Những ngày qua, nhiều người được trợ cấp xã hội thường xuyên ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) gọi đến đường dây nóng Tuổi Trẻ Online phản ảnh việc họ bị ngưng trả trợ cấp, khiến cuộc sống trong dịch bệnh đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.

Vì sao chậm trả tiền trợ cấp xã hội cho người già, người khuyết tật ở Nha Trang? - Ảnh 1.

Thông báo tại trụ sở UBND phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: NGUYỄN HÒA

"Sao lại hoãn việc giúp người già, người khuyết tật?"

Người dân ở phường Phương Sài cho biết đến UBND phường nhận tiền trợ cấp xã hội thường xuyên thì thấy phường treo bảng thông báo: "Do tình hình dịch bệnh nên công tác chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên tháng 7-2021 tạm hoãn đến khi có thông báo mới". 

"Người được trợ cấp xã hội thường xuyên trong lúc dịch càng khó khăn hơn (nhất là người già, người khuyết tật), càng cần được trợ giúp. Sao lại hoãn việc trợ giúp người già, người khuyết tật?", một người đi nhận trợ cấp thường xuyên phải quay về, bức xúc.

Trả lời việc này, ông Huỳnh Quang Tú, chủ tịch UBND phường Phương Sài, cho biết việc chi trả lương hưu, tiền trợ cấp BHXH, tiền trợ cấp xã hội hằng tháng lâu nay vẫn diễn ra bình thường nhưng vừa qua TP Nha Trang phải thực hiện giãn cách xã hội (theo chỉ thị 16), vì vậy phường thông báo theo đúng quy định của UBND TP Nha Trang đã triển khai.

Quy định đó nằm trong văn bản chỉ đạo áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, do ông Lưu Thành Nhân - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - ký ban hành, đã giao Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP Nha Trang "phối hợp chặt chẽ với các xã, phường thông báo tạm dừng việc chi trả trợ cấp xã hội để các đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng biết thực hiện, tránh tình trạng tập trung đông người tại UBND các xã, phường".

Vì sao chậm trả tiền trợ cấp xã hội cho người già, người khuyết tật ở Nha Trang? - Ảnh 2.

Người dân chờ để tiếp tế mì gói, đồ dùng cho thân nhân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế vì COVID-19 ở khu Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Bưu điện nói "làm được", Phòng Lao động nói "không"

Đại diện đơn vị thực hiện trả tiền trợ cấp xã hội, bà Ung Thị Vân - giám đốc Bưu điện Khánh Hòa - cho biết vào ngày 9-7, các đơn vị bưu điện đã mang tiền đến điểm chi trả tiền thường kỳ tại các xã, phường, nhưng đã phải tạm dừng chi trả để tránh tập trung đông người theo chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của UBND TP Nha Trang. 

Theo bà Vân, những người được nhận trợ cấp xã hội chủ yếu là người già, trẻ em, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng như đã kể trên, nên họ đều nhận trực tiếp trợ cấp xã hội hằng tháng bằng tiền mặt. 

Ngày 12-7, Bưu điện Khánh Hòa đã chỉ đạo Bưu điện TP Nha Trang làm việc với lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH TP Nha Trang để bàn và thống nhất phương thức chi trả tiền trợ cấp xã hội cho những trường hợp nhận bằng tiền mặt nhưng chưa được nhận.

Theo bà Vân, phía bưu điện đã đề xuất phương án là Phòng LĐ-TB&XH và các xã phường cung cấp danh sách, điều kiện liên lạc và nhân viên bưu điện sẽ gọi trực tiếp cho từng người để hẹn địa điểm, ngày giờ chi trả tiền trợ cấp cụ thể cho riêng từng người để đến nhận. 

Thế nhưng, Phòng LĐ-TB&XH TP Nha Trang không chấp nhận phương án này, vẫn đề nghị tiếp tục "tạm dừng việc chi trả trợ cấp xã hội" trong thời gian giãn cách, theo chỉ đạo của UBND TP Nha Trang.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Thành Sơn, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết đang chuẩn bị văn bản báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Khánh Hòa để đề xuất cho phép các đơn vị thuộc ngành LĐ-TB&XH tỉnh, lực lượng tình nguyện của các đoàn thể phối hợp với các đơn vị Bưu điện Khánh Hòa tiến hành chi trả tiền trợ cấp ngay trong khi giãn cách xã hội, kể cả trong các khu vực đang tạm phong tỏa, cách ly y tế.

Phần đông là trẻ em bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa...

Theo quy định của Chính phủ, tại nghị định 20/2021/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, mức trợ cấp xã hội mỗi tháng cho một người là bằng mức chuẩn (360.000 đồng/tháng) nhân với hệ số (từ 1-3, tùy theo diện đối tượng được trợ cấp).

Cũng theo nghị định kể trên, phần đông những người được trợ cấp xã hội ở thành phố gồm: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng nhưng bị bỏ rơi chưa có người nhận nuôi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo… hoặc người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi…

Những người được trợ cấp xã hội còn là người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người phụng dưỡng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng…

Theo tuoitre.vn

Tin liên quan