Bị khuyết tật nhưng vẫn một mình sống tự lập giữa Thủ đô, vừa đi làm, vừa đi học và vẫn đạt học sinh giỏi toàn diện, đó chính là câu chuyện hết sức đặc biệt về cựu học sinh Phùng Văn Minh, trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội)...

Minh sinh ra tại vùng núi Ba Vì (Hà Nội). Ngay từ khi lọt lòng, một bên mắt của em bị khiếm thị bẩm sinh, rồi cuộc đời lại liên tiếp thử thách em với hàng loạt biến cố. Mưu sinh với nghề thợ xây, phụ hồ, bố mẹ Minh thường đi làm xa nhà. “Giữa năm lớp 3, em không còn nhìn thấy những gì cô ghi trên bảng. Chữ ghi trong vở, em phải viết to gấp đôi, gấp ba bình thường mới có thể đọc. Nhưng đến cuối năm lớp 3 thì em thậm chí không thể đọc được những gì em vừa viết. Không có lựa chọn nào khác, em buộc phải nghỉ học…”, Minh kể. Bầu trời như sụp đổ trước mặt của cậu bé 9 tuổi. Và càng đau đớn hơn một ngày sau đó, mẹ Minh đi làm, rồi đi mãi, không thấy trở về… Mẹ đi biệt tích, Minh chỉ còn có thể gửi những buồn vui vào vòng tay của bố. Nhưng niềm hạnh phúc giản đơn ấy cũng chẳng được bao lâu, khi bố em bất ngờ bị tai nạn lao động và qua đời. Năm ấy, Minh mới 13 tuổi.

Minh cho biết, bí quyết để đạt kết quả học tập cao của em là học tập trung trong thời gian ngắn thay vì dành quá nhiều thời gian học nhưng không hiệu quả. Ảnh: Bản Sa


Không còn cha, không còn mẹ, Minh về ở với cô và bà, còn em trai được người bác cưu mang. Liên tiếp những biến cố đau thương ập đến khi còn quá nhỏ, khi anh em Minh đang cần sự nuôi dưỡng, cần những âu yếm, yêu thương, vỗ về. Minh bảo, đó là những chuỗi ngày đau khổ và tăm tối nhất của cuộc đời em. “Nhưng sau những chuỗi ngày đau buồn ấy, em nhận ra mình cần phải sống mạnh mẽ hơn. Chính những mất mát đã dạy em biết trân trọng cuộc sống này và hiểu mình phải sống tích cực từng ngày. Em bắt đầu tập cho mình thói quen tư duy tích cực, biết chấp nhận những gì mình đang có và phải tiến về phía trước”, Minh chia sẻ.

Sau 3 năm nghỉ học, Minh được nhận vào học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Em mất một năm học chữ nổi, sau đó học lại từ lớp 2. Dù phải học chậm vài năm so với các bạn, nhưng Minh bảo, cảm giác khi được đi học trở lại giống như được sinh ra thêm lần nữa. Niềm vui đến vỡ òa, em nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tự lập và hòa nhập với môi trường mới. Em hào hứng tham gia tất cả các hoạt động của trường với niềm say mê. Không chỉ học chữ, em còn học vẽ, học làm gốm, học xoa bóp bấm huyệt.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ cuối năm lớp 5, Minh đã bắt đầu đi làm thêm. Để có thể tiếp tục việc học và trang trải cuộc sống, Minh vẫn cặm cụi đi làm suốt các mùa hè và cả ngày nghỉ cuối tuần. Dù khiếm thị và phải vất vả mưu sinh, Minh vẫn luôn là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt ở lớp. Năm học 2017-2018, em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện với các môn đều trên 8 điểm, là một trong những học sinh tiêu biểu được Sở GD&ĐT Hà Nội vinh danh. Minh nói, em yêu thích nhất là môn văn bởi những tác phẩm văn học đã giúp em có được những bài học nhân sinh quan sâu sắc, giúp tâm hồn nhẹ nhàng hơn, trưởng thành hơn và giúp em có thêm nghị lực để vươn lên.

Học ở trường THPT Trần Nhân Tông, Minh luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các bạn, thầy cô và cả các phụ huynh. Các thầy cô gom góp cho em mỗi năm từ 5 đến 7 triệu đồng để phụ giúp em tiền ăn. Các bạn thay nhau đưa đón Minh đến lớp, hỗ trợ em bài vở. Một phụ huynh cũ của trường Nguyễn Đình Chiểu khi biết hoàn cảnh của em đã hỗ trợ em tiền thuê nhà. Minh vẫn miệt mài vừa học vừa tranh thủ đi làm để trang trải cuộc sống, chỉ những dịp nghỉ lễ em mới về quê. “Minh là một học sinh giỏi toàn diện với hầu hết các môn đều trên 8 điểm. Đó là từ năng lực thực sự của em, hoàn toàn không có sự nâng đỡ nào. Em vừa được Hà Nội vinh danh là học sinh tiêu biểu Thủ đô năm 2018. Chúng tôi rất tự hào về em”, thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, xúc động nói về cậu học trò đặc biệt của mình.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Minh say sưa nói về một trung tâm hỗ trợ cộng đồng cho người khuyết tật. Ở đó, người khuyết tật sẽ được chăm sóc, dạy nghề, tạo công ăn việc làm và đặc biệt là được hòa nhập với xã hội một cách tốt nhất, tối đa nhất, để từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Xã hội hiện đại rất cần những người làm công tác xã hội để định hướng xã hội tiến lên theo chiều hướng tích cực và có thể giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành này còn rất thiếu và rất cần những người đã từng trải qua cuộc sống khó khăn để có sự thấu hiểu và đồng cảm, từ đó sẽ có sự hỗ trợ tốt nhất. Vì thế, em mong muốn theo học ngành này để có thể đóng góp một chút cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam”, Minh chia sẻ.

Nói về nghị lực sống của mình, Phùng Văn Minh cho biết, cuộc sống khó khăn và nhiều thách thức đã giúp em vượt lên bản thân, để sống có trách nhiệm hơn với mình và với mọi người. Em tiết kiệm từng đồng tiền ít ỏi có được nhưng luôn tính toán cẩn trọng trong ăn uống sao cho đủ chất để đảm bảo sức khỏe. Em luôn đặt mục tiêu cho từng chặng trong cuộc đời mình và lên kế hoạch cho từng bước thực hiện mục tiêu đó, chắc chắn và kiên định.

Tin liên quan