Đây là Hội thảo do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức sáng 3/11 tại Hà Nội.

TS.Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam và TS. Nguyễn Lê Minh, chuyên gia cao cấp về lao động - việc làm chủ trì Hội thảo. Hội thảo cũng thu hút đông đảo các nhà khoa học học, giảng viên các trường đại học và hơn 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự.
“Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các cơ quan truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi, nhất là tạo việc làm, trợ giúp người cao tuổi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đánh giá khái quát về chính sách, pháp luật trong tạo sinh kế và khởi nghiệp của người cao tuổi; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm; khuyến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp phát huy và tạo sinh kế phù hợp cho người cao tuổi.
Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia có thể chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin cho các nhà báo về các vấn đề bức thiết trong quá trình già hóa dân số hiện nay cũng như các biện pháp ứng phó hiệu quả, nhất là trong việc tạo sinh kế, khởi nghiệp và việc làm đối với người cao tuổi.
TS.Trần Ngọc Diễn phát biểu khai mạc Hội thảo
Người cao tuổi mong muốn được tiếp tục làm việc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Trần Ngọc Diễn cho biết, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, chiếm  khoảng 12,7%  dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7% năm 2019 với  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).
Thực tể có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vẫn muốn được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cấn quan tâm tạo có chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thì vấ đề rất quan trọng là cần tạo điều kiện cho người cao tuổi lao động trong khả năng, để vừa tạo ra thu nhập cho bản thân, vừa góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Vì vậy, khi bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi là rất cần thiết.
Toàn cảnh Hội thảo
Trình bày tham luận “Sinh kế đối với người cao tuổi – Nhìn từ góc độc chính sách và thực tiễn”, TS. Nguyễn Hải Hữu cho biết: Luật Người cao tuổi quy định Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động… Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 cũng có hợp phần quan trọng về phát huy vai trò người cao tuổi, trong đó có mục tiêu: 50% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất.
Kết quả nghiên cứu vào tháng 6-8 năm 2020 tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn hàng vạn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
TS.Nguyễn Hải Hữu trình bày tại Hội thảo
TS. Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh: “Để chủ động thích ứng với tuổi gia, nhà nước cần có chính sách tích lũy bắt buộc ngay từ khi còn trẻ để bảo đảm cho tuổi già và chính sách hỗ trợ tham gia hoạt động sinh kế khi trở thành NCT nhưng còn điều kiện về sức khỏe để bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập phòng ngừa nguy cơ bị bỏ mặc ngược đãi, bạo lực”.
Ông cũng khuyến nghị, chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đồng bằng và thành thị, các chính sách cụ thể bao gồm: Chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; Chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông- khuyên lâm- khuyến ngư để nâng cao nhận thức- kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; Chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, và khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất- kinh doanh; Chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩn thông qua việc quảng bá, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩn xanh – sạch - an toàn; Chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại; Chính sách ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
“Chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp NCT tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu và bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cũng như các quyền khác của NCT. Do vậy nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi” – TS. Nguyễn Hải Hữu chia sẻ thêm.
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Trường Đại học KHXH và Nhân văn chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc làm cho người cao tuổi
Tại Hội thảo, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cũng thông tin về những chính sách, pháp luật về sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi. Trong đó phải kể đến các quyền được quy định trong Luật Người cao tuổi như: Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội; các quyền khác theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định các hành vi bị cấm, trong đó: “Ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật”.
Luật cũng quy định Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khoẻ của người cao tuổi. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được học tập, nghiên cứu và tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch.
Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà người cao tuổi quan tâm; Tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến...
Trình bày tham luận “Người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Lê Minh khẳng định, ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với NCT ở nông thôn, nhiều NCT ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Hiện cả nước có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi.
TS.Nguyễn Lê Minh
Nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp NCT đã được Luật hóa cụ thể trong luật NCT, đã thành lập Quỹ chăm sóc NCT, ban hành và thực hiện các mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho NCT có trọng tâm với NCT thuộc hộ nghèo hoặc không có người nuôi dưỡng, các chính sách ưu đãi NCT khi tham gia các phương tiện giao thông hoặc tham quan, du lịch… Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung còn giao cho Cục bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề “Khởi nghiệp cho người cao tuổi”.
“Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Thực vậy, lâu nay khi nói đến khởi nghiệp thường nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thật ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này họ đều rất quan tâm đến NCT. Bởi vì họ đã nhận thức rất rõ đây là một nguồn lực quý báu của quốc gia. NCT có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hộ trong xã hội. Đặc biệt với đội ngũ trí thức là NCT, với trình độ học vấn và chuyên mộn đã tích lũy nhiều năm, họ vẫn muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Họ tiếp tục suy nghĩ theo lời khẳng định của nhà khoa học người Pháp René Descartes: “Tôi tư duy, tôi tồn tại”. Sẽ là một thiếu sót – nếu không nói là một thiệt thòi và lãng phí rất lớn – nếu chúng ta để NCT đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia” – TS Nguyễn Lê Minh nói.
