Cùng sinh năm Tân Dậu – 1981, người mất chân trái, người không còn ánh sáng của đôi mắt. Nhưng với nghị lực vượt lên hoàn cảnh, các anh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội, là những tấm gương sáng để cộng đồng học tập, noi theo.
Thành công nhờ sự táo bạo
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Văn Tân không may mắn như những bạn bè cùng lứa. Từ nhỏ anh mắc chứng u phì đại, cổ chân trái cứ ngày một to dần. Ban đầu bằng quả cam, rồi bằng quả bưởi, đi lại rất khó khăn. Bạn bè thấy anh như vậy thì xa lánh khiến cho Tân rất buồn phiền và lo âu.
Thương con, bố mẹ anh đã chạy vạy tiền bạc đưa anh đi khám và điều trị khắp nơi, từ bệnh viện huyện, tỉnh, đến Trung ương nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ báo rằng, phải chờ đến khi đủ điều kiện mới có thể làm phẫu thuật cắt bỏ chân. Trong thời gian “chờ” để loại bỏ cái chân mang tật, anh Tân vẫn nỗ lực học tập, tốt nghiệp Phổ thông trung học, đi học nghề sửa chữa xe máy và về mở xưởng sửa chữa xe máy tại nhà. Có nghề, có thu nhập và độc lập về kinh tế, anh lấy vợ và sinh con, vun vén cho hạnh phúc của gia đình nhỏ của mình. Đến năm 2011, sau nhiều lần thăm khám, anh Tân được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tư vấn nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ chân trái đến bẹn. Từ đó anh đi lại bằng nạng và chân giả.
Năm 2012, được sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Thanh Lĩnh, huyện Hội Thanh Chương, anh Tân được hỗ trợ 10 triệu đồng để phát triển sinh kế, mô hình chăn nuôi bò. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của anh em dòng họ anh xây dựng thêm chuồng trại và mua 3 con bò giống về chăn nuôi. Sau 5 năm (từ 2013 đến 2017) đàn bò của gia đình anh phát triển tốt, sinh được 12 bê con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Người vợ hiền luôn kề vai sát cánh cùng anh Tân phát triển kinh tế và nuôi dạy 2 con khôn lớn, trưởng thành
Phấn khởi với thành quả đó, lại được anh em bạn bè cổ vũ, động viên, anh Tân mạnh dạn xếp lại nghề sửa xe máy, vay mượn thêm để đầu tư mua 1 máy cày làm đất, 1 máy gặt liên hoàn trị giá 700 triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong xã và vùng lân cận. Sự táo bạo của chàng trai khuyết tật đã tạo việc làm cho 6 lao động, chủ yếu là anh em bạn bè. Để công việc đạt hiệu quả, anh phân công công việc cụ thể cho từng lao động, từ khâu hợp đồng dịch vụ, làm đất, thu hoạch… Với giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện của từng hộ dân, cộng thêm tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó của “ông chủ” khuyết tật, bà con nhân dân trong xã và vùng phụ cận rất tín nhiệm và sẵn sàng ký hợp đồng dịch vụ với anh Tân. Nhờ đó, anh có nguồn thu ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí và trả lương cho người lao động, anh thu lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng.
Đầu năm 2021, để đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm giúp đỡ của nhân dân trong xã và các vùng lân cận, anh Tân đầu tư thêm 1 máy làm đất loại mới, nâng tổng giá trị tài sản cố định lên 1,1 tỷ đồng. Ngôi nhà nhỏ của gia đình đã được xây dựng lại, khang trang, đẹp đẽ. Người vợ hiền luôn kề vai sát cánh cùng anh phát triển kinh tế và nuôi dạy 2 con khôn lớn, trưởng thành. Ghi nhận những nỗ lực của anh trong cuộc sống, phát triển kinh tế, năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An tặng anh Bằng khen, UBND huyện Thanh Chương tặng anh Giấy khen các năm 2018, 2020. Cũng trong năm 2020, anh được nhận Giấy khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Nghệ An và Hội Nông dân huyện Thanh Chương vì đã có nhiều nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2024, anh được lựa chọn là đại diện cho người khuyết tật Nghệ An dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI.
