Chưa bao giờ nhận mình là thầy giáo nhưng đã có hàng trăm học trò tìm tới theo học và nhiều người trong số họ đã đỗ thậm chí tốt nghiệp đại học. Người đàn ông bình dị vẫn ngày ngày âm thầm dạy bảo, truyền cảm hứng sống, học tập cho hàng trăm học trò ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đó là hình ảnh của thầy Dương Đình Nghiệp, 63 tuổi, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Tìm tới phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội hỏi thăm địa chỉ nhà thầy Dương Đình Nghiệp thì hầu như ai cũng biết, nhiệt tình chỉ dẫn đến tận nơi. Nhưng thật bất ngờ khi lần theo chỉ dẫn của người dân đến địa chỉ thì chỉ thấy trước cổng nhà thầy chỉ treo một tấm biển đề: “Bác Nghiệp dạy toán”. Được người dân nhiệt tình giải thích tôi mới khẳng định mình không tìm nhầm nhà. Theo người dân nơi đây mọi người vẫn gọi người đàn ông trên lục tuần “Bác Nghiệp dạy toán” là thầy Dương Đình Nghiệp như một sự tri ân và kính trọng của học trò theo học và người dân xung quanh gọi thầy chứ bản thân thầy Nghiệp chưa bao giờ tự nhận mình là thầy giáo.

Thay Nghiep1

Sau những bỡ ngỡ ban đầu trong tiếp xúc, kể về cơ duyên đến với nghề, thầy Nghiệp chia sẻ ước mơ lớn nhất của mình là trở thành bác sĩ còn dạy học đến một cách tự nhiên do duyên phận. Thầy Dương Đình Nghiệp tâm sự vì sức khỏe yếu nên không thể theo học ngành y nên thầy chuyển sang theo học trường Quản lý Kinh tế Hà Nội. “Năm 1983, khi 28 tuổi chỉ một lần ngã “qua loa” đã khiến tôi mất 3 năm nằm liệt giường, mọi sinh hoạt của bản thân đều diễn ra tại chỗ” - thầy Nghiệp kể lại. Khi đó, gia đình còn nghèo nên không được chạy chữa mà chỉ có uống thuốc tại gia đình. Do vậy, trong quá trình nằm liệt giường như vậy, những khớp nào tiếp xúc với giường sẽ bị cứng, khó khăn trong cử động. Sau đó khi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, họ kết luận thầy bị bệnh dính khớp.

Không muốn mình mãi mãi năm một chỗ với bốn bức tường làm bạn lúc nào thầy Nghiệp vẫn đau đáu phải đứng dậy và đi được bằng đôi chân của mình để thực giấc mơ đang dang dở. “Hơn 3 năm tập luyện cùng sự giúp đỡ sẻ chia của người thân tôi mới ngồi dậy được. Và phải đến 10 năm sau tôi mới có thể tự di chuyển từng bước một như bây giờ. Cảm giác lúc này thấy nhẹ nhõm và sung sướng vô cùng. Dù trải qua đớn đau, tôi vẫn hằng ngày cố gắng tập đi từng bước một. Khi đứng dậy và bước đi bằng đôi chân của mình, nhưng do bị dính khớp từ háng trở lên nên tôi không bao giờ ngồi được mà chỉ đứng thẳng. Đây là nguyên nhân dẫn đến khi giảng bài cũng như trò chuyện, nghỉ ngơi lúc nào thầy cũng vẫn giữ nguyên một dáng đứng. Có thể nói đời người chỉ phải một lần tập đi nhưng tôi phải tập đi đến hai lần và bây giờ vẫn còn tập tiếp…”thầy Nghiệp chia sẻ.

Sự học cũng từ đó mà nên duyên, những đứa trẻ trong xóm trước là mang bài sang hỏi, dần dần cứ đứa này nối đứa kia rồi thành lớp, thành thầy. Thầy từng dạy toán cho nhiều em học sinh và được học sinh ca ngợi dạy hay, tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh không chỉ ở Hà Nội mà từ các tỉnh khác cũng đến nhờ thầy kèm cặp thêm môn học này. Nhiều năm qua đi, có hàng trăm học sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Lào Cai… đến theo học. Lớp học của thầy Nghiệp có đủ các lớp, từ lớp 1, lớp 2 đến ôn thi đại học. Cách truyền đạt của thầy giản dị, dễ hiểu nên các em nhanh tiến bộ. Học sinh đến với lớp học của thầy không chỉ được ôn luyện kiến thức, mà còn được học những bài học đặc biệt như đạo Nho, viết thư pháp hay nhạc cụ truyền thống. Nhiều học sinh trưởng thành từ lớp học đầy tình yêu thương của thầy. 

Thầy Nghiệp kể rằng, có nhiều lúc hai đầu gối bị co rúm lại, đau đớn, không đi được phải nhờ người kéo ra mới có thể đi lại. Những lúc như thế, thầy vẫn lên lớp. Dù tại lớp học hay trong sinh hoạt hàng ngày thầy Nghiệp lúc nào cũng một tư thế đứng, không bao giờ ngồi, ngay cả khi giảng trên lớp, khi trò chuyện cũng như lúc nghỉ ngơi. Thầy Nghiệp không dám nhận mình là thầy giáo mà khiên tốn bảo ông chỉ là “bác Nghiệp dạy Toán”. Trong căn phòng nhỏ - nơi dạy học của thầy Nghiệp luôn đề dòng chữ “Kiên trì + đam mê = Thành Tài” như một thông điệp, gửi gắm đến các em học sinh.

Thay Nghiep

Chưa từng theo học bất cứ lớp học nào về chuyên môn sư phạm, nhưng bao năm nay, thầy Dương Đình Nghiệp đã chắp cánh ước mơ cho rất nhiều lứa học trò. Thầy Nghiệp luôn quan niệm rằng, giáo dục không chỉ đơn giản là học chữ, kiến thức để vượt qua thi cử, mà quan trọng là dạy cách làm người, cách sống để trở thành người tử tế trước khi thành người tài.

Kiên Vũ



Tin liên quan