Chính sách mua nhà ở xã hội là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta thể hiện sự quan tâm đến những người có thu nhập thấ, để từ đó giúp cho họ biến được ước mơ có nhà ở trở thành hiện thực. Đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay, khi bất động sản, nhà ở có giá rất cao không phải ai cũng có điều kiện để mua được. Vì vậy sự ra đời của chế định pháp luật về nhà ở xã hội là một bước tiến bộ giúp an sinh xã hội, hướng tới người yếu thế và nhân văn. Khoản 7, Điều 3, Luật nhà ở năm 2014 quy đinh: “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này”.

Đối với người bình thường không bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần thì họ có nhiều cơ hội để lao động, học tập, vươn lên trong cuộc sống, cơ hội thoát nghèo, cải thiện cuộc sống về mặt khách quan mà nói là nhiều hơn. Nhưng đối với người khuyết tật vốn đã có nhiều hạn chế trong sinh hoạt, thiết lập các mối quan hệ, cải thiện đời sống của bản thân thì vấn đề mua nhà ở lại là một vấn đề không hề đơn giản. Chính vì vậy họ luôn là những người thiệt thòi hơn so với người bình thường. Nhiều người khuyết tật nhẹ còn có khả năng tự tìm kiếm công việc làm để cải thiện bản thân, nhưng đời sống rất khó khăn chật vật. Còn đa số họ cũng phải sống nhờ vào sự quan tâm, chăm sóc của người thân hoặc sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Vì vậy nếu nói về việc mua nhà ở xã hội cũng là một ước mơ của nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhưng không phải là dễ dàng tiếp cận.

Luật nhà ở năm 2014 những đối tượng được mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 49 có 9 đối tượng được mua nhà ở xã hội, nếu đáp ứng được các điều kiện đủ, cụ thể:

“1 - Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

2 - Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

3 - Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

4 - Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

5 - Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

6 - Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

7 - Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

8 - Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định.

9 - Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở”.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

Chiểu theo các quy định trên của Luật nhà ở và chính sách nhà ở xã hội hiện nay thì vẫn còn một khoảng trống, bỏ sót đối tượng là người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì vẫn chưa phải là đối tượng được ưu tiên. Đây là một thiệt thòi cho người khuyết tật cần thiết phải tháo gỡ trong luật để giúp cho những người yếu thế trong xã hội như là người khuyết tật sớm biến giấc mơ có được căn nhà trở thành hiện thực. Để chính sách an sinh được sớm đến gần hơn, thiết thực hơn với người khuyết tật, không ai bị bỏ lại ở phía sau. Chính vì vậy cần phải nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội theo hướng mở rộng đối tượng được ưu tiên mua nhà đối với người khuyết tật./.

Theo donghanhviet.vn

Tin liên quan