Dù là làm việc tự nguyện, không lương hay là kế sinh nhai thì đối với nhiều người khuyết tật, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nguồn sống cho hiện tại và tương lai của cả cộng đồng. Vì vậy, họ đã dành tâm sức, tinh thần sống xanh của mình âm thầm, lặng lẽ nhặt từng chiếc túi ni lông, vỏ lon, gom từng bao rác thải để những người xung quanh được hít thở nguồn khí sạch, môi trường trong lành.

Mỗi bao rác - một “bao động lực” cho cộng đồng

Thành lập từ tháng 5/2019, nhóm Hòa Nhập Xanh (Đà Nẵng) do anh Mai Huỳnh Quốc Thống khởi xướng với mong muốn tạo nên một nơi mà người khuyết tật không khoảng cách với người bình thường và cùng hành động vì một môi trường sống trong lành, sạch đẹp. Nhóm có 20 thành viên chính thức, 20 cộng tác viên. Các thành viên đều khó khăn trong vận động, đi lại... nhưng lại có điểm chung là sống tích cực, không muốn phụ thuộc người khác. Họ tự trang bị giày chuyên dụng, găng tay bảo hộ, dụng cụ gắp rác, túi sinh thái tự phân hủy... để phục vụ cho các hoạt động tình nguyện của mình.

Trong gần 1 năm qua, cứ mỗi 6h sáng chủ nhật hàng tuần, khi nhiều người vẫn còn đang say giấc thì các thành viên của nhóm đã có mặt tại bãi biển Nguyễn Tất Thành (đoạn qua quận Thanh Khê – Đà Nẵng). Sau khi trang bị giày và găng tay bảo hộ, từng tốp nhỏ với những chiếc kẹp sắt tỏa ra nhặt rác ở hàng trăm mét bờ biển. Rác sau khi nhặt được các bạn phân loại ngay tại chỗ. Chai, lon nào tái sử dụng được sẽ mang về tái sử dụng. Chai, lon cũ, móp méo sẽ bán gây quỹ, mua găng tay, mũ để mọi người sử dụng trong các buổi dọn rác. Theo anh Thống, "Nhóm mong làm thực tế, làm ở những điểm đen môi trường thực sự, chứ không phải làm phong trào. Hàng chục bao tải rác mỗi buổi đã chứng minh rằng những đôi tay dù yếu ớt, khi được chung sức cùng những đôi tay khỏe sẽ làm thành sức mạnh tạo nên một việc ý nghĩa cho xã hội".

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh, thành viên nhóm Hoà Nhập Xanh chia sẻ: “Mình còn đi được thì vẫn nhặt rác được. Mỗi bao rác mình nhặt được có thể truyền thêm nhiều "túi" động lực cho các bạn trẻ và chạm vào được một phần ý thức của người dân. Bởi những người khiếm khuyết còn có trách nhiệm với môi trường thì người bình thường càng phải có trách nhiệm cao hơn”.

Vượt ra ngoài ý nghĩa góp sức bảo vệ môi trường, cả anh Thống, chị Trinh và nhiều anh chị em khiếm khuyết đều khẳng định họ được tiếp thêm động lực rất nhiều từ các thành viên trẻ trong nhóm và thấy vui vì làm được điều có ích cho xã hội. Sau nhiều tháng bỏ công sức hành động, nhóm đã nhận thấy những đổi thay bước đầu. Rác ở các điểm đen vơi dần đi, nhưng cũng nhiều điểm vẫn có rác mới. Để thay đổi một nếp sống không là điều dễ dàng, họ hiểu hơn hết và là những người tiên phong vượt qua khó khăn, động viên nhau tiếp tục góp sức mình bảo vệ môi trường. “Thời gian tới, bên cạnh dọn rác, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường”, anh Thống cho hay.

Tự nguyện dọn rác để mang không khí trong lành cho người dân

Tại khu vực cảng biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mấy năm nay người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng khuyết tật lặng lẽ, âm thầm len lỏi trong từng ngõ ngách để thu gom rác vận chuyển về nơi tập kết. Công việc hàng ngày của ông Lê Văn Sơn (55 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bợ (49 tuổi) dù là kế sinh nhai nhưng luôn được người dân nơi đây trân quý bởi ý thức và sự tử tế với môi trường của ông bà.

Ông Sơn bị khuyết tật bẩm sinh, tay và chân trái tong teo, co quắp yếu ớt. Khi gần 40 tuổi, ông cưới được người con gái trong làng cũng đồng cảnh ngộ. Bà Bợ bị khuyết tật trí tuệ và cũng mang trong mình những căn bệnh cần phải có thuốc thang chạy chữa thường xuyên. Do sức khỏe yếu nên dù vẫn còn trong độ tuổi lao động, vợ chồng ông không thể xin được một công việc làm ổn định, dù là đi làm công nhân. Cách đây khoảng 2 năm, trước tình hình rác thải ngày càng báo động, xã Bình Thạnh vận động người dân tham gia mô hình thu gom rác thải tập trung. Thôn Hải Ninh là thôn tiên phong đi đầu nhờ sự tự nguyện của vợ chồng ông Sơn. Vợ chồng ông cho rằng đó là một sự may mắn của gia đình. “Tôi tự nguyện làm trước hết là để mang lại bầu không khí trong lành cho dân làng, vẻ đẹp vốn có cho vùng biển của quê hương. Hơn nữa đây cũng là công việc phù hợp với vợ chồng tôi. Có việc làm và được mọi người tin tưởng ủng hộ, đó là niềm vui, là hạnh phúc của chúng tôi", ông Sơn bộc bạch.

Việc dọn rác trở thành thói quen như nhiều người làm việc trong một ngày. Sáng sớm, cả hai thức dậy cùng chiếc xe kẽo cà, kẽo kịt kéo đi khắp các thôn, xóm trong thôn Hải Ninh để thu gom. Đi đến đâu, vừa thả xe xuống, cả hai chia nhau đến tận nhà dân mang rác ra bỏ vào thùng. Đoạn đường từ cảng cá Sa Cần đến bãi thu gom tầm vài cây số, hai vợ chồng ông đi mất cả tiếng đồng hồ do sức yếu, do rác nặng, có ngày phải đi về đến 4, 5 chuyến, có hôm đến tận đêm khuya. Nhưng hai con người ấy vẫn cần mẫn đi về. Ông Sơn bảo “Dù có đi đến đêm cũng vẫn phải thu gom, vì nếu không đi, người dân sẽ đổ rác sinh hoạt quanh khu vực biển. Về lâu dài rác thải ùn ứ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thời gian đầu, do ý thức người dân còn kém nên công việc vất vả. Nhưng dần dà thành thói quen, thấy mình nhiệt tình, người dân cũng ý thức hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Long, người trực tiếp quản lý bến cá ở thôn Hải Ninh chia sẻ: “Hai vợ chồng ông Sơn thu gom kỹ càng, cẩn thận lắm! Dẫu biết làm tới tháng cũng có vài triệu nhưng “thấm béo” vào đâu so với công sức, tinh thần tự nguyện mà họ bỏ ra”.

Đúng là vài triệu chả thấm vào đâu so với công sức, tinh thần làm việc hết mình vì cộng đồng của ông Sơn, bà Bợ hay tinh thần tự nguyện của nhóm Hoà Nhập Xanh và nhiều NKT khác. Nhưng cái được lớn hơn cả mà họ mang lại là ý thức của cộng đồng đối với môi trường. Những người chân yếu, tay mềm, sức khoẻ hạn chế mà còn tự giác, tự nguyện, đối xử tử tế với môi trường thì không lẽ nào những người khoẻ mạnh, bình thường lại không làm được. Nếu người người, nhà nhà đều ý thức được việc nguy hiểm của xả rác bừa bãi thì môi trường sẽ không còn bị xâm hại nữa.

Tin liên quan