Thách thức và kiến nghị trong tạo sinh kế đối với NCT
ThS. Trương Thị Ly – Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công đoàn cho biết, việc đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng vẫn còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu hướng tới đảm bảo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay. Rào cản những quan niệm về việc làm với người cao tuổi, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng nhanh, trình độ người cao tuổi có nhiều hạn chế, sự suy giảm về sức khỏe và gia tăng bệnh tật, già hóa người cao tuổi, nữ hóa dân số cao tuổi và chính sách việc làm với người cao tuổi… làm cho nhiều người cao tuổi không được tiếp cận được với các chương trình đảm bảo sinh kế có chất lượng.
Đảm bảo sinh kế cho người cao tuổi đang là một vấn đề xã hội dành được nhiều sự quan tâm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hướng tiếp cận sinh kế bền vững là một cách để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đang được nhiều quốc gia và tổ chức áp dụng. Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang có những nỗ lực trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân, đảm bảo thực hiện phát triển kinh tế xã hội, thì công tác tạo sinh kế, nâng cao thu nhập đối với người cao tuổi hiện nay là một vấn đề cấp bách cần được chú ý và quan tâm. Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững đối với người cao tuổi góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và chất lượng sống cho người cao tuổi hiện nay.
Theo ThS. Trương Thị Ly, trước những thách thức về già hóa dân số, một số nước trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi để hỗ trợ cho người cao tuổi tìm việc, hỗ trợ cho chủ lao động là người cao tuổi. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người cao tuổi.
Tại Việt Nam, tuy Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm đảm bảo chất lượng sống của người cao tuổi nhưng một trong những vấn đề chính mà người cao tuổi Việt Nam đang gặp phải là an ninh tài chính. Năm 2016, có 5,72%  người cao tuổi sống ở mức nghèo đói nghiêm trọng tức là dưới một nửa thu nhập chuẩn nghèo và 35,91% người cao tuổi sống ở mức nghèo. Chính vì thế, có những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống.
ThS. Trương Thị Ly cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người cao tuổi hiện nay như: Cần phải thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm. Đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi. Tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh.
Cung cấp cơ hội đào tạo lại cho người cao tuổi để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới, giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới. Thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cả nam và nữ. Thực hiện vận động xã hội ủng hộ việc chống kỳ thị dựa vào tuổi trong việc làm và ban hành quy định pháp lý cụ thể để chống lại sự phân biệt theo tuổi. Phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, đảm bảo cho người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ, bảo vệ sức khỏe từ đó tạo nền tảng vững chắc để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
TS.Trần Ngọc Diễn cũng chia sẻ: Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.
TS.Trần Ngọc Diễn chia sẻ tại Hội thảo
Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng, trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Đa số NCT có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi.
Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Từ đó, để đẩy mạnh truyền thông về sinh kế đối với người cao tuổi, TS.Trần Ngọc Diễn kiến nghị: Cục Bảo trợ Xã hội các đối tác có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với NCT trong bối cảnh già hóa dân số.
Các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền. Đối tượng truyền thông cần đa dạng, từ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đến chính những người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy vai trò và lợi thế của người cao tuổi, qua đó tăng cơ hội việc làm cho người cao tuổi theo nhu cầu thị trường lao động...
Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.
Ngoài ra, cần chú trọng tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản, nhất là đội ngũ bình luận và phân tích chuyên sâu về NCT để có thể nâng cao chất lượng các tác phẩm truyên truyền về lĩnh vực NCT Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về nghề NCT trong bối cảnh thích ứng với già hóa dân số. Chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác.
TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội
TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Chính phủ cũng như các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo NCT cần phải tiếp tục lao động trong bối cảnh già hóa dân số. Điều này cần được nghiên cứu kỹ các yếu tố về đặc trưng của NCT như nữ hóa, sức khỏe... Cùng với những rào cản khác như về trình độ chuyên môn, tính năng động... Thống kê cho thấy NCT mong muốn được làm việc (80-90% NCT trong độ tuổi từ 60-70).
Theo TS.Nguyễn Ngọc Toản, pháp luật hiện nay thừa nhận quyền làm việc của NCT, tuy nhiên, để NCT được tham gia thị trường lao động, cần tính đến các yếu tố về văn hóa, xã hội. Thực tiễn đã cho thấy việc tạo việc làm cho NCT đã rất thành công ở nhiều nơi.
Để vấn đề này được đẩy mạnh và thành công, theo TS.Nguyễn Ngọc Toản, cần có hệ thống chính sách trợ giúp NCT, hướng tới hỗ trợ trực tiếp, cung cấp việc làm cho NCT. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về việc làm cho NCT; rà soát, nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội đối với NCT; hỗ trợ chính sách như vay vốn, đào tạo, kỹ năng mềm; hỗ trợ NCT tìm kiếm việc làm; cũng như hoàn thiện pháp luật có liên quan./.
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan