Nhà vật lý lý thuyết vĩ đại Stephen Hawking vừa chấm dứt hành trình “chinh phục vũ trụ” của mình trong nỗi tiếc nhớ của nhân loại. Nhưng điều gì đã giúp một người khuyết tật trở thành nhà khoa học thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới? Tài năng chỉ là điều kiện cần. Môi trường mới là điều kiện đủ.

Lối tôi đi làm về thường có một sân khấu nhỏ, do nhóm nhạc của những bạn trẻ khuyết tật dựng lên. Có những hôm gió rét như hắt xô nước đá vào mặt, vẫn thấy những bạn trẻ đứng bên đường ca vang. Thường là những giai điệu buồn. Có khi não ruột. Thường không có khán giả nào cả. Những bạn trẻ vẫn kiên trì, nhẫn nại hát, hoặc độc tấu sáo trúc. Thi thoảng có một người qua đường dừng lại cho mấy đồng tiền lẻ vào hòm từ tiện được đặt ngay bên vỉa hè.

Không có khán giả cũng là dễ hiểu. Khó có thể khen các bạn hát hay. Người qua đường “tặng quà”, hoàn toàn không phải vì giọng hát. Mà tặng quà cũng vội vàng. Dừng lại lâu sẽ ảnh hưởng đến giao thông.

Tôi tin rằng, những bạn trẻ khuyết tật ấy không phải không có khả năng. Nhưng khả năng của các bạn ấy có thể không nằm ở lĩnh vực âm nhạc. Cũng có thể, khả năng âm nhạc không được khai thác, phát triển như nó vốn có. Để rồi, mỗi lần đi ngang qua, tôi lại thấy nặng lòng...

Mỗi khi nhắc đến người khuyết tật, người Việt Nam thường nói đến nhà vật lý người Anh Stephen Hawking và anh chàng “không chân, không tay” Nick Vujicic, người Australia. Cả Stephen Hawking và Nick Vujicic đều được xem là tấm gương về nghị lực vươn lên phi thường. Stenphen Hawking từng bị chẩn đoán chỉ sống được vài năm khi mới 21 tuổi vì một chứng bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ. Rốt cục, người đàn ông ấy đã sống thêm 55 năm. Trên chiếc xe lăn và giao tiếp thông qua hệ thống máy hỗ trợ, ông đã có những đóng góp làm thay đổi góc nhìn về vũ trụ học, “hố đen”, nhất là phát hiện về sự hình thành vũ trụ, sự giãn nở của vũ trụ... Nói cách khác, trên chiếc xe lăn, ông đã tìm ra “chìa khóa” để con người khám phá vũ trụ.

Nick Vujicic còn nổi tiếng hơn với người Việt. Anh từng sang Việt Nam và có những bài diễn thuyết làm lay động lòng người.

Nhưng những con người như Stephen Hawking hay Nick Vujicic khó có thể thành công dựa vào tài năng, nghị lực, mà còn cần đến môi trường nhân văn, nơi họ được trao cơ hội để tồn tại và phát triển, một môi trường không có sự kỳ thị.

Việt Nam cũng có những câu chuyện về người khuyết tật vượt lên số phận. Nhưng con số không nhiều. Tôi biết, có những ông bố, bà mẹ vẫn “giấu” những đứa con khuyết tật thể chất, hoặc trí tuệ của mình ở nhà, không cho tiếp xúc xã hội vì sợ điều tiếng. Tôi cũng biết, có những đứa trẻ tự kỷ, dù không nặng, phải chật vật chuyển trường đến mấy lần. Không chỉ bạn bè, mà ngay cả thầy cô cũng không sẵn lòng dạy, vì sợ ảnh hưởng thành tích của lớp, của trường.

Cuộc đời này có biết bao nhiêu người thành công, thậm chí trở thành thiên tài, dù cơ thể không hoàn hảo. Itzhak Perlman là nghệ sĩ vĩ cầm Israel nổi tiếng nhất thời đại, dù ông bị liệt từ năm bốn tuổi. David Paterson trở thành Thống đốc bang New York, dù ông bị mù bẩm sinh. Stevie Wonder làm lay động thế giới bằng tài năng âm nhạc của mình, mặc cho ông là người khiếm thị...

Những nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ một bộ phận người khuyết tật cam chịu số phận. Phần lớn, họ luôn “sợ” mình là người bỏ đi, “sợ” mình kém đồng loại và phản ứng bằng cách cố gắng vươn lên. Nhưng liệu chúng ta đã trao cho họ những cơ hội để có thể khám phá, phát triển khả năng của mình, thay vì để họ “hành hạ” người đi đường như ban nhạc khuyết tật nọ, thay vì buộc họ phải bán những sản phẩm dán hai chữ “tình thương”?

Ở Việt Nam, có một doanh nghiệp xã hội nhỏ - Công ty Kym Việt, chuyên sản xuất thú nhồi bông. Từ người sáng lập đến thành viên đều là người khuyết tật. Khi đi chào hàng sản phẩm, người sáng lập - anh Phạm Việt Hoài đã nhiều lần bị hỏi: “Các anh cần xin bao nhiêu tiền?”. Định kiến về người khuyết tật vẫn còn nặng nề. Ít người dành cho họ niềm tin. Kym Việt đã thành công bằng chất lượng và còn xuất khẩu. Đó là một trong nhiều bằng chứng cho thấy, nếu có cơ hội, người khuyết tật hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh bình đẳng với người lành.

Bản thân người viết bài này cũng là người khuyết tật - khuyết tật về ngôn ngữ. Tôi là người gặp khó khăn trong giao tiếp, tiếng nói khàn, hơi khó nghe. Đi các cuộc họp, ra vườn hoa, đến quán cà-phê, tôi luôn gặp ánh mắt tò mò của người chung quanh, đôi khi là kỳ thị mỗi khi mình phát âm.

Nhưng áp lực nặng nề nhất là khi phải trao đổi công việc qua điện thoại với một số cán bộ. Nhiều lần bị nghe tiếng gắt gỏng, bị dập máy không thương tiếc. Chỉ biết động viên mình, dù thế nào cũng cố hoàn thành nhiệm vụ.

Và hơn một lần, tôi lại thấy người từng gắt gỏng từ chối cuộc gọi của mình xuất hiện trong chương trình trao quà cho người khuyết tật...

Theo nhandan.com.vn

Tin liên quan