Những đối tượng yếu thế trong xã hội như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, người lang thang xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa… đều là đối tượng cần được trợ giúp khẩn cấp của xã hội. Để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội cần phát triển những những người làm công tác xã hội (CTXH) vì đây là lực lượng tích cực, tham gia trợ giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

    Trước tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng, dân số già hóa nhanh, khí hậu diễn biến thất thường…, CTXH là nghề có ý nghĩa nhân văn cần được quan tâm để mở rộng, phát triển.

    Nghề công tác xã hội

    CTXH là một nghề mới ở Việt Nam, nhiều người còn lạ lẫm với tên gọi của nghề này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, CTXH đã được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội. Chính nghề CTXH đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế.

    Để CTXH trở thành cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội…

    Thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin phản ánh có người cần giúp đỡ là hầu hết các nhân viên, cộng tác viên CTXH cơ sở lập tức lên đường, đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng cần trợ giúp.

    Giúp người yếu thế hòa nhập cộng đồng cần phát triển nghề công tác xã hội

     

    Chị Lê Thị Thúy Loan, nhân viên CTXH (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) đã gắn bó với nghề này khoảng 3 năm nay. Chị đang chăm lo, trực tiếp hướng dẫn các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn xã. “Tôi đến với công việc này là vì tình thương với những người có hoàn cảnh đặc biệt và còn nhiều khó khăn. Hầu hết họ là người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa có cuộc sống rất khó khăn. Hàng ngày, tôi chạy xe máy đến nhà người này, nhà người khác để nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe... Nếu có gì bất thường, khó khăn tôi báo cáo lên xã, huyện để có hướng hỗ trợ kịp thời”, chị Loan chia sẻ.

    Bản chất của nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân; nhân viên CTXH là người phục vụ chứ không phải là người chủ. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, cần được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm. Ví dụ, trường hợp một người có tổn thương tâm lý và có ý định tự tử, nhân viên CTXH cần tìm hiểu nguyên nhân, mức độ tổn thương của người đó và giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng bằng cách tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để ổn định lại và không có hành vi làm tổn hại đến bản thân.

    Ông Dương Quang Ty, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) bị tai nạn lao động vào năm 2012, khiến ông bị liệt toàn thân. Dù đã chữa trị nhưng ông Ty vẫn chưa thể đi lại được. Từ khi tham gia vào chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và được nhân viên CTXH Lê Thị Dung Thoa hướng dẫn phục hồi, vận động tại nhà, đến nay ông đã nói được. Ông Ty chia sẻ: “Từ ngày có nhân viên CTXH đến nhà hướng dẫn tập luyện, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, ăn và ngủ được. Tôi đang tập dần những động tác tay, chân, hy vọng trong thời gian tới tôi có thể đi lại được”.

    Theo Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh có đời sống vật chất, tinh thần tương đối đầy đủ. Điều đó cho thấy sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ là giải pháp hữu hiệu bảo đảm quyền lợi cho nhóm người yếu thế, góp phần giảm thiểu những rào cản và bất bình đẳng trong xã hội.

    Cần mở rộng, phát triển

    Hiện toàn tỉnh có hơn 90.000 người cao tuổi. Tương lai không xa, một bộ phận không nhỏ người cao tuổi sẽ cần đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội. Hơn nữa, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng, khí hậu diễn biến thất thường… sẽ kéo theo số người cần nhận sự trợ giúp xã hội tăng lên. Trong khi đó, hiện nay nhân viên CTXH tại các xã, phường, thị trấn còn ít, khiến việc triển khai các giải pháp trợ giúp đến đối tượng gặp nhiều khó khăn. Một số vụ việc xảy ra với nhóm người yếu thế chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

    Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc điều hành Sở LĐ-TB-XH, cho biết hiện vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn CTXH với hoạt động từ thiện - xã hội, xem CTXH là công tác từ thiện. Thực chất CTXH là một nghề chuyên nghiệp được công nhận, đào tạo bài bản ở các trường đại học với ngành nghề cụ thể. Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) để họ tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền, nhân dân chưa hiểu rõ về CTXH, cũng như chưa rõ về vai trò, ý nghĩa của CTXH, nghĩ rằng là làm từ thiện, vận động, hỗ trợ khó khăn… Từ thực tế đó, các ngành, địa phương cần quan tâm phát triển dịch vụ CTXH đến cấp cơ sở; đầu tư nguồn lực vật chất, con người cho nghề đặc thù này. “Trên thực tế, địa phương nào cung cấp dịch vụ CTXH đến cơ sở thì người dân nơi đó được quan tâm, chăm sóc toàn diện hơn”, ông Binh khẳng định. 

    Tôi đến với công việc này là vì tình thương với những người có hoàn cảnh đặc biệt và còn nhiều khó khăn. Hầu hết họ là người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa có cuộc sống rất khó khăn. Hằng ngày, tôi chạy xe máy đến nhà người này, người khác để nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe... Nếu có gì bất thường, khó khăn tôi báo cáo lên xã, huyện để có hướng hỗ trợ kịp thời.

    Chị Lê Thị Thúy Loan, nhân viên CTXH (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân)

    Tin liên quan