Theo đó, với Android Accessibility (Hỗ trợ) mặc định trên cả điện thoại và máy tính bảng Android, người mù và người điếc vẫn có thể sử dụng và tương tác.
Vậy, các ứng dụng này hỗ trợ như thế nào cho để người khuyết tật có thể sử dụng thiết bị Android tốt hơn?
Với video, thông qua Accessibility trên Android 11, và thông qua câu chuyện của Paul, chúng ta có thể hình dung dễ dàng hơn:
Không đơn giản là những cách tân với người dùng phổ thông, Android 11 còn được tích hợp sẵn nhiều chức năng thân thiện với người khuyết tật. Ví dụ như Accessibility có mặt trong hệ điều hành Android đã dần được cải thiện lẫn bổ sung các công cụ bổ trợ rất tốt cho người khuyết tật hay thậm chí là người muốn tận dụng các công cụ này để tối ưu việc sử dụng thiết bị của mình.
Song song đó, Google còn có Android Accessibility Suite (Gói Hỗ trợ Android) miễn phí gia tăng thêm lựa chọn cho người dùng, đâylà một tập hợp gồm các ứng dụng hỗ trợ tiếp cận giúp người sử dụng thiết bị Android mà không cần nhìn vào thiết bị hoặc chỉ cần dùng một thiết bị công tắc (chuyển đổi qua lại nhanh các ứng dụng và chức năng).
Chọn Cài đặt (Settings) > Hỗ trợ (Accessibility) trên điện thoại Android.
Tại đây sẽ có 05 phần chức năng với nhiều tùy chọn và các dịch vụ (ứng dụng) hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng người dùng khác nhau gồm:
- Đọc màn hình: Voice Assistant mô tả bằng giọng nói cho người mù hay thị lực kém biết bạn đang chạm, lựa chọn hay kích hoạt gì trên màn hình điện thoại.
- Cải thiện khả năng hiển thị: nhiều lựa chọn hiển thị font chữ, màu sắc và ánh sáng phù hợp với mắt của người thị lực kém
- Nâng cao thính giác: như tên gọi, phần này cung cấp tùy chọn về âm thanh cũng như tính năng tạo phụ đề văn bản từ nội dung âm thanh, chuyển giọng nói sang văn bản, hoặc chuyển âm thanh từ stereo sang mono.
- Tương tác và thao tác: phần tùy chỉnh cho những tương tác giữa người dùng và thiết bị được tiện lợi hơn
- Cài đặt nâng cao: lựa chọn kích hoạt các chức năng hỗ trợ
- Dịch vụ được cài đặt: các công cụ có sẵn và các dịch vụ bổ sung từ gói công cụ Android Accessibility Suite như TalkBack...
Đối với người mù hay thị lực kém:
Các ứng dụng đọc nội dung trên màn hình cho người mù hay thị lực kém sẽ có cơ chế đọc từ trái qua phải, sau đó là từ trên xuống dưới. Tương tự cho các trình đơn (menu). Những tùy chọn ‘Cải thiện khả năng hiển thị’ giúp phóng to cỡ chữ hay màu sắc thân thiện với mắt.
Ngoài Voice Assistant, Android còn có 2 công cụ hỗ trợ khác trong bộ Android Accessibility Suite có chức năng đồng hành cùng người mù gồm:
- TalkBack: Đây là ứng dụng đọc màn hình, nhận phản hồi bằng giọng nói, điều khiển thiết bị bằng cử chỉ và nhập văn bản bằng bàn phím chữ nổi trên màn hình
- Chọn để nói: chọn các mục trên màn hình và nghe thiết bị đọc to các mục đó.
Một ứng dụng bổ trợ khác là Lookout của Google hoạt động như một đôi mắt cho người thị lực kém. Nó sẽ sử dụng camera của điện thoại nhận biết đối tượng vật thể đang được hướng tới là gì, và đọc to mô tả đó cho người dùng hiểu. Người mù cũng có thể đọc tài liệu văn bản nhờ ứng dụng này.
Đối với người điếc hay lãng tai
Tùy chọn ‘Nâng cao thính giác’ trong phần Hỗ trợ, bật tính năng Phụ đề (Captions). Bên cạnh đó, Google có cung cấp một ứng dụng độc lập mang tên Live Transcribe chuyển giọng nói trực tiếp ngay tức thì sang văn bản (có hỗ trợ tiếng Việt), giúp người điếc giao tiếp.
Hay như đối với người lãng tai, ứng dụng Bộ khuếch đại âm thanh (Sound Amplifier) của Google có khả năng lọc, tăng cường và khuếch đại âm thanh xung quanh cũng như trên thiết bị của người dùng, giúp họ nghe rõ các âm thanh quan trọng như nội dung trò chuyện mà không làm tăng quá mức các tạp âm gây mất tập trung.