Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam được phân công trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

 IMG_5398

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.

Chương trình có 12 hoạt động chủ yếu gồm: Trợ giúp y tế; trợ giúp giáo dục; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng, chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động thể thao và du lịch; trợ giúp phụ nữ khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc , hỗ trợ người khuyết tật và giám sát, đánh giá.

Trong giai đoạn 2026-2030, Chương trình phấn đấu hằng năm khoảng 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 70.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

IMG_5400

300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 100% người khuyết tật có nhu cầu và điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 60%. Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/3 tỷ lệ chung cả nước.

Chương trình phấn đấu 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 100% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng.

100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau. 80% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật.

Tin liên quan