Vai trò của giáo dục đối với đời sống của người khuyết tật – chia sẻ góc nhìn của người trong cuộc

2019-01-18 08:39:24

1. Giáo dục trang bị kiến thức và kỹ năng cho tương lai bền vững

Người khuyết tật nếu được sinh ra trong gia đình trí thức hoặc có cơ hội sớm tiếp cận với nền giáo dục sẽ ít mặc cảm hơn vì họ được trang bị những kiến thức cơ bản về sự khuyết tật của họ hơn, họ biết cách đối diện với “sự thật” và học cách vượt qua.


Ảnh minh họa - nguồn Internet

Giáo dục ở đây không nhất thiết phải là giáo dục chuyên nghiệp, mà giáo dục phải được tiến hành như thế nào để phù hợp với mọi dạng tật và giúp họ tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hiệu quả nhất. Điều quan trọng là không phải học theo cách nào mà là học được cái gì và áp dụng vào thực tiễn ra sao, vì giáo dục  không chỉ là mở rộng cơ hội trong cuộc sống mà còn đem đến sự tự tin cho người khuyết tật. Theo cách tiếp cận này, giáo dục được xem như một cơ hội để người học được tham gia vào quá trình phát triển bản thân bằng các thể thức học tập thường xuyên và linh hoạt. Giáo dục không chỉ nhằm mục đích đào tạo cho người khuyết tật những công việc cụ thể mà còn trang bị cho họ những kỹ năng thích ứng với nhiều loại nghề nghiệp khác nhau và những kỹ năng mềm khác để họ có thể đối diện với thử thách của cuộc sống và biết cách đối nhân xử thế trong mọi môi trường. Thực tế ở Việt Nam cho thấy không phải người khuyết tật nào cũng được tiếp cận với nền giáo dục ngày từ nhỏ trong một môi trường chuyên nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ không trễ nếu họ biết vận dụng cơ hội học tập ở những người lân cận và bất kì thời gian nào.

Ngày nay giáo dục không còn là thứ xa hoa mà là điều kiện cơ bản để có việc làm và tương lai tốt hơn. “Theo một khảo cứu của chính phủ Mỹ, người tốt nghiệp trung học kiếm được thu nhập ít hơn 48% so với người tốt nghiệp đại học và có thể bị thất nghiệp nhiều gấp ba lần. Tuy nhiên không phải mọi bằng cấp đại học là như nhau bởi vì một số lĩnh vực học tập không còn được cần và một số có thể không có tương lai việc làm. Đó là lí do tại sao nhiều người khuyết tật tốt nghiệp đại học gặp khó khăn trong tìm việc làm bởi vì họ không được trang bị đủ kỹ năng cần thiết trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh ngày nay”[1]. Việc làm không chỉ quan trọng cho người không khuyết tật mà là cả người khuyết tật vì hai phần ba trong cuộc đời của một con người luôn gắn liền với  đời sống công sở. Tuy nhiên, đối với người khuyết tật thì việc làm có ý nghĩa hơn nhiều vì nó không chỉ đem đến thu nhập mà còn đem đến niềm hạnh phúc khó tả. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được làm việc, được cơ hội giao tiếp với mọi người, được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, trao đổi và học tập kỹ năng,…tự hoàn thiện bản thân. Thứ nhất,  khi có việc làm, người khuyết tật sẽ độc lập về kinh tế, không còn cảm thấy mình là người “ăn bám” gia đình, họ sẽ cảm thấy tự tin khi họ chính là người ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của họ. Thêm vào đó, sau khi đã có đủ mọi điều kiện cơ bản về “ăn no, mặc ấm”, người khuyết tật sẽ nghĩ tới một mái ấm gia đình, nghĩ tới những đứa con ngoan trong tương lai và đó cũng chính là tế bào của xã hội được xây dựng trên nền tảng vững vàng. Thứ hai, khi có việc làm, người khuyết tật sẽ hạn chế những suy nghĩ tiêu cực về sự khuyết tật, họ sẽ không còn thời gian để dành cho những ngày tháng buồn bã và vô nghĩa mà  thay vào đó là thời gian phấn đấu cho sự nghiệp của họ. Thứ ba, khi có việc làm, người khuyết tật sẽ được cộng đồng công nhận khả năng làm việc và kỹ năng chuyên nghiệp họ, chứ không nhìn vào sự khuyết tật của họ.

2. Giáo dục là cội nguồn của sự phát triển kinh tế xã hội

Hiện nay, số lượng người khuyết tật Việt Nam trên 5 tuổi trở lên chiếm trên 15,5% [2] tổng dân số, đây là một con số không nhỏ cho gánh nặng của nguồn ngân sách quốc gia trong vấn đề an sinh xã hội, vì thế nếu người khuyết tật được trang bị bằng những tri thức hiện đại sẽ là động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục là nền tảng cho việc trang bị có việc làm ổn định trong tương lại, mà việc làm lại  là cách để người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng nhanh và tốt nhất. Tuy nhiên, để có một nền giáo dục tốt, một việc làm tốt cần phải có sự chung tay của nhiều bên, nhưng quan trọng nhất cũng chính là quyết định của chính NKT, họ có muốn đóng góp vào nền kinh tế quốc gia hay không, khi mà ngày nay trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia. Các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Đối với các nước đang phát triển như nước ta nếu muốn phát triển nhanh thì phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển nền kinh tế.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Người Khuyết Tật Việt Nam có hiệu lực từ 01/01/2011, Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức của người khuyết tật đã có những hoạt động tích cực trong mọi lĩnh vực đời sống của người khuyết tật, trong đó giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu vì những lợi ích mà nó đem đến, đó chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và lâu dài. Trong đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 của chính phủ có một mục tiêu rất đáng ghi nhận vì thể hiện vai trò của giáo dục: “Đến 2020, có 70% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục có chất lượng”.[3] Điều này chứng minh rằng ở Việt Nam, công tác giáo dục cho người khuyết tật được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường số lượng người khuyết tật được tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người khuyết tật, hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy xây dựng một xã hội không rào cản vì quyền lợi người khuyết tật.

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Hồng Nhung

Phó Chủ Tịch Hội Người Khuyết Tật, thành phố Cần Thơ

Đường D6, khu TĐC phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

Điện thoại: 0939 062787

Email: huynhngochongnhung@gmail.com
----------------------


Tin liên quan