trợ giúp mang tính xã hội từ thiện là chủ yếu sang trợ giúp trên cơ sở đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ em là chủ yếu. Đối với người khuyết tật còn khả năng lao động cần hỗ trợ họ học nghề, tạo việc làm, tạo cơ hội để họ tiếp cận chính sách, nguồn lực, hỗ trợ quá trình sinh kế. Đối với trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần chuyển mạnh sang vận động nhận đỡ đầu trợ giúp hàng tháng, dài hạn cho đến khi các em trưởng thành; Bên cạnh đó, Hội cần tham gia tích cực, chủ động với chính quyền địa phương cơ sở, nắm chắc số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, có sự phân công theo dõi, nắm thông tin để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, giúp các em vượt qua sang chấn tâm lý, hỗ trợ các em trong học tập; Quan tâm củng cố phát triển tổ chức Hội, hội viên cấp xã phường. Kết nối, phối hợp với các Hội có tổ chức Hội ở cấp xã (như Hội người cao tuổi..) để có chân rết triển khai các hoạt động vận động, trợ giúp đối tượng; Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động của cán bộ hội viên.

Bang khen cua Trung ương Hoi

Ông Nguyễn Trọng Đàm -Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trao tặng Bằng khen của Hội cho thành Hội Hà Nội

Thay mặt Ban chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội nhiệm kỳ VII, ông Phan Tiến Bình – Chủ tịch Hội hứa sẽ tiếp thu ý chỉ đạo của Chủ tịch Trung ương Hội, từng bước thay đổi phương thức hoạt động của Hội cho phù hợp với xu thế phát triển của thành phố nói riêng, trên cả nước nói chung.

Hoàng Dung

Tin liên quan