Không may mắn có cơ thể lành lặn, nhiều người khuyết tật vẫn từng ngày nỗ lực, vươn lên, khẳng định bản thân và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Anh Nguyễn Kim Cương (xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là một người như vậy.
15 tuổi, trận ốm thập tử, nhất sinh khiến cậu học trò Nguyễn Kim Cương bị khuyết tật vận động cả chân và tay. “Một buổi sáng thức dậy, tôi nhận ra mình không thể đứng được trên đôi chân của mình, không thể cầm nắm những gì tôi muốn. Tôi gần như sụp đổ” - Nguyễn Kim Cương chia sẻ. Nhưng tình yêu thương của gia đình giúp Cương vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần, tiếp tục đến trường, viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Cương rời quê hương, lên Hà Nội theo học nghề tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo. Sống và làm việc với những người cùng cảnh ngộ giúp chàng thanh niên Nguyễn Kim Cương tiếp thêm nghị lực cũng như từng bước nuôi dưỡng niềm đam mê với những chiếc xe ba bánh cho người khuyết tật.
Nghĩ là làm, anh Cương tìm đến những địa chỉ thiết chế, chế tạo xe ba bánh dành riêng cho người khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh để học hỏi, tìm tòi. Khoảng giữa năm 2009, sau nhiều tháng mày mò, chiếc xe ba bánh đầu tiên do anh tự thiết kế ra đời. “Từ ngày có xe ba bánh, thế giới của tôi rộng mở hơn, có thể đi bất cứ nơi đâu mà không phải phụ thuộc vào người khác. Ước mơ của tôi cũng “bay xa” hơn khi tôi mong muốn chế tạo những chiếc xe tương tự cho người cùng cảnh ngộ với mình” - anh Cương cho biết.
Từ đó đến nay, anh Cương chế tạo hàng trăm chiếc xe máy, xe điện 3 bánh dành cho người khuyết tật. Riêng trong năm 2018, anh Cương “xuất xưởng” gần 200 xe, chuyển tới tận tay người khuyết tật. Những chiếc xe này không chỉ đến với người khuyết tật trong thành phố Hải Phòng mà còn đến với những nơi xa xôi như Bình Dương, Cà Mau…
Hỏi về việc sản xuất đại trà xe ba bánh cho người khuyết tật, anh Cương cười lắc đầu. Bởi lẽ, anh cho biết, không có người khuyết tật nào giống nhau, bởi vậy, mỗi chiếc xe lại phải điều chỉnh để phù hợp với chủ nhân của nó. Mỗi khi nhận đơn đặt hàng, anh Cương đều cẩn thận tìm hiểu tâm lý, tình trạng sức khỏe, thói quen của khách hàng để thiết kế xe sao cho phù hợp nhất, người khuyết tật cảm thấy thoải mái, tự tin nhất khi sử dụng.
Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, những năm qua, anh Cương dạy nghề, tạo việc làm cho 12 lao động khuyết tật với thu nhập 4-7 triệu đồng/tháng. Một số học viên đến nay có thể tự mở được cửa hàng chế tạo, sửa chữa xe điện ba bánh với thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là có sức khỏe để tiếp tục với niềm đam mê, để những chiếc xe ba bánh của tôi đến với nhiều hơn những người khuyết tật trên cả nước, tiếp thêm cho họ sức mạnh để chiến đấu với mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng” - anh Cương nói.
Theo Laodong.vn