Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, tạo điều kiện để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Qua đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. khoảng 1.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
Tỉnh phấn đấu có 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông còn khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 50% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật; 80% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định…
Giai đoạn 2026-2030, hằng năm, tỉnh có khoảng 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 1.000 trẻ em và người khuyết tật vận động được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác trợ giúp người khuyết tật, gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan, trọng tâm là Luật Người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Ngành chức năng của tỉnh cường các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên các lĩnh vực y tế, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế…Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cuộc sống người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật.
Tỉnh Bến Tre hiện có trên 30.000 người khuyết tật, chiếm trên 2,32% so với dân số toàn tỉnh. Trong đó, hằng năm, trên 20.000 người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế và trợ cấp thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng. Người khuyết tật còn được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng; được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế... Bên cạnh đó, các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm tạo động lực để người khuyết tật vươn lên.