Ở miền Tây, câu chuyện người bà cưu mang, nuôi nấng 26 đứa trẻ mồ côi, xem các em như cháu nội ruột của mình làm nhiều người xúc động, kính phục.

Người phụ nữ đó tên là Lê Thị Trí Hiền (60 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng, Sóc Trăng).

Có đến 26 đứa trẻ lớn, nhỏ, tất cả gọi bà Hiền bằng bà nội. Và đối với các em chỉ có bà nội Hiền là người thân yêu nhất.

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Bà Lê Thị Trí Hiền cùng các trẻ mồ côi được bà nuôi dưỡng

Bà Hiền kể, cha bà là cố Hòa thượng Tịnh Hạnh, Trụ trì chùa Năng Nhơn ở TP Sóc Trăng. Lúc còn sống, ông xây chùa, hướng đạo chúng sinh.

Ông còn nhận cưu mang nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trước cửa chùa. Đến khi cha qua đời, thực hiện di nguyện của ông, bà Hiền tiếp tục nhận trẻ mồ côi đem về nuôi dưỡng. Bà đón nhận những sinh linh bé bỏng bằng tất cả tình yêu thương của mình.

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Bà Hiền mong những đứa trẻ có tâm từ bi vô lượng 

Hơn 10 năm qua, bà Hiền đã nhận nuôi 26 trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi, bé nhỏ nhất khoảng 4 tuổi.

Hiện còn 18 trẻ nhỏ ở lại nhà bà, các trẻ lớn đã xin đến các chùa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để tu học.

“Tôi luôn dạy các cháu hướng thiện. Nếu đủ duyên lành thì trở thành tu sĩ chân chính với tâm từ bi vô lượng, còn không thì ra đời cũng phải trở thành công dân tốt cho xã hội”, bà Hiền chia sẻ.

Dù nuôi đến hàng chục đứa trẻ, nhưng việc chăm nom các cháu đều do một tay bà Hiền làm.

Những đứa trẻ bà Hiền nuôi dưỡng, có trường hợp bị bỏ rơi trước cổng chùa hay bà vào bệnh viện nhận các cháu bị mẹ bỏ rơi về nuôi. Có nhiều người nói, nếu không có duyên được gặp bà nội Hiền, biết đâu một trong những đứa trẻ này đã lành ít dữ nhiều và không có cuộc sống an yên như vậy.

Song, đối với bà Hiền, sự trưởng thành, khỏe mạnh của các cháu mới chính là niềm vui sống của bà.

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Những đứa trẻ được bà Hiền nuôi dưỡng 

“Buổi đầu nhận nuôi các cháu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các con còn quá nhỏ, phải chăm sóc, nuôi dưỡng thật kỹ. Ban đêm bé quấy khóc, tôi cũng thường xuyên mất ngủ vì ẵm bé, dỗ dành”, bà Hiền chia sẻ.

Bà Hiền chia sẻ thêm, muốn nuôi được các cháu tốt thứ nhất phải có cái tâm. Thứ hai phải cho các em  tình thương và cuối cùng phải cho những đứa trẻ này điểm tựa. 

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Những đứa trẻ hồn nhiên vui chơi trong vườn nhà 

Bà Hiền có bốn người con thì ba người xuất gia. Cô gái còn lại ở nhà phụ giúp mẹ nấu ăn, chăm sóc trẻ mồ côi.

Nhà của bà Hiền được tạo thành nhiều khu như: khu vui chơi, tkhu rồng hoa, rau cải, trái cây... để tạo không gian sinh hoạt thoải mái cho các bé.

Ngoài ra, bà còn ký hợp đồng thuê xe đưa đón các cháu đến trường học.

Bữa ăn của các cháu cũng được bà Hiền lo rất chu đáo, đầy đủ chất dinh dưỡng với các món  mặn, xào, canh. 

“Do không có cháu, nên tôi coi tất cả các bé như cháu ruột của mình. Con gái tôi cũng tham gia lớp huấn luyện y tế để về chăm sóc cho các cháu lúc đau bệnh”, bà Hiền nói và cho biết, tên của các bé đều do đặt. 

Chuyện về 'bà nội' của 26 đứa trẻ mồ côi ở miền Tây
Bà Hiền nguyện dành hết cuộc đời còn lại của mình để nuôi các cháu

Bà Hiền lo cho tất cả các cháu học đến hết lớp 12, sau đó cho học trung cấp Phật học. Đến năm 20 tuổi, mỗi em sẽ được quyền lựa chọn định hướng vào đời cho bản thân. "Nhìn các cháu lớn lên khoẻ mạnh mỗi ngày là niềm vui đối với tôi. Tôi đã nguyện dành hết cuộc đời còn lại của mình cho các cháu", bà Hiền tâm sự. 

Chi phí để lo cho các em mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của các Phật tử gần xa, bà Hiền còn được người thân hỗ trợ.

Không chỉ chu đáo việc nuôi dạy trẻ mồ côi, bà Hiền còn đóng góp tích cực trong công tác thiện nguyện tại địa phương như: Xây dựng phòng học, xây nhà và cầu giao thông nông thôn...

Theo tuoitre.vn

Tin liên quan