20h ngày 11/10, Chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” lần thứ IV với chủ đề “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Chương trình vinh dự được đón tiếp đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch cùng các Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, lãnh đạo các ban, ngành liên quan của Trung ương và Hà Nội.
Tiết mục văn nghệ mở màn của các em học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật lần thứ IV với chủ đề “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” được tổ chức nhằm góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; hướng tới Kỷ niệm 92 năm ngày Phụ nữ Việt Nam. Chương trình do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện.
Chương trình có sự tham dự của 35 cặp vợ chồng khuyết tật tiêu biểu, đến từ 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 70 đại biểu chính thức, có 46 đại biểu khuyết tật vận động, 6 đại biểu khiếm thị, 1 đại biểu khiếm thính và 17 đại biểu không khuyết tật. Có 8 đại biểu là người dân tộc.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định “Người khuyết tật có quyền bình đẳng với tất cả mọi người, bao gồm quyền bình đẳng trong tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Người khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong xã hội, nhưng với sự trợ giúp của cộng đồng, họ luôn nỗ lực vươn lên, có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhiều người trong số họ đã vươn lên sống tự tin, tự lập, không trở thành gánh nặng của xã hội mà còn là tấm gương điển hình cho người khuyết tật khác và mọi người noi theo”. Những phóng sự ngắn, những chia sẻ trực tiếp đầy xúc động và chân thực tại Chương trình về câu chuyện tình yêu, hôn nhân của các cặp vợ chồng người khuyết tật chính là minh chứng cho lời khẳng định đó.
Hạnh phúc khi bảo vệ được tình yêu và phá bỏ định kiến của xã hội
Vợ chồng anh Bính, chị Dịu (Bắc Ninh), anh Chương, chị Loan (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ tại Chương trình
Trong 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tham dự Chương trình, có 14 cặp chồng là người khuyết tật, vợ là người lành. Điều đó cho thấy sự hy sinh, tình yêu cao cả của người phụ nữ Việt Nam và cũng thấy được sự nỗ lực, cố gắng của những người chồng khuyết tật trong việc giữ vững vai trò trụ cột trong gia đình. Dù mang khiếm khuyết, các anh vẫn không ngừng vươn lên làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế để có thể bảo vệ tình yêu của mình, phá bỏ định kiến, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho vợ con, gia đình và người đồng cảnh.
Hơn 20 năm trước, giấc mơ trở thành sĩ quan pháo binh của anh Đỗ Duy Hưng (Thanh Hoá) hoàn toàn lụi tắt sau tai nạn lao động kinh hoàng, cướp đi 70% sức khỏe. Trở thành người khuyết tật, cú sốc về sức khỏe, mặc cảm về tinh thần tưởng chừng không vượt qua nổi. Chính tình yêu của chị Đỗ Diệu Hương đã vực anh dậy. Nắm chặt tay nhau, anh chị cùng vượt qua rào cản gia đình, định kiến xã hội, cùng nhau làm kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đến nay, anh trở thành ông chủ của một cơ sở nuôi ong, thường xuyên mở lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật cho người dân, đặc biệt miễn phí cho người khuyết tật. Thời gian rảnh, anh lại cắt tóc, bán bảo hiểm, từng chút, từng chút tích cóp. Hạnh phúc của anh chị là mỗi ngày, được nắm tay nhau, cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui, mệt nhọc, cùng nhìn ngắm các con khôn lớn trưởng thành.
Cuộc sống có những điều kỳ diệu, dù điều diệu kỳ ấy loé lên từ những biến cố, những mất mát và ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết - đó là những đúc kết được rút ra từ câu chuyện của vợ chồng anh Trần Văn Bộ, chị Nguyễn Thị Linh (Bắc Giang). Cưới nhau chưa đầy 1 năm thì anh Bộ bị tại nạn dẫn đến liệt tứ chi phải ngồi xe lăn. Lúc ấy chị Linh đang mang bầu 7 tháng. Chính tình yêu thương trọn vẹn nghĩa tình của chị, mầm sống đang dần sinh sôi đã trở thành động lực để anh từ bỏ ý định tìm đến cái chết, từng bước vươn lên. Từ số vốn 500.000 đồng, nhờ chăm chỉ, chịu khó, anh chị nâng dần và mở rộng kinh doanh. Từ cửa hàng 12m2 anh chị đã mở rộng 120m2 và 80m2 nhà kho. Dù không thể đi lại bình thường nhưng nhờ năng động, biết tính toán, nhờ sự đồng thuận của cả hai vợ chồng, năm 2018 anh chị đầu tư xây dựng mô hình siêu thị 540m2 với số vốn 5 tỷ đồng, kinh doanh 3000 mặt hàng phục vụ người dân. Tháng 5/2022 anh chị đã xây được ngôi nhà 4 tầng 180m2 trị giá 3 tỷ đồng.