“Có được thành quả như ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã đã chắp cánh cho tôi, tạo thêm động lực để tôi vượt lên chính mình, tổ chức sản xuất dịch vụ có hiệu quả, đời sống ngày càng no đủ. Tôi xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và kỳ vọng của tổ chức Hội, trở thành người có ích cho xã hội” – anh Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
Mạnh mẽ hơn nhờ tổ chức Hội
Cùng sinh năm Tân Dậu, nhưng anh Phạm Huy Cảnh (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) thiệt thòi hơn nhiều khi bị mù 2 mắt từ khi 9 tháng tuổi do di chứng của bệnh Sởi và không được đi học. Việc mất đi ánh sáng khi còn quá nhỏ cũng khiến anh không có những hình dung về cuộc sống xung quanh, vạn vật, màu sắc. Nhưng nhờ tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, anh dần lớn lên và từng bước phát triển bản thân. 18 tuổi, anh học đàn Guitar, 21 tuổi học đàn Organ. Sau một thời gian tích luỹ kiến thức và rèn luyện, phát huy năng khiếu, 24 tuổi anh bắt đầu sử dụng tài năng của mình làm kế sinh nhai. Ban đầu, anh Cảnh biểu diễn đàn Organ tại quán nhạc sống thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Rồi anh nhận biểu diễn trong các bữa tiệc đám cưới, hội nghị tổ dân phố, nhà chùa, quán cà phê, câu lạc bộ… đồng thời tham gia sinh hoạt văn hoá văn nghệ tại đội văn nghệ tổ 5, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Anh Cảnh cùng cây đàn organ...
Năm 2014 Hội người mù tỉnh Yên Bái thành lập. Tham gia tổ chức Hội, anh Cảnh được cử đi học xóa mù chữ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người mù Việt Nam, anh cũng được học nghề Tẩm quất cổ truyền do Hội Người mù tỉnh Yên Bái tổ chức vào năm 2016. Phát huy tinh thần “tàn nhưng không phế” anh luôn chủ động đoàn kết, phối hợp với các thành viên hội viên Hội người mù tỉnh Yên Bái phát huy trí tuệ tập thể để cùng hoàn thành nhiệm vụ của Hội. Đối với các hội viên đồng cảnh, anh luôn nêu cao tinh thần chia sẻ, giúp đỡ nhau phấn đấu, khắc phục khó khăn, cùng nhau vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trải qua nhiều vất vả, khó khăn, thử thách, từng phải đi làm thuê tại cơ sở tẩm quất người mù trong và ngoài tỉnh, đến nay, anh Cảnh đã mở được cơ sở tẩm quất của riêng mình tại gia đình. Cùng với việc duy trì biểu diễn nhạc cụ, anh có thu nhập để trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào gia đình. Anh kết hôn với một người đồng cảnh vừa đón con gái đầu lòng.
.... và người vợ đồng cảnh
“Từ một người khuyết tật thị giác với trái tim nhiều tổn thương, nhờ có sự động viên và trợ giúp của các cán bộ Hội người mù tỉnh Yên Bái tôi đã trở nên mạnh mẽ, tích cực, sẵn sàng chia sẻ với mọi người cùng cảnh ngộ và với những người xung quanh. Trong suốt chặng đường phấn đấu học tập, rèn luyện năng khiếu của bản thân, tôi cũng đã truyền nghề đàn Organ cho 35 người có đam mê với âm nhạc, trong đó có 02 người có hoàn cảnh khó khăn được tôi miễn học phí. Đặc biệt, trong các học viên của tôi, có 1 người hiện đang là giảng viên của trường Cao đẳng Văn hóa và du lịch tỉnh Yên Bái – đó cũng coi như một thành tựu nho nhỏ của một người trẻ mang khiếm khuyết” – anh Phạm Huy Cảnh chia sẻ.
Phong Châu