Căn phòng kỳ diệu, nơi người khuyết tật đứng lên lần nữa
Ở mỗi góc của xưởng, đều là những người thợ cần mẫn bất kể thời gian để làm ra những sản phẩm giúp những người dị tật, bị tai nạn... có thể khắc phục khiếm khuyết cơ thể.
Căn phòng tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (quận Tân Bình, TP HCM) được những người khuyết tật xem là nơi kỳ diệu giúp họ có thể đứng lên lần nữa.
Một ngày ở xưởng sản xuất - lắp ráp dụng cụ chỉnh hình đến tận chiều tối. Tôi bắt gặp ớ đó, những người không đi lại được có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, những người khiếm khuyết trên cơ thể tìm thấy ánh sáng hy vọng trong cơn tuyệt vọng.
Xưởng nằm bên trong Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (quận Tân Bình, TP HCM). Xưởng có 6 kỹ thuật viên để sản xuất các dụng cụ chỉnh hình. Các dụng cụ tại đây đa phần được làm thủ công vì tính đặc thù và không thể sản xuất được hàng loạt.
Dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người dị tật, bị tai nạn không chỉ khắc phục khiếm khuyết cơ thể mà còn giúp họ sử dụng những dụng cụ đó một cách thoải mái, tự tin nhất.
“Một chiếc chân giả không chỉ đẹp mà quan trọng nhất là phải bảo đảm đúng tiêu chí, phù hợp với từng thể trạng, bệnh lý của bệnh nhân"- anh Trương Hữu Quốc Hùng (30 năm làm ở xưởng) cho biết.
Để làm một chiếc chân (tay) giả phải trải qua rất nhiều công đoạn như làm cốt âm, cốt dương, các ngón tay đều được lấy mẫu từ ngón tay tương ứng của bàn tay còn lại và phải giống thật ngay đến đường chỉ tay.
Ở mỗi góc của xưởng, đều là những người thợ cần mẫn bất kể thời gian để làm ra những sản phẩm giúp những người dị tật, bị tai nạn... có thể khắc phục khiếm khuyết cơ thể.
Một số chi tiết có thể sử dụng máy để mài, nhưng đối với các chi tiết nhỏ thì chỉ có phương pháp thủ công là hiệu quả nhất.
Đây là giày của một bệnh nhi bị tật ở bàn chân từ khi chào đời. Bé cần có giày chỉnh hình mới có thể tập đi lại như trẻ bình thường.
"Chân của bé rất yếu, không thể đứng vững nên tôi mới bắt xe từ nhà (Cần Thơ) tìm đến đây để đặt một đôi giày chỉnh hình để giúp bé có thể tập đi lại như trẻ bình thường"- anh Bùi Huy Hoàng, cha của bé Bùi M. H. (2 tuổi), cho biết.
Để hoàn thành đôi giày chỉnh hình cho bé Bùi M. H., không dưới 5 lần các kỹ thuật viên phải chỉnh sửa, cắt ngắn, mài dũa... đôi giày chỉnh hình này mới được các kỹ thuật viên hoàn thành.
Những đôi giày chỉnh hình giúp những đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh tăng thêm sức cho đôi chân biến dạng khi lần đầu tập đứng.
Không chỉ làm ra những dụng cụ chỉnh hình tinh xảo, tiện dụng cho bệnh nhân mà các kỹ thuật viên tại căn phòng kỳ diệu này còn giúp nhiều người có thêm nghị lực sống.
Theo Nguoilaodong.com