Khác với tai nạn bất ngờ của anh Bộ và anh Hưng, biến chứng từ cơn sốt bại liệt lúc lên 1 tuổi đã khiến chân phải của anh Lê Công Hoan (Bà Rịa – Vũng Tàu) bị teo lại. Anh đã trải qua đủ nghề khác nhau để vươn lên và khẳng định mình. Cùng với tình yêu, sự chịu thương, chịu khó của chị Trần Thị Tư, anh chị chăm chỉ làm ăn, tích luỹ, dần làm chủ cuộc sống. Hiện nay, gia đình anh Hoan là chủ vườn hoa, rau sạch có diện tích gần 7.000m2 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, với doanh thu trên 600 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hoan còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, trong đó có 5 người khuyết tật với mức lương 8-9 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc, anh chị trở thành tấm gương cho những người xung quanh học tập, noi theo.
Trong gian khổ, tình yêu vẫn luôn thắp sáng
Vợ chồng anh Bảo, chị Thu (Hà Nội) và anh Hải, chị Phi (Đà Nẵng) giao lưu tại Chương trình
18/35 cặp vợ chồng tiêu biểu cả hai vợ chồng khuyết tật. Con số ấy cho thấy sức hút của tình yêu đối với người khuyết tật và cũng khẳng định, tình yêu có nghĩa như thế nào trong cuộc sống, khả năng vượt khó vươn lên của họ. Có những cặp vợ chồng nghe theo tiếng gọi con tim và sẵn sàng đến với nhau từ khi tuổi mới đôi mươi, cũng có những người mãi nửa sau của cuộc đời mới dám mở lòng đón nhận. Dù đến với nhau 3 năm, 10 năm, 20 năm, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi nhắc đến nhau, ánh mắt họ dành cho nhau vẫn rạng ngời hạnh phúc, quan tâm, yêu thương, chăm chút. Anh Chu Văn Tuận và chị Trần Thị Nhâm (Thái Bình) là một trong số đó.
Đến với nhau trong niềm lo âu, trăn trở của đôi bên gia đình bởi anh vốn chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin nên sức khoẻ yếu, chị lại khuyết tật chân, đi lại khó khăn. 2 đứa con khoẻ mạnh ra đời xoá đi nỗi lo về vấn đề di truyền, còn cơm áo gạo tiền vẫn đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng. Nhưng dù đói nghèo, khó khăn luôn bủa vây, sau 19 năm, anh chị vẫn đồng cam cộng khổ, nỗ lực hàng ngày gây dựng kinh tế, bù đắp những khiếm khuyết cho nhau để tạo nên hạnh phúc tròn đầy. Phóng sự về vợ chồng anh chị khiến các đại biểu có mặt tại Trung tâm nghệ thuật Âu cơ không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Nhất là khi chứng kiến cảnh anh Tuận dù sức khoẻ yếu nhưng vẫn theo người làng đi làm thợ xây, làm cơ khí để trang trải cuộc sống. Dù vậy, ai cũng mừng cho anh chị vì các con sinh ra khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt, con gái lớn của anh chị vừa đậu đại học, biết phụ bố mẹ việc nhà. Trong gian khổ, tình yêu của anh chị vẫn luôn thắp sáng, sưởi ấm cho mỗi thành viên trong gia đình.
Cả hai vợ chồng đều khuyết tật và chồng chỉ được học đến hết lớp 9, nhưng câu chuyện của anh Đoàn Ngọc Bảo – chị Nguyễn Thị Lệ Thu (Hà Nội) lại mang đến nguồn năng lượng của tuổi trẻ, một gia đình kiểu mẫu mà nhiều người mong muốn. Anh Bảo từng là vận động viên trượt tuyết đại diện Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc năm 2015. Chị Thu từng góp mặt trong Top 10 cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019. Đối với hai vợ chồng, khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh. Và dù khó khăn đến đâu, chỉ cần cả hai luôn có niềm tin, nỗ lực cố gắng, suy nghĩ tích cực, không có đúng hay sai, chỉ cần đúng thời điểm, gặp đúng người sẽ tạo nên một gia đình hạnh phúc, không gì là không thể.
Để mãi là điểm tựa của nhau…
Tại Chương trình, quan điểm về tình yêu, hôn nhân, về những thành quả mà những vợ chồng người khuyết tật đã đạt được khi cùng nhau nỗ lực vun đắp, xây dựng cũng được anh Bảo, chị Thu cùng các cặp vợ chồng anh Nguyễn Năng Bính, chị Vũ Hương Dịu (Bắc Ninh), anh Nguyễn Hồng Chương, chị Lê Thị Bích Loan (thành phố Hồ Chí Minh), anh Trần Đình Hải, chị Đặng Thị Phi (Đà Nẵng) trực tiếp chia sẻ.
Vượt qua định kiến về tình yêu của người khiếm thị với người lành, anh Bính, chị Dịu đã chứng minh tình cảm của cả hai với gia đình, tự tin cùng nhau xây dựng tổ ấm, là điểm tựa cho nhau phấn đấu vươn lên. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Yên Phong, chị công tác tại Trung tâm y tế huyện Yên Phong. Ngoài ra anh chị còn vay vốn ngân hàng mở một cơ sở kinh doanh nhỏ, là nhà phân phối độc quyền ngành hàng pin Panasonic tại Bắc Ninh, doanh thu mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh là người lên ý tưởng, tính toán, chị là người thực hiện. Anh chị là minh chứng cho câu nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.
Trong khi đó, tình yêu chân thành của anh Chương, sự tế nhị, tâm lý của bố mẹ chồng đã mang đến cho chị Loan niềm tin để vun vén hạnh phúc gia đình, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi. 14 năm gắn bó, yêu thương, anh chị có 2 người con: bé gái đang học lớp 7, là học sinh xuất sắc và được giải khuyến khích cuộc thi Nét vẽ xanh cấp thành phố, học sinh giỏi văn cấp thành phố. Bé trai 10 tuổi từ nhỏ đã đạt những thành tích nổi trội trong lập trình tin học, đạt Huy chương Vàng quốc gia, huy chương Đồng quốc tế kỳ thi Lập trình quốc tế; giải Nhì cuộc thi lắp ráp Robot Myor thành phố Hồ Chí Minh; giải Đồng chung kết quốc gia kỳ thi Toán học Olympic quốc tế FMO 2022.
Chính nhờ các hoạt động xã hội mà anh Hải có cơ hội quen biết chị Phi. Sự đồng cảm đã đưa hai người đến với nhau, nên duyên vợ chồng năm 2007. Năm 2010 anh chị xây được căn nhà nhỏ, dù tài sản đơn sơ nhưng luôn ấm nồng tình cảm. 12 năm liền anh chị được chính quyền địa phương tặng Giấy khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Tình yêu thầm lặng và bền bỉ của chị là động lực để anh nỗ lực trong công việc, đặc biệt là tham gia thể thao người khuyết tật. 15 năm qua, anh đạt gần 40 huy chương các loại bộ môn Ném lao, ném đĩa, đẩy tạ tại các giải thể thao người khuyết tật. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng, chị là người khuyết tật duy nhất làm việc tại Công ty TNHH Lovepop Việt Nam chuyên lắp ráp tranh, thiệp 3D. Anh chị góp cổ phần với một Công ty và phối hợp với Hội người khuyết tật sản xuất, kinh doanh các loại nước uống, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao Bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và quà của Hội LHPN Việt Nam cho các cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu
Từ câu chuyện chia sẻ của các anh chị, có thể thấy rằng, người khuyết tật có thể làm được nhiều việc như người lành lặn, có thể kết hôn, sinh con, chăm sóc gia đình như bao người khác, những mảnh ghép không hoàn hảo vẫn có thể tạo nên những câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường. Tình yêu, hôn nhân không chỉ là quyền của người khuyết tật mà còn là sức mạnh, là nguồn lực, là điểm tựa giúp người khuyết tật phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, hòa nhập vào cộng đồng, đóng góp cho gia đình, xã hội. Quan tâm đến người khuyết tật, bên cạnh các vấn đề về việc làm, giáo dục, y tế, tiếp cận… còn cần quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm, tạo thêm điều kiện, cơ hội để người khuyết tật đến được với tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình của mình.
Chứng kiến và lắng nghe chia sẻ của của các cặp đôi người khuyết tật tại chương trình, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam không giấu nổi niềm xúc động. Bà cho biết: "Nhìn 35 cặp đôi tiêu biểu rạng ngời hạnh phúc khiến tôi thật sự ngưỡng mộ, mến phục, tự hào và trân trọng. Tình cảm của các anh chị rất đỗi bình dị nhưng rất đáng trân quý. Tôi biết, để có được hạnh phúc đó, các anh chị đã phải vượt qua nhiều thử thách từ mặc cảm của bản thân, định kiến của gia đình và xã hội để khẳng định tình yêu và khả năng của mình. Chính sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ, cùng nhau thấu cảm, sẻ chia đã giúp họ xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng”. Bà Tôn Ngọc Hạnh khẳng định, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng nâng cao năng lực bản thân, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới".
Tại Chương trình, nhằm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích của các cặp vợ chồng người khuyết tật trong xây dựng, gìn giữ gia đình hạnh phúc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho 35 cặp vợ chồng tiêu biểu; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng mỗi gia đình 1 suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Phong Châu
 

Tin liên